Đó là nhận định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Không đậu lớp 10 công lập, lựa chọn hướng đi nào để thành công?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 12.7. Chương trình được phát trực tuyến tại thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.
TRƯỢT LỚP 10 CHƯA PHẢI THẤT BẠI
Lâu nay, phụ huynh vẫn mặc định lộ trình học tập của một học sinh (HS) là từ tiểu học lên bậc THCS, sau đó là học tại trường THPT công lập rồi thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Xã hội vẫn có quan niệm HS nào không đậu lớp 10 công lập, phải học trường THPT ngoài công lập hoặc trường nghề, là những người có học lực yếu và được xem như là "thất bại đầu đời".
Sự thành công của mỗi con người có thực sự phụ thuộc vào học lực ở bậc phổ thông hay còn những yếu tố nào khác? Không theo lộ trình như trên thì có thể thành công hay không?
Nhìn nhận về vấn đề này, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh hệ thống Trường quốc tế Á Châu, cho rằng hiện nay giáo dục mang tính mở rất cao, không đánh giá năng lực của người học ở một bậc học thông qua một loại hình đào tạo nào. "Nếu HS không đủ điều kiện vào trường công lập như nguyện vọng thì điều đó hoàn toàn không phải là thất bại, phụ huynh cũng đừng gây thêm áp lực cho con, mà hãy định hướng con phát huy sở trường năng lực. Hãy cho con cơ hội để phát triển cá tính, thế mạnh của mình. Có thể con có năng khiếu về nghệ thuật, thể thao chứ không nhất thiết là phải giỏi các môn văn hóa mới là thành công…", thạc sĩ Tư nêu quan điểm.
Theo thạc sĩ Tư, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh HS tốt nghiệp trường quốc tế hay trường chuyên thì sẽ thành công hơn trường thường; tốt nghiệp trường công lập thì thành công hơn trường ngoài công lập và cứ phải học ĐH thì mới thành công. "Chưa chắc con đã tệ hơn những đứa trẻ khác. Nếu cho con những cơ hội để trải nghiệm và phát triển, không đặt quá nhiều áp lực thì con sẽ phát huy được những khả năng tiềm ẩn. Đồng thời giúp con lựa chọn hướng đi thuận lợi nhất, phù hợp nhất với con thì thành công sẽ đến", thạc sĩ Tư cho hay.
Có mặt tại chương trình, cô Lương Thị Tố Sương, Giám đốc tuyển sinh - truyền thông Trường trung cấp quốc tế Khôi Việt, cũng cho rằng không nhất thiết mọi HS đều phải theo một lộ trình giống nhau là học lên THPT, học lên ĐH mới là thành công. "Thành công ở đây phải được hiểu là như thế nào? Một người không tốt nghiệp ĐH mà vẫn là chủ một doanh nghiệp và nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh của họ thì có phải là thành công không? Vì thế, quan trọng là bản thân thấy phù hợp", cô Sương lưu ý.
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Công Hòa, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông và tổ chức sự kiện Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh việc định hướng của phụ huynh rất quan trọng đối với sự thành công của con cái. "Chính cha mẹ biết con mình như thế nào và các em biết mình muốn gì, cần gì, cho nên chúng ta phải cùng định hướng, hỗ trợ để giúp các con chọn được con đường phù hợp nhất với mình", thạc sĩ Hòa nhận định.
TẬN DỤNG LỢI THẾ SẼ THÀNH CÔNG
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết rất nhiều HS không đậu lớp 10 công lập, khi lựa chọn học tại Trường quốc tế Á Châu đã phát huy được năng lực và sau khi tốt nghiệp THPT đã đậu vào nhiều trường ĐH lớn trong nước hoặc theo học tại nhiều trường ĐH ở Mỹ, Úc, Canada, Singapore…
"Lợi thế lớn nhất khi học tại trường là các em được cùng lúc học 2 chương trình: chương trình của Bộ GD-ĐT và chương trình quốc tế do trường thiết kế theo chuẩn AERO của Mỹ. Mô hình lớp học không quá 20 HS/lớp, với cơ sở vật chất và trang thiết bị luôn được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi hoàn thành chương trình THPT, các em có thể lựa chọn 2 hướng: thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong nước, trong đó có trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, hoặc chuyển tiếp du học tại các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Singapore…", thạc sĩ Tư chia sẻ.
Trong khi đó, ưu điểm lớn nhất của chương trình học nghề, theo cô Lương Thị Tố Sương, là HS sẽ rút ngắn được thời gian và chi phí học tập. Cô Sương phân tích: "Thay vì học tiếp 3 năm THPT rồi vào ĐH thêm 4 năm, thì ở đây các em vừa học nghề vừa học văn hóa tại trường hoặc tại trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ trong vòng 3-4 năm là có thể tham gia thị trường lao động. Trong quá trình học nghề các em được Nhà nước hỗ trợ học phí. Lợi thế tiếp theo là học xong các em sẽ được nhận 2 bằng gồm bằng tốt nghiệp THPT nếu học 7 môn văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và bằng trung cấp. Các em hoàn toàn có thể học liên thông lên bậc CĐ và ĐH".
Như vậy, học xong trung cấp, 18-19 tuổi là HS có thể đi làm, trong khi nếu theo lộ trình truyền thống thì ở tuổi đó HS mới chỉ vừa tốt nghiệp THPT và nếu đủ khả năng thì bắt đầu học tiếp lên ĐH, CĐ.
Thạc sĩ Lê Công Hòa còn cho biết hiện nay thị trường lao động đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề, đặc biệt ở các ngành "hot" như thương mại điện tử, đồ họa, chăm sóc sắc đẹp, ô tô…
Được biết tại Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành và Trung cấp Quốc tế Khôi Việt đang có rất nhiều ngành học phù hợp với HS tốt nghiệp THCS và dễ có việc làm với thu nhập cao như chăm sóc sắc đẹp, du lịch, tiếng Anh, công nghệ thông tin, điều dưỡng, công nghệ kỹ thuật ô tô, thiết kế đồ họa…
Bình luận (0)