Truyện ngắn của Kiều Bích Hương: Du học

28/12/2014 02:00 GMT+7

Kaczynski! Kaczynski! Kaczynski! Mỗi khi gọi tên anh tôi đều reo lên mấy lần như thế. Kaczynski ngượng. “Ở Ba Lan bây giờ kiểu tên của anh cũ lắm rồi, hay ho gì mà em cứ ngân nga như hát”.

Kaczynski! Kaczynski! Kaczynski! Mỗi khi gọi tên anh tôi đều reo lên mấy lần như thế. Kaczynski ngượng. “Ở Ba Lan bây giờ kiểu tên của anh cũ lắm rồi, hay ho gì mà em cứ ngân nga như hát”.
Minh họa: Văn NguyễnMinh họa: Văn Nguyễn
Kệ. Ai chẳng ít nhiều không hài lòng cái tên của mình. Ngay tôi đây, tên là Lễ, Lý Thị Lễ, bạn học chê bai suốt. Hồi đó bắt đầu mốt tên đệm lung linh, ai cũng lờ đi chữ Thị. Tôi hỏi ông ngoại xem có đổi được từ Lễ sang tên Lê cho văn minh hơn không, ông cương quyết: “Cụ nhà mình là thầy đồ, tiên học lễ hậu học văn, tên cháu có nghĩa như vậy sao lại ngại ngần. Con gái phải có Thị, tên đệm lung linh chỉ tổ nhầm khi tuyển sinh”. Ông nói cũng phải, cứ thử viết sai một chữ cái hoặc một dấu trong tên gọi xem, cuộc đời chả rối tung ấy chứ.
Tôi và Kaczynski gặp nhau ở Đại học Antwerpen của Bỉ. Tôi theo ngành Logistics, diện được cấp học bổng một năm, Kaczynski học ngành Con người, phải đóng phí. Hai ngành này đều lạ tai mợ tôi. Hồi tôi đỗ Đại học Hàng hải, mợ chê: “Con gái lái tàu, sau này ế sưng ế xỉa”. Hàng hải đâu chỉ khoa lái, còn kinh tế biển, khai thác Logistics... Mợ lại dài giọng: “Không có cháu thì mợ không biết cái nghề Logistics!”. Nôm na là nghề hậu cần, tôi giải thích, mợ càng thất vọng: “Vẻ vang gì cái nghề hậu cần mà phải học cao”. Ấy, mợ mà nói câu này khi ông ngoại còn sống, thế nào cũng bị ông lên lớp một bài. Ông bảo trong chiến tranh, khâu hậu cần quan trọng lắm. Có khi quân đội hùng mạnh vẫn thua chỉ vì không có đường tiếp tế lương thực kịp thời, ổn định. Ông nói đến đây mắt rưng rưng nhớ bà ngoại. Bà mất lâu rồi. Chính bà là nhà hậu cần tài ba của ông. Ông theo cách mạng, hoạt động bí mật, ít khi về nhà. Bà một mình nuôi mẹ tôi và cậu khôn lớn. Tết Nguyên đán năm ấy, bà luộc nồi bánh chưng chuẩn bị vớt thì người ta báo giặc sắp càn đến làng. Bà cho mẹ tôi và cậu vào thúng, chuẩn bị ghé vai gánh lại tiếc rẻ nhìn nồi bánh chưng, giặc mà càn thì chẳng còn gì. Bà vội đổ cả nồi bánh chín xuống bể nước cạnh bếp, may ra giữ được cái nồi đồng. Dễ đến cả tháng sau, một đêm yên tĩnh ông trở về, rón rén khua bà dậy, hỏi nhà còn gì cho ông mang đi ăn không. Nắm ngô cuối cùng trong hũ sành vừa đem bung cho các con ăn từ chiều. Bà chợt nhớ nồi bánh chưng đổ xuống bể nước. Bà soi đèn, ông xuống mò. Cầm bánh lên thấy chắc tay, bóc ra dền dẻo, ngon thơm lạ kỳ. Bánh bà buộc lạt chặt tay, gói đùm sáu lá nên nước không ngấm vào. Dưới đáy bể lạnh khác nào tủ đá, bánh giữ được lâu vì thế. Từ đó, bà âm thầm tiếp tế cho ông bằng cách luộc bánh chưng, lấy dây thừng buộc dăm ba chiếc bánh lại rồi thả xuống nước, đầu dây kia cột vào đòn gánh gác ngang thành bể. Chẳng lo ôi thiu và chuột mèo vục miệng. Nhiều đêm bà nằm nghe bọn chỉ điểm, Việt gian rình rập trước nhà. Ông không hề xuất hiện. Sáng dậy, bà ra bể nước nhấc đòn gánh lên, đếm bánh hao đi là biết đêm qua ông về.
