img

TS Nguyễn Phi Lê năm nay 39 tuổi, là Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BKAI), Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội). Cô có bằng tiến sĩ khá muộn (vào năm 35 tuổi), nhưng nhanh chóng bứt lên trở thành một gương mặt sáng giá trong giới nghiên cứu lĩnh vực internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) ở VN.

Nhân dịp 8.3, TS Nguyễn Phi Lê có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thanh Niên về hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học của mình.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 1.

TS Nguyễn Phi Lê (ngoài cùng bên phải) tại một hội thảo

NVCC

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 2.

TS Nguyễn Phi Lê chia sẻ: "Thực ra, ước mơ từ nhỏ của tôi là làm bác sĩ, vì muốn chữa bệnh cứu người. Nhờ được Huy chương bạc toán quốc tế (IMO 2000) mà tôi được tuyển thẳng vào đại học (ĐH). Ban đầu, tôi đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng bố mẹ khuyên tôi nghĩ lại vì làm nghề y vất vả quá, nên tôi chuyển hướng sang một trường kỹ thuật. