Truy tìm đá mặt trăng

22/02/2012 08:52 GMT+7

Theo thống kê, 184 trong số 370 mẩu đá mặt trăng mà Chính phủ Mỹ tặng cho các tiểu bang trong nước và chính phủ các nước đã biến mất hoặc bị đánh cắp. 

Vào cuối sứ mệnh Apollo 17 năm 1972, hai phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt, những người đặt chân lên mặt trăng gần đây nhất, nhặt một cục đá to cỡ viên gạch và bày tỏ: “Chúng tôi muốn chia sẻ cục đá mặt trăng này với các nước trên thế giới”. 

Bảo quản kém

Ý nguyện của hai ông đã thành hiện thực sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh đập vỡ cục đá nói trên thành những mẩu nhỏ rồi gửi chúng đến 50 bang của nước này và 135 nguyên thủ nước ngoài như là một cử chỉ thiện chí. Trước đó, đá mặt trăng thu thập được trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969 cũng được trao tặng cho các tiểu bang Mỹ và các nước nói trên.

Có tổng cộng 370 mẩu đá mặt trăng được thu thập cho mục đích này trong 2 sứ mệnh Apollo 11 và Apollo 17. 270 mẩu được tặng cho 135 nước và 100 mẩu cho 50 tiểu bang Mỹ. Dù vậy, theo thống kê, 184 mẩu đá mặt trăng trong số này đã biến mất hoặc bị đánh cắp, trong đó có 24 mẩu ở Mỹ và 160 mẩu ở nước ngoài.

 
Một mẩu đá mặt trăng được trưng bày tại Bảo tàng Rijksmuseum, Hà Lan - Ảnh: AP

Joseph Gutheinz Jr,  một luật sư và là cựu nhân viên điều tra của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA), đang là người đi đầu trong nỗ lực tìm kiếm những mẩu đá mặt trăng bị thất lạc nói trên. Điều khiến ông không hài lòng là NASA và chính phủ các nước đã không làm tốt công việc bảo vệ, kiểm kê những mẩu đá quý này.

Chẳng hạn như sau vụ hỏa hoạn tại một đài thiên văn ở Dublin hôm 3-10-1977, mẩu đá mặt trăng mà Mỹ gửi tặng Ireland đã bị ném vào bãi rác thải Finglas tại thành phố này. Ông Gutheinz nói với đài BBC: “Mẩu đá này có thể có giá lên đến 5 triệu USD. Nó vẫn còn nằm bên dưới vài tấn rác thải tại bãi rác Finglas”. 

Do NASA không chịu trách nhiệm đối với những mẩu đá mặt trăng đã được trao tặng nên Gutheinz đang nỗ lực tìm kiếm và đưa những mẩu đá bị thất lạc trở về. Được biết đến nhiều như là một “thợ săn đá mặt trăng”, ông Gutheinz bắt đầu sứ mệnh này vào năm 1998 khi vẫn làm việc cho NASA. 

Thị trường đen

Một trong những nỗ lực ban đầu của ông Gutheinz là cho đăng quảng cáo tìm mua đá mặt trăng trên báo USA Today (Mỹ). Kết quả là đã có người liên hệ để đề nghị bán cho ông mẩu đá mặt trăng Honduras với giá 5 triệu USD. Ông Gutheinz không mua mẩu đá nặng 1,142 g này nhưng tin rằng nó là đồ thật và mức giá như thế là hợp lý.

 
Ông Joseph Gutheinz đứng trước hầm chứa mẩu vật mặt trăng tại Trung tâm Không gian Houston - Ảnh: HOUSTON CHRONICLE

Trước đó, một nhà sưu tập ẩn danh từng bỏ ra 442.500 USD để mua 0,2 g bụi mặt trăng được thu thập trong sứ mệnh Luna 16 của Liên Xô tại một cuộc đấu giá ở thành phố New York (Mỹ) năm 1993. Trong quá trình tìm kiếm, ông Gutheinz cũng từng đề nghị mua mẩu đá mặt trăng Malta với giá 10.000 USD nhưng vụ giao dịch không thành. Với những mức giá cao nói trên, không có gì ngạc nhiên khi đang tồn tại một thị trường đen đối với các mẩu đá mặt trăng, cả hàng thật lẫn giả.

Ngoài nỗ lực của bản thân, ông Gutheinz còn nhờ các sinh viên đang được ông giảng dạy môn tư pháp hình sự tại Đại học Phoenix và Cao đẳng Cộng đồng Alvin giúp truy tìm những mẩu đá mặt trăng mất tích. Cho đến nay, họ đã lần ra được tung tích của 77 mẩu đá. Dựa theo nghiên cứu của những sinh viên đó, ông Gutheinz cho biết hầu hết mẩu đá mặt trăng tặng cho các nước châu Phi đã biến mất.

Gutheinz thừa nhận rằng ông khó có thể thu thập được toàn bộ mẩu đá mặt trăng đang thất lạc - nhiều mẩu trong số này đang nằm trong các bộ sưu tập cá nhân. Dù vậy, ông cho biết rất muốn đưa một số mẩu đá mặt trăng trở về nước Mỹ, như mẩu đá Malta, Romania, Ireland... 

Kho kiến thức vô giá

Tiến sĩ Carle Pieters, nhà địa chất học hành tinh tại Đại học Brown (Mỹ), cho biết những kiến thức thu thập được từ những mẩu đá mặt trăng là vô giá. Ông cho biết: “Tôi không ngừng ngạc nhiên khi làm việc với những mẩu đá mặt trăng 4 tỉ năm tuổi này. Chúng lưu giữ dấu tích của những sự kiện xảy ra trong thái dương hệ mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.