Những câu chuyện về thời chiến tranh ông ngoại hay kể, lạ thay, tôi tiếp tục được nghe ở xứ sở mới mẻ này. Người đầu tiên chính là Kaczynski, nghe tôi giới thiệu từ Việt Nam sang, anh reo lên: “A, Việt Nam, chiến tranh chống Mỹ!”. Ngọc, người bạn Việt thuê studio ở trọ cạnh tôi và học cùng chuyên ngành chán nản: “Ở nhà nhắc mãi chiến tranh, du học còn nghe lải nhải”. Vì ác cảm ấy với Kaczynski, Ngọc không theo gợi ý của anh, thuê phòng nhà bà Martha để tiết kiệm tiền. Nhìn tôi chuyển đồ đi cùng Kaczynski, Ngọc làu bàu: “Cậu cũng có học bổng như tớ, mỗi tháng được cấp gần một ngàn euro tiền ăn ở, thiếu thốn gì phải ở chung với chủ, lại người già, mất tự do”. “Tớ không thể tiêu hết khoản tiền đó”. “Cậu du học còn để kiếm tiền?”, tôi gật đầu cho xong.
Nhà của bà Martha và ông Herman thật ấm cúng. Cửa chính thông cầu thang lên hai phòng ngủ xinh xắn trên gác, khu phòng tắm và vệ sinh kề bên. Ông bà sinh hoạt ở tầng dưới, loanh quanh phòng khách, bếp và một phòng ngủ rộng. Máy giặt để tầng hầm có lối ra vào lỉnh kỉnh đồ đạc cũ. Tôi thấy chẳng có gì bất tiện, giá thuê phòng chỉ hai trăm euro mỗi tháng, giặt giũ còn miễn phí. Thoạt đầu Kaczynski nài bà Martha cho một cậu người Nga chung phòng với anh, bà không đồng ý. Nhưng thấy cái nhìn của hai chàng trai thật trìu mến và luyến tiếc dành cho nhau, bà chợt mỉm cười, gật đầu, chỉ thu thêm năm mươi euro. Nhưng một tháng sau anh và cậu người Nga cãi nhau ỏm tỏi. Tôi thấy anh khoanh tay cáu kỉnh nhìn bạn dọn đồ đi. “Sao anh ruồng rẫy nó?”. “Vì nó bảo bà Martha là con lừa già lú lẫn và chửi giáo sư của nó là đồ bò cái ngu ngốc. Nhìn lại nó đi, đồ lười tắm lắm mồ hôi!”. Tôi cười.
Đúng là bà Martha dạo này hay quên. Ông Herman gần như lú lẫn ngồi một chỗ đã đành, bà Martha vẫn nhanh nhẹn trong căn bếp sực mùi thức ăn thơm phức cũng bắt đầu quên khóa vòi nước, hốt hoảng tìm các vật dụng quen thuộc không biết để ở đâu.
