|
“Về sớm với gia đình là điều xa xỉ”
Một ngày bình thường của Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng diễn ra với không khí rất khẩn trương: buổi sáng, chị dậy sớm đi chợ, nấu bữa sáng và xếp phần đồ ăn ngay ngắn vào tủ lạnh cho cả một ngày. Khi chồng chị đưa con trai học lớp 5 và con gái học lớp 2 tới trường, chị cũng nhanh chóng tới làm việc tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y. Công việc giảng dạy, hoạt động trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu cùng đồng nghiệp, học viên, sinh viên cuốn chị đi đến tận chiều tối muộn. Chị về tới nhà thường là vào 7-8 giờ tối, nơi bữa cơm sẵn sàng cùng các thành viên trong gia đình chờ đón chị.
|
Do đặc thù công việc luôn bận rộn, việc nhà chị trông cậy nhiều vào hai người đàn ông trong gia đình là chồng và bố chồng - dù đã ngoài 70 nhưng vẫn còn khá tinh anh, nhanh nhẹn. Trong cuộc trò chuyện cùng Thanh Niên, chị nhiều lần không giấu nỗi niềm tự hào nhắc rằng mình đã rất may mắn có người chồng luôn thấu hiểu, san sẻ việc gia đình, và một bố chồng tuyệt vời, tận tụy chăm sóc, hỗ trợ đưa đón các cháu khi anh, chị đi làm về muộn.
Chuyện mẹ đi sớm về khuya không biết từ bao giờ mà như đã quen dần với các thành viên trong gia đình chị. Hôm nào chị về khi trời còn sáng, không cu anh thì cô em lại ngạc nhiên reo lên: “Hôm nay sao mẹ được về sớm vậy?”. “Với tôi, những buổi về nhà như vậy khá là xa xỉ. Nếu nói là không cảm thấy chột dạ, áy náy khi có những lúc việc nhà chưa được chu toàn thì không đúng, nhưng thực sự, có những thời điểm, do tính chất công việc không thể khác được”, chị Hằng bộc bạch. Không ít lần rời khỏi đơn vị vào các buổi tối, ngước nhìn tòa nhà cơ quan thấy còn rất nhiều phòng vẫn sáng đèn, ấy là khi nhiều đồng chí, đồng đội của chị vẫn miệt mài làm việc. Chị tự nhủ, những người làm khoa học vì thế thực sự rất cần sự hỗ trợ vô điều kiện của người thân trong gia đình. Và một lần nữa chị thầm biết ơn những người thân yêu thương và thấu hiểu chị.
“Sao mẹ học mãi thế?”
“Việc chăm sóc con của một nữ khoa học gia có gì đặc biệt so với những phụ nữ khác hay không?” trước câu hỏi của tôi, chị Hằng chia sẻ: “Tôi thường ít nói mà muốn con làm gì sẽ làm mẫu cho con noi theo. Chồng tôi là người làm kinh doanh, nên cả hai nhìn chung đều bận, không có thời gian để chăm sóc con quá kỹ, có lẽ vì thế hai con tự lập từ nhỏ”. Hai vợ chồng chị cũng không tạo áp lực điểm số với con, không ép con học hành quá. Nhưng chứng kiến cảnh mẹ miệt mài làm việc, nên cả hai đều tự giác trong học tập. Nhiều khi chuẩn bị ôm chào mẹ để đi ngủ, con gái bắt gặp cảnh chị mở máy tính ra làm việc: “Sao mẹ học mãi thế? Có phải do mẹ học chưa tốt không?”, câu hỏi hồn nhiên của con gái nhỏ khiến chị bật cười.
Điều các con chị luôn thiếu có lẽ là thời gian chơi bên mẹ. Vào cuối tuần, con gái nhỏ thường hỏi: “Hôm nay mẹ có phải đi làm không?” Khi chị nói mình sẽ ở nhà, lập tức chị nhận thấy tia vui sáng rực rỡ trong cặp mắt hồn nhiên, trong veo của con. Dù mẹ ở nhà sẽ “nghiêm” hơn, yêu cầu các con phải dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, kiểm tra bài kỹ hơn, nhưng có vẻ tụi nhỏ vẫn thích những ngày cuối tuần trọn vẹn cùng mẹ.
Chồng chị là người phụ trách đưa các con ra ngoài chơi khi vắng mẹ. Thời gian mẹ bận việc cơ quan, các buổi đi chơi cuối tuần có mẹ thật hiếm hoi, do vậy anh hài hước tuyên bố với con: “Bố con mình từ nay lập riêng một nhóm có tên BBC (Ba Bố Con).” Nhóm BBC thường đi câu cá, đi ăn gà rán - món ăn trẻ con nào cũng khoái và dạo phố hoặc ra ngoại ô ngày cuối tuần. Tối về hai anh em lại tranh nhau kể cho mẹ nghe, rất hào hứng. Nhưng sau khi kể xong, con gái nhỏ lại thủ thỉ: “Nhưng con vẫn muốn có mẹ đi cùng cơ, có mẹ, đi đâu cũng được ạ”… chị mỉm cười và thơm nhẹ lên mái tóc non thơ của con. Chính sự san sẻ, ủng hộ lặng lẽ của các thành viên gia đình đã giúp chị an tâm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.
Điều phi thường được tạo ra từ những đam mê
Còn nhớ thời gian này năm ngoái, nhóm các nhà khoa học mà chị là một trong những thành viên chính đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019. Đây là bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho xét nghiệm giúp phát hiện nhanh, chính xác SARS-CoV-2. Thành tựu này đã đóng góp không nhỏ vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Với những thành tích nổi bật đạt được trong suốt hơn 5 năm qua, chị là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu vinh dự được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020.
|
Với chị Hằng, kết quả mình đạt được thực ra không có gì quá to tát khi đem so với sự cống hiến âm thầm của những thế hệ cô, thầy đi trước. Mình chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong số vô vàn những mảnh ghép để cùng tạo nên một bức tranh hoàn thiện, có sức sống và mạnh mẽ. Đồng thời còn biết bao người mẹ, người chị ngoài kia làm được những điều phi thường từ những cống hiến âm thầm, bền bỉ mà báo chí chưa soi rọi tới. Với chị, được tự do, thỏa mãn đam mê nghiên cứu là phần thưởng lớn nhất từ công việc. Phụ nữ chúng ta dù là ai - người làm khoa học, giáo viên, nữ lao công, thậm chí người bán hàng rong – chỉ cần làm công việc với niềm yêu thích và đặt trọn đam mê vào đó đều có thể tạo ra những điều phi thường trong cuộc sống.
“Điều phi thường của yêu thương” là chương trình do Công ty PNJ khởi xướng, bằng tất cả sự trân quý và ngưỡng mộ chân thành dành cho những người phụ nữ nhân dịp 8.3 năm nay. Bởi PNJ tin rằng, chính tình yêu và sự hy sinh phi thường của họ là những điều kỳ diệu nhất tạo nên một thế giới của đong đầy yêu thương.
|
Bình luận (0)