Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM): Khảo sát ngoại ngữ thực chất là thi

09/04/2015 07:30 GMT+7

Sau khi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) nêu phương án xét tuyển lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực tiếng Anh, nhiều chuyên gia cho rằng đó cũng là một hình thức thi mà Bộ GD-ĐT không cho phép.

Sau khi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) nêu phương án xét tuyển lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực tiếng Anh, nhiều chuyên gia cho rằng đó cũng là một hình thức thi mà Bộ GD-ĐT không cho phép.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM): Khảo sát ngoại ngữ thực chất là thiHọc sinh tham gia kỳ thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở các năm trước - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngoại ngữ cũng là môn cấm thi ?
Trả lời trên Đài truyền hình VN cách đây vài tuần xung quanh “lệnh” cấm thi tuyển vào lớp 6, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Tất cả các trường THCS không được kiểm tra kiến thức những môn đã được dạy và học ở tiểu học để tuyển sinh vào lớp 6”. Ông Hiển còn nêu rõ những môn đó là toán, tiếng Việt, ngoại ngữ.
Phương án của Trường Trần Đại Nghĩa, TP.HCM không có cơ sở để thuyết phục rằng sẽ có tác dụng làm giảm áp lực thi cử và chống tình trạng dạy thêm, học thêm
Một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nơi đã tiến hành thi toán, tiếng Việt để tuyển sinh lớp 6 hàng chục năm nay cho biết: “Sau khi nhận lệnh cấm thi vào lớp 6, tôi cũng đã nghĩ đến phương án đánh giá năng lực tiếng Anh. Tuy nhiên, sau khi nghe Thứ trưởng trả lời cụ thể như vậy thì tôi phải tính đến một phương án tuyển sinh khác”.
Khi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 6 năm nay bằng bài khảo sát năng lực tiếng Anh, nhiều chuyên gia cho rằng đó cũng là một cách thi kiến thức chứ không phải là một phương án tuyển sinh gì khác. Chỉ có điều thay vì thi toán và tiếng Việt thì thi tiếng Anh mà thôi.
Mục đích của việc cấm thi mà Bộ GD-ĐT hướng tới, đó là giảm áp lực học hành ở bậc tiểu học, không dạy thêm học thêm tràn lan. Một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho rằng: “Phương án của Trường Trần Đại Nghĩa không có cơ sở để thuyết phục rằng sẽ có tác dụng làm giảm áp lực thi cử và chống tình trạng dạy thêm, học thêm”.
Thay một kỳ thi bằng một đợt khảo sát chỉ là tình trạng “bình mới rượu cũ” mà thôi. Có ý kiến còn tỏ ra lo ngại rằng, việc khảo sát năng lực tiếng Anh vẫn có thể “cài” kiến thức toán vào đó. Trường Trần Đại Nghĩa sẽ không muốn chỉ tuyển học sinh (HS) giỏi tiếng Anh mà họ sẽ phân loại HS bằng chính những câu hỏi toán học bằng tiếng Anh để đánh giá được kiến thức toán của thí sinh, chuyên gia này dự báo.
Lúng túng, bị động
Rồi sẽ có tổ chức ôn luyện khảo sát bằng tiếng Anh
Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn Q.1, cho rằng: “Sàng lọc HS chỉ qua một bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh e rằng bất cập. Ngoài ra, xét bản chất thì đây cũng là thi để chọn lọc. Có thể năm nay các trung tâm luyện thi chưa nắm rõ cấu trúc nên chưa biên soạn kịp nội dung tổ chức ôn luyện. Chỉ cần sau kỳ khảo sát này chắc chắn việc ôn luyện khảo sát bằng tiếng Anh sẽ rất có giá”.
Bích Thanh (ghi)
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ về quy định cấm thi vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ông cho rằng, cùng với lệnh cấm đó lẽ ra Bộ phải có những hướng dẫn cơ bản để các địa phương căn cứ vào đó xây dựng những phương án tuyển sinh phù hợp. “Nếu Bộ công bố sớm thì tôi nghĩ chắc chắn các trường, các địa phương sẽ có đủ thời gian để xây dựng và chuẩn bị nguồn lực thực hiện được những phương án tuyển sinh thay thế chứ không lúng túng như hiện nay”, ông Thạch nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng việc Trường Trần Đại Nghĩa đưa ra phương án tuyển sinh như vậy về bản chất vẫn là thi tuyển. Điều này cũng thể hiện sự lúng túng của các trường, các địa phương khi Bộ chỉ đưa ra một lệnh cấm như vậy mà không đưa ra hướng giải quyết nào cả.
GS Thuyết cũng bày tỏ lo ngại, nếu không thi và không thay thế kịp thời được một phương án tốt thì sẽ xảy ra hậu quả trong mùa tuyển sinh năm nay: hoặc là phụ huynh phải chầu chực suốt đêm rồi chen nhau đổ cổng trường để có một “suất” học cho con; hoặc là tìm cách tiêu cực “chạy” trường.
Tìm cách để không “phạm quy”
Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, thời điểm này đang là những ngày cuối cùng để đưa ra quyết định chính thức về phương án tuyển sinh vào lớp 6.
Hà Nội đã tổ chức những cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các phòng GD-ĐT. Với những trường ngoài công lập, sở GD-ĐT yêu cầu các trường tự xây dựng phương án và trình các cấp phê duyệt. Dự kiến, ngày hôm nay (9.4), Sở GD-ĐT sẽ trình UBND thành phố phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 6 của các trường đặc thù căn cứ trên quy định của Bộ và nhu cầu tuyển sinh của từng trường.
Ông Nguyễn Xuân Khang cho biết phương án tuyển sinh lớp 6 (bằng văn bản) của trường ông đã được cấp quận tán đồng, tuy nhiên vẫn đang phải chờ Sở GD-ĐT Hà Nội phê duyệt chính thức.
Ông Khang khẳng định: “Về cơ bản là xét tuyển nhưng trong quá trình xét tuyển đó phải sử dụng một số công cụ để có thể chọn lựa được HS theo nhu cầu tuyển sinh của trường”. Ông Khang nói: “Phương án đó đảm bảo 3 tiêu chí: không thi tuyển; công bằng minh bạch; chọn được HS theo nhu cầu. Sẽ có một hệ thống câu hỏi được đưa ra để kiểm tra về chỉ số trí tuệ (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) của HS. Nếu phương án được phê duyệt, chúng tôi sẽ công bố cả minh họa nội dung tuyển sinh đó để các phụ huynh được biết”.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh, cũng cho hay phương án tuyển sinh lớp 6 của trường đang chờ Sở GD-ĐT phê duyệt. PGS Cương “bật mí”: HS sẽ phải làm bài khảo sát trên giấy nhưng những câu hỏi không đi vào kiến thức của môn học nào cụ thể. Việc khảo sát này nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất, hiểu biết của HS căn cứ vào tâm lý, lứa tuổi chuẩn bị bước vào lớp 6”.
Còn Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm dù đã tổ chức thi tuyển vào lớp 6 nhiều năm qua nhưng năm nay đã chính thức công bố tuyển bằng phương thức xét tuyển theo học bạ ngoài tiêu chuẩn HS đoạt giải trong các kỳ thi văn hóa và thể thao cấp quận huyện và cấp tỉnh…
Những phương án không phải thi tuyển
Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, điều mà các địa phương cần làm hiện nay là sớm công bố một cách công khai, minh bạch các tiêu chí, tiêu chuẩn tùy vào điều kiện và đặc thù của mỗi địa phương, mỗi nhà trường.
Ông Thạch nêu ví dụ: Có thể là trước đây không quy định tuyến tuyển sinh nhưng nay thì phân tuyến để “khoanh vùng” đối tượng dự tuyển; xét hồ sơ, học bạ của HS... từ sơ tuyển. Kiểm tra các chỉ số trí tuệ, cảm xúc... của HS. Muốn vậy, ông Thạch đề xuất: “Hệ thống hồ sơ, học bạ đánh giá HS tiểu học phải cụ thể hơn, chi tiết hơn để thông qua đó các trường THCS là nơi tiếp nhận có thể đánh giá được chính xác năng lực của mỗi HS, mạnh hay yếu ở điểm nào chứ không chung chung như hiện nay”.
Cũng có ý kiến đề xuất thực hiện cách lựa chọn tương tự các trường/tổ chức nước ngoài xét học bổng. Có bước sàng lọc qua hồ sơ ứng viên nộp vào với các tiêu chuẩn cụ thể. Bước kế tiếp thông qua bài luận. Sau đó kiểm tra IQ, EQ và cuối cùng các ứng viên trải qua một kỳ phỏng vấn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.