Những buổi hiếm hoi không lên giảng đường, thư viện, tôi và Kaczynski lang thang dạo Antwerpen. Tôi nhìn khu tòa án kiến trúc độc đáo kết mái vòm bằng khung sắt và kính vút lên như những cánh buồm, hỏi Kaczynski: “Sao người ta phải đầu tư hàng trăm triệu euro để xây một nơi chẳng ai muốn vào hả anh, tòa án ấy?”. Kaczynski hất mái tóc mềm màu nâu nhạt đang rủ xuống vầng trán rộng, đôi mắt trong xanh như bầu trời hè Antwerpen nhìn xa xăm khiến tim tôi loạn nhịp: “Có thể người ta muốn nói, cái giá phải trả khi phải vào đó đắt thế đấy!”. Buổi trưa, chúng tôi thường ngồi đọc sách và gặm bánh mì ở quảng trường trung tâm thành phố. Lúc nào mỏi mắt thì ngẩng lên ngắm tượng Silvius Brabo cuồn cuộn cơ bắp trong tư thế ném bàn tay của người khổng lồ Antigonus xuống sông Schelde. Tên gọi thành phố Antwerpen cũng bắt nguồn bởi từ Handwerpen, có nghĩa là ném tay. Bức tượng ghi nhớ huyền thoại về người hùng Brabo xử Antigonus theo đúng cách hắn chặt tay những người đi thuyền qua đây không đóng thuế cho hắn. Tôi chợt nhớ ra. “Bà Martha lại quên thu tiền nhà quý này anh ạ, mình có lờ đi không?”. Anh tủm tỉm: “Cùng viết ra giấy nhé”. Chúng tôi hí hoáy viết trên mẩu giấy nhỏ rồi trao đổi. Cả hai phá lên cười khi cùng viết “Antwerpen”!
Vậy đấy, chúng tôi đã không bao giờ quên trả tiền thuê nhà, dù đôi khi bà Martha cứ ngây người ra: “Tưởng trả rồi”. Nhưng có những chuyện bà chẳng quên. Thứ nhất là nhờ tôi bôi thuốc chống hăm cho ông Herman. Tôi nghĩ cũng nhiều sinh viên thích thuê phòng giá rẻ lắm chứ, nhưng chắc gì chịu nổi sự nặng mùi của ông Herman. Ông ngày một to ra, hầu như không vận động, những lớp thịt dưới nách và đùi bắt đầu ủ mùi. Trong khi Kaczynski gắng sức vực ông ngồi dậy, bà Martha soi đèn, tôi phải khéo tay nhẹ nhàng lau rửa những vết tấy đỏ cho ông trước khi bôi kem. Tôi quen rồi, ông ngoại cũng nổi đầy mụn ngứa. Ngày xưa ông chui hầm nhiều, bệnh ngoài da mãn tính. Cậu mợ tôi cậy nhờ hết bác sĩ đông y đến tây y, không thuốc nào trị nổi. Mùa đông cũng như hè, tôi kiên trì bôi kem cho ông ngoại. Thực ra tôi gãi cho ông là chính, gãi gãy móng tay, xước da chảy máu ông vẫn kêu “Mạnh nữa lên”.
Chuyện thứ hai bà Martha chẳng quên, mỗi khi truyền hình chiếu phim về chiến tranh Việt Nam, bà lại lên đập phòng tôi và Kaczynski: “Phim Áo giáp sắt, kênh 2B, xuống xem mau các cháu”. Kaczynski còn hấp tấp lao cầu thang hơn tôi. Tôi xem phim của đạo diễn Stanley Kubrick rồi, nhưng không dám từ chối. Bà Martha lôi chăn ấm cho tôi và Kaczynski ủ chân, ông Herman ngủ gật trên ghế, chúng tôi như một gia đình hạnh phúc ngồi trước màn hình. Bà Martha và Kaczynski sụt sịt khóc khi xem cảnh lính Mỹ ngồi trực thăng xả súng xuống những người Việt đang cuống cuồng chạy trên cánh đồng. Đêm đó, Kaczynsky gõ cửa phòng tôi, tay ôm gối: “Cho anh ngủ chung với em được không, anh bị ám ảnh đôi mắt cô du kích cuối phim. Kinh khủng quá!”. Tôi nằm xoay lưng để Kaczynski vòng tay ôm lấy người tôi, vẫn nghe anh thao thức sau gáy. “Kaczynski à, nếu chiến tranh xảy ra, anh có xung phong ra trận bảo vệ đất nước Ba Lan không?”. “Anh chỉ đi nếu hoàn cảnh phải thế. Anh tin rằng, không người đàn ông chân chính nào, ngay cả người dũng cảm nhất, thích ra trận đâu em”.
