|
Khi sao chổi ISON bay sát mặt trời vào tháng trước với tốc độ 1.332.000 km/giờ, các nhà thiên văn học trên toàn thế giới hồi hộp dõi theo quá trình có thể nói là “tự sát” này. Đến nay, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng sao chổi trên đã bị hủy diệt trước sức nóng của mặt trời. Thậm chí, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng tỷ lệ ISON bị hủy diệt phải lên đến 90%. Quan điểm chung hiện giờ là sao chổi từng tỏa sáng trên bầu trời đêm trái đất chỉ còn lại một phần nhân bề ngang 10 m, so với 1 km trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn 10% cơ hội ISON duy trì được nhân với bán kính 100 m hoặc lớn hơn, thích hợp trở thành đối tượng nghiên cứu.
Được biết, 13 phi thuyền NASA và Trạm không gian quốc tế (ISS) đã quan sát và phát ISON trong hành trình hàng triệu năm từ Mây Oort, cái nôi của các sao chổi trong hệ mặt trời, đến vành nhật hoa - tức vành ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh mặt trời. Dựa trên tính toán của các chuyên gia Mỹ, ISON được 4,5 tỉ tuổi trước khi chạm trán mặt trời vào ngày 28.11. Theo dự đoán của giới thiên văn học, phần còn lại của sao chổi ISON sẽ sáng lên, tản ra rồi mờ dần. Nhiều khả năng ISON đã chịu chung số phận hẩm hiu như các sao chổi khác trước đó, chẳng hạn Lovejoy và Elenin vào năm 2012. Tuy nhiên, ISON vẫn có thể tồn tại dưới dạng các mảnh nhỏ hơn, như sao chổi thuộc gia đình Kreutz và sao chổi Kohoutek vào năm 1973. Giả thuyết này cũng có cơ sở, do vài giờ sau cuộc đụng độ khốc liệt giữa ISON với mặt trời, các nhà thiên văn học chứng kiến một quầng sáng bật lên và bắt đầu di chuyển ra xa.
NASA cho hay sẽ theo dõi sao chổi ISON một cách cẩn thận trong vòng vài tuần tới, và nếu không phát hiện được mảnh vụn có kích thước đủ để nghiên cứu và duy trì trạng thái ổn định, có thể kết luận rằng sao chổi trên đã tan rã hoàn toàn. Trong nỗ lực truy tìm vị trí của tàn tích sao chổi ISON, NASA quyết định triển khai hầu như mọi nguồn lực mạnh nhất hiện có. Theo Space.com, NASA quyết định triển khai phi thuyền STEREO để tìm kiếm tung tích của ISON, cùng phối hợp với Kính viễn vọng hồng ngoại NASA (IRTF) ở Honolulu, tiểu bang Hawaii. Phi thuyền MAVEN vừa được phóng cách đây vài tuần trong sứ mệnh sao Hỏa cũng sẽ góp phần vào dự án này. Đến giữa tháng 12, các kính viễn vọng trên quỹ đạo gồm Hubble và Chandra sẽ tham gia công cuộc tìm kiếm ISON. Và đến đầu năm 2014, đến lượt Spitzer cũng được điều động. Trước sự bố trí dày đặc của các thiết bị viễn vọng hiện đại nhất, bất cứ mảnh vụn nào còn sót lại của ISON cũng sẽ không thoát được cặp mắt quan sát của NASA.
Sao chổi ISON nhận được sự chú ý của giới thiên văn học sau khi được hai nhà thiên văn học người Nga phát hiện vào tháng 9.2012. Vào thời điểm lộ diện, ISON được dự đoán sẽ tỏa ánh sáng có thể sánh ngang trăng tròn khi ngày càng tiến gần mặt trời. Giới chuyên gia đánh giá ISON là sao chổi quan trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, có thể sánh ngang sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm vào sao Mộc năm 1994 và sao chổi Hale-Bopp, được nghiên cứu và quan sát nhiều nhất trong 1 thế kỷ.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)