Truy tìm xúc xích "độc"

18/02/2009 23:48 GMT+7

Cảnh báo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) về xúc xích của Công ty Ballering (Bỉ) bị nhiễm chất Polychlorobifenyls (tương tự dioxin) xuất sang nhiều nước - trong đó có Việt Nam - khiến người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Yên tâm mua xúc xích VN

Chiều 18.2, có mặt tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, phóng viên Thanh Niên ghi nhận rất nhiều người tiêu dùng biết thông tin xúc xích của Công ty Ballering nhiễm độc chất, nhưng khi biết các sản phẩm cùng loại bán ở siêu thị đều do các hãng trong nước sản xuất thì khách hàng vẫn mua bình thường. Nhân viên một siêu thị trên đường Thái Hà cho biết: "Xúc xích của nước ngoài thường là loại to, kích thước như củ cải lớn và giá rất đắt, từ 120.000 đến 180.000 đồng/kg nên có bán cũng ít người mua". Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng thì khẳng định ở Big C không bán loại xúc xích Ballering và cũng chưa từng nghe tên loại xúc xích này. Tương tự, bà Vũ Huyền Nhung, phụ trách siêu thị Fivimart Đại La, cho hay không bán xúc xích nhập khẩu, chỉ bán sản phẩm do các công ty trong nước sản xuất và chưa bao giờ nghe thấy tên loại xúc xích Ballering.

Ông Phùng Danh Trường, Trưởng phòng Quảng cáo truyền thông Công ty liên doanh Đức Việt - đơn vị sản xuất và phân phối xúc xích ở khắp các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, quán bia... và thường xuyên có các cuộc khảo sát, thăm dò thị trường về sản phẩm này trên thị trường Hà Nội - cũng khẳng định xúc xích Ballering chưa thấy xuất hiện trên thị trường Hà Nội. Ông Trường phân tích: “Một sản phẩm xúc xích để tồn tại trên thị trường Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố: giá thành và khẩu vị của người Việt. Nếu sản phẩm xúc xích nhập, giá sẽ khoảng từ 3-4 USD/chiếc, tính ra tiền Việt khoảng 50.000 đồng, quá đắt so với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam. Hơn nữa, do khẩu vị khác nhau nên xúc xích nhập khẩu từ châu u rất khó ăn, chỉ phù hợp với người nước ngoài và những người đã sống lâu năm ở nước ngoài. Trên thị trường hiện có khoảng 20 sản phẩm xúc xích, đa số của Việt Nam sản xuất. Còn các sản phẩm xúc xích nhập không nhiều, chủ yếu mang tính thăm dò, thử nghiệm là chính, tuy nhiên “tuổi thọ” tồn tại trên thị trường Việt Nam rất ngắn”. 

Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh gia súc gia cầm (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) Nguyễn Hữu Nga phân tích thêm: “Khác với người nước ngoài, nhu cầu ăn xúc xích của người Việt chưa cao, chủ yếu chỉ để ăn chơi. Với những loại sản phẩm người tiêu dùng không nghe tên như Ballering, nếu có nhập về cũng rất khó bán, người tiêu dùng đa phần chỉ quen mua những sản phẩm đã có tên tuổi và giá cả hợp lý”. 

Ngoài hệ thống các siêu thị, phóng viên Thanh Niên cũng khảo sát tại nhiều cửa hàng chuyên bán đồ xách tay hoặc các quán ẩm thực dành cho khách du lịch. Tại shop Mẹ Bưu, 37 Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội, chuyên bán xúc xích của Pháp thông báo hết hàng chiều 18.2, khách muốn mua phải đặt hàng, chờ đến thứ bảy (21.2) mới có và cửa hàng này cũng chỉ bán xúc xích của hãng Bastides. Còn Western Canned (số 17 Hai Bà Trưng, Hà Nội) bán xúc xích của hãng Emborg, xuất xứ Đan Mạch. Ngoài ra, những quán ẩm thực châu u chúng tôi ghé qua chiều 18.2 đều khẳng định không có bán xúc xích Ballering. 

Polychlorobifenyls có thể gây ung thư

Trong một diễn biến khác, đến 20 giờ ngày 18.2, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định không tìm thấy hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm đối với xúc xích của Công ty Ballering (sản xuất từ thịt lợn). Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm xúc xích của Công ty Ballering chưa được nhập vào Việt Nam theo đường chính thức. Dù vậy, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nói: Cục cũng vẫn đề nghị các Sở Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thông tin rộng rãi đến các hệ thống phân phối sản phẩm như siêu thị, cửa hàng lớn để chủ động kiểm tra nguồn hàng. Nếu có mặt hàng đã bị cảnh báo nói trên, lập tức phải tạm ngừng phân phối và lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, Cục sẽ liên lạc với Bỉ để có thông tin đầy đủ về vụ việc.

Về chất Polychlorobifenyls (PCB - theo cảnh báo là có trong nguyên liệu sản xuất xúc xích Ballering), ông Đỗ Thanh Bái - Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất (Viện Hóa học công nghiệp) cho biết đó là chất thường sử dụng để sản xuất dầu biến thế, thiết bị điện. Theo Công ước Stockholm (Việt Nam đã tham gia), PCB thuộc nhóm 12 chất hữu cơ khó phân hủy trong môi trường sẽ phải cấm sử dụng hoàn toàn tại tất cả các quốc gia vào năm 2025. “Khi nhiễm vào cơ thể, chúng không phân hủy nên tích tụ lâu dài, gây nhiễm độc, có thể dẫn đến ung thư”, ông Bái nói và “cũng chưa thể biết cơ chế nhiễm PCB vào thực phẩm như thế nào”. 

Tại TP.HCM, giám đốc một siêu thị Co.op Mart tại TP.HCM cho biết: “Đối với sản phẩm xúc xích, hệ thống siêu thị chúng tôi chủ yếu cung cấp hàng từ trong nước, hàng nhập khẩu rất ít. Còn nhãn hiệu xúc xích của Công ty Ballering thì rất lạ, chúng tôi chưa nghe qua, nhưng sẽ kiểm tra lại trên toàn hệ thống để bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng không có chất độc hại”. Bà Dương Thị Thiên Trang, Giám đốc đối ngoại của Big C, cũng khẳng định hệ thống Big C ở TP.HCM chủ yếu bán xúc xích sản xuất trong nước và không bán sản phẩm của Công ty Ballering - Quang Thuần

T.Hằng - L.Tùng - N.Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.