Một đêm khác, chính tôi gõ cửa phòng anh. Tại bà Martha cả đấy, vài tiếng trước đó bà giục xuống nhà: “Phim tài liệu Tấm huân chương danh dự, cũng về chiến tranh Việt Nam!”. Những tấm huân chương ám ảnh tôi, đứa bé mồ côi nhưng không cô độc. Mẹ sinh ra tôi rồi mất sớm vì bệnh tim, ông bảo tôi chính là tấm huân chương vẻ vang nhất đời mẹ. Ông gửi tôi lên thành phố bú mợ vì mợ cũng vừa sinh con. Lúc tôi chập chững biết đi, ông đón tôi về làng cho tuổi già đỡ hiu quạnh. Mặc kệ láng giềng rỉ tai tôi câu chuyện “Mẹ cháu bị hãm hiếp đấy chứ, một đêm làm về khuya”, ông ngoại khăng khăng rằng bố tôi là người tốt. Người bố vô danh của tôi đã âm thầm giúp mẹ có một tấm huy chương của đời người đàn bà. Mẹ bị bệnh tim nên đàn ông ngại lấy. Bây giờ, đứa con ấy sắp có trong tay tấm bằng chứng nhận của Đại học Antwerpen rồi. Nhưng ông ngoại không còn để lồng nó vào khung kính, treo lên tường nhà, trân trọng như cách ông lau bụi và treo lại những tấm Huân chương Kháng chiến, Tổ quốc ghi công của mình. “Những tấm huân chương ấy giờ ở đâu?” - Kaczynski thì thầm khi chìa cánh tay cho tôi gối. “Vẫn treo trên tường nhà ở quê. Nhưng sớm muộn cậu mợ cũng bán ngôi nhà đó, họ không thích ở quê”. Tôi quay sang, cố gắng tìm đôi mắt anh trong đêm tối. “Kaczynski, em ân hận quá, em đã hỏi ông nhiều câu khó”. “Ví dụ?”. “Em hỏi ông rằng, bằng khen học sinh giỏi của cháu và huân chương của ông, cái nào vẻ vang hơn?”. “Ông nói sao?”. Tôi vẫn nhớ ông đã đập đập những ngón tay khô lên trán, một lúc mới trả lời: “Cả hai đều vẻ vang. Nhưng huân chương của ông treo lên để cháu nhớ rằng ông không mong nhận nhiều huân chương thế này đâu, chẳng ai muốn chiến tranh. Còn bằng khen học giỏi của cháu càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng vẻ vang”.
Những đêm tôi và Kaczynski ngủ chung ấy, bà Martha biết. Bà thường không ngủ say và hay phải trở dậy kiểm tra ông Herman có bị lạnh không. Buổi sáng chúng tôi bước xuống nhà, bà cũng không đưa mắt tò mò hay có ánh nhìn khác lạ. Bà chỉ lôi thau nước ấm ra rửa mặt, lau tay cho ông Herman, trò chuyện với ông. Rồi bà cầm tay ông choàng qua vai mình, cứ ngồi như thế thật lâu. Buổi tối chúng tôi về, bà mời: “Giúp bà nấu mì Ý nhé, cùng ăn cho vui”. Trong khi Kaczynski lăng xăng thắp nến dọn bàn, tôi giúp bà Martha trong bếp. Bà chợt bảo tôi: “Nếu bà là cháu, bà hỏi cưới Kaczynski ngay. Người như thế ai mà chẳng yêu. Nhưng bà cũng hiểu...”. Bà bỏ dở câu nói. Tôi lặng lẽ gật đầu: “Vâng, người như thế ai mà chẳng yêu”.
