Nhiều người mua báo hằng ngày, chỉ lướt sơ qua tin tức, đa số giống nhau của các tờ báo đăng ở trang 1, rồi lật vô trang trong chăm chú đọc những tiểu thuyết feuilleton mà họ ưa thích.
Không chỉ thu hút độc giả, feuilleton còn là “nguồn sống” của các tờ báo và nhà văn Sài Gòn.
Viết bất kể chỗ nào
Khác hẳn với cách viết tiểu thuyết thường thấy là viết và sửa chữa rất kỹ trước khi đưa tới nhà in, người viết feuilleton phải viết mỗi ngày ngay sau khi nhận được phản hồi của phần viết ngày hôm trước. Họ ngồi viết bất cứ đâu chớ không chỉ ngồi trong phòng máy lạnh. Có người viết ở nhà riêng, có người ra nhà hàng, có người ngồi ở quán cà phê bệt bên lề đường, có người ngồi ngay trước cửa nhà in.
Viết xong là đưa ngay cho ấn công đem đi xếp chữ không cần phải biên tập, không cần có người “duyệt” trước. Bởi nếu viết “vướng” vào luật cấm thì kiểm duyệt sẽ cắt và tòa soạn thay vào đó chữ “tự ý đục bỏ” và tác giả sẽ lãnh bữa lương cuối cùng! Nếu phần viết ngày hôm trước thu hút độc giả thì người viết kéo dài thêm nội dung phần đó. Còn ngược lại thì... cho qua và lập tức chuyển hướng khác. Cái khó của feuilleton là truyện phải luôn hấp dẫn, hút bạn đọc cho đến phút cuối cùng. Nếu trong vòng 5 kỳ báo mà truyện bị người đọc chê thì chủ báo buộc người viết phải “đi chỗ khác chơi” và mướn người khác viết.
Viết feuilleton không lãnh nhuận bút mà lãnh lương tháng và không bị bó buộc phải sống chết với một tờ báo. Do đó, mỗi tác giả có khi mỗi ngày viết cho mấy tờ báo khác nhau. Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một bài phỏng vấn trên tờ Văn Hóa Nguyệt san ngày 9.10.1967, cho biết: “Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilleton. Nhưng sau đó, chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilleton mỗi ngày, nhưng tôi chưa thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do ta, cũng không do chủ báo. Đó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên”.
Viết nhiều tất nhiên là không thể gọn gàng, không tránh khỏi luộm thuộm trong câu chữ, đôi khi tình tiết cũng lộn xộn. Vì vậy, nhiều nhà văn sau đó thường dành thời gian để “tút” lại các tiểu thuyết feuilleton trước khi in thành sách. Cũng có thể vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá thấp các tiểu thuyết feuilleton đăng trên các báo ở Sài Gòn.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Nếu không viết feuilleton cho báo thì nhà văn sống ra sao? Liệu có tác phẩm không? Thực tế cho thấy đã có không ít những tác phẩm dài kỳ đăng báo đáng chú ý. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai của Bà Tùng Long, một nữ nhà văn viết feuilleton khá nhiều, từng nói: “Nhờ viết feuilleton mà má nuôi cả một bầy con ăn học đàng hoàng”.
Feuilleton có từ lúc nào?
Có lẽ có từ thuở có nhà văn viết truyện đăng báo! Riêng trên báo quốc ngữ ở Sài Gòn, feuilleton xuất hiện lần đầu tiên trên Gia Định báo ngày 22.11.1884 với 44 câu đầu Phú bần truyện dài 700 câu của ông Trương Minh Ký. Đó là về văn vần. Còn về văn xuôi thì có thể kể Chuyện thằng Lằng cũng của Trương Minh Ký (bút hiệu Mai Nham) đăng hai kỳ trên tuần báo Nam Kỳ số 61 ra ngày 22.12.1897 và số 62 ra ngày 29.12.1897. Từ đó về sau, feuilleton bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Có thể nói, từ năm 1884 trở đi, feuilleton có mặt trên báo chí quốc ngữ ở Sài Gòn. Và tờ báo đăng nhiều feuilleton ở thế kỷ 19 là tờ Nam Kỳ do ông Alfred Schreiner làm chủ nhiệm, Trương Minh Ký làm chủ bút. Và truyện nhiều kỳ hơn, cũng trên báo Nam Kỳ, là Đố ngộ cố nhân tương đàm thục ký của Nguyễn Dư Hoài đăng từ số 78 ngày 27.4.1899 đến số 83 ngày 1.6.1899. Đây là một chuyện tình lấy nước mắt độc giả của hai người, hai gia đình “có học” ở miền Nam.
Đó là về tiểu thuyết sáng tác. Còn về truyện dịch có lẽ là truyện Một ngàn lẻ một đêm với tích Bảy cuộc hành lý phi thường của ông Sindbad đăng trên báo Nam Kỳ. Đây chính là truyện về sau này được dịch ra Việt ngữ với tên Những cuộc phiêu lưu của Sinh Bá. Không rõ số bắt đầu từ ngày nào, nhưng tới cuộc hành lý thứ năm thì đăng ở số 61 ngày 22.12.1898. Truyện dài mấy chục kỳ không có tên dịch giả (chúng tôi đoán người dịch là ông Trương Minh Ký). Sau truyện này thì Nam Kỳ đăng tiếp truyện Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận với độ dài vài chục kỳ.
Sau khi báo Nam Kỳ đóng cửa vào đầu năm 1900, thì sang năm 1901 tờ Nông Cổ Mín Đàm xuất hiện feuilleton bộ truyện Tàu hoành tráng Tam quốc chí tục dịch do Canavaggio đăng từ số đầu tiên 1.8.1901, dài mấy trăm kỳ đăng suốt mấy năm liền. Về người thực sự dịch bộ truyện này, về sau các nhà nghiên cứu “đoán” có thể là ông Nguyễn Chánh Sắt, một nhà báo cộng tác tích cực với Canavaggio, là người thông thạo tiếng Pháp - Việt - Hoa và cũng là dịch giả dịch rất nhiều truyện Tàu sau này. Song đây cũng chỉ suy đoán.
Từ đó về sau, đến gần hết thế kỷ 20, feuilleton đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn ăn báo chí Sài Gòn và cũng là mảnh đất lý tưởng cho các nhà văn. Trên các tờ báo, hầu như không bao giờ thiếu feuilleton để thu hút bạn đọc. Người đọc báo có thể đọc truyện Tàu, Tây, Việt trên tất cả các tờ báo quốc ngữ ra hằng tuần, cách nhựt hay hằng ngày.
Bình luận (0)