***
Ngọc muốn gia hạn visa để ở thêm vài tuần, thăm thú nốt Thụy Sĩ, Áo mà không được. Cô phụng phịu cùng tôi lên tàu TGV sang Pháp đáp chuyến bay về Việt Nam, kết thúc năm du học. Yên vị trên tàu, Ngọc điểm lại: “Tớ đi được mười lăm thành phố châu Âu. Còn cậu, tiết kiệm tiền làm gì?”. “Mua nhà”. “Gớm thật, đủ tiền mua nhà cơ đấy. Căn hộ trả góp hay chung cư cũ?”. “Mua nhà của ông ngoại”. “Dở hơi, đang trẻ lại về quê mua nhà! Nhưng cũng may, nhà đất bây giờ đang rẻ, khó bán dễ mua”. Tôi ngồi im nghe Ngọc lải nhải. Ngọc sao hiểu mong ước cháy bỏng trong tôi là muốn giữ lại những tấm huân chương của ông, bằng khen của tôi và cả cái bể nước hậu cần của bà ngoại.
Những triền thông thoai thoải đổ xuống vài ngôi nhà cô độc giữa cánh đồng cỏ xanh lướt vút qua cửa sổ tàu khiến tôi cảm thấy hơi khó thở. Tạm biệt châu Âu. Tôi lần tay tìm chiếc nhẫn trong túi xách, viên kim cương chỉ 3 ly, nhưng là kim cương của Antwerpen. Món trang sức đắt giá đầu tiên tôi mua trong đời, không phải cho tôi, mà tặng mợ. Tôi tạm yên lòng nghĩ mợ chắc sẽ vui vẻ nhận nó và không giày vò chồng khi cậu đồng ý bán lại ngôi nhà của ông ngoại với giá hữu nghị cho tôi.
Đợi Ngọc ngủ thiếp trên ghế rồi, tôi mới lén mở quà. Kaczynski và bà Martha đều dặn tôi phải lên tàu mới được mở. Quà của Kaczynski là một sợi dây chuyền hình cánh buồm và chiếc áo khoác dạ vai nối da hàng hiệu. Chính là hai món đồ tôi rất thích khi đi dạo các cửa hàng cùng Kaczynski, nhưng nhìn giá thì quay đi. Kaczynski không quên. Thảo nào, ngày đầu tiên của tháng bảy vừa rồi, mùa giảm giá, anh thức dậy từ sớm và biến mất cả buổi. Trên mẩu giấy gửi kèm anh nắn nót viết tên tôi, đủ cả dấu “Lễ. Phụ nữ xứng đáng đeo trang sức và cần được sống phù phiếm một chút. Kaczynski mãi mãi là của em”. Kaczynksi, tên anh lại ngân lên trong lòng tôi. Quà của bà Martha là tấm ảnh chụp bốn chúng tôi với nồi mì Ý trên bàn. Thêm một lá thư và xấp tiền. “Đây là số tiền thuê nhà cháu trả bà suốt năm qua. Bà tặng lại cháu. Hãy coi đây là lời mời của bà Martha, mua vé bay sang thăm ông bà khi nào cháu nhớ hai già này nhé. Cháu yên tâm, có thể năm sau ông bà sẽ cùng vào trại dưỡng lão. Ở đó người ta giúp bà chăm ông Herman tốt hơn. Bà sẽ gửi địa chỉ mới cho cháu”.
Bà Martha ơi, cháu sẽ trở lại châu Âu thăm ông bà, dĩ nhiên, cháu còn muốn gặp Kaczynski của cháu nữa. Tôi đã tặng Kaczynski chiếc áo dài màu hồng đào duy nhất tôi mang sang đây. Hôm tôi mặc áo dài nhận bằng tốt nghiệp, anh thảng thốt nhìn: “Vừa gợi cảm vừa mong manh, không thể có trang phục nào nữ tính hơn. Anh muốn có một bộ như thế này treo trong tủ”. Tôi định trao cho Kaczynski một lá thư khi chia tay, rồi lại thôi. Thực ra chỉ là mẩu giấy nhỏ, giờ vẫn nóng hổi trong túi áo khoác của tôi đây. “Kaczynski! Đối với em, anh là người hiểu phụ nữ hơn đàn ông và anh cũng là người hiểu đàn ông hơn phụ nữ. Nghĩ về anh như thế đã đúng chưa, CON NGƯỜI em yêu?!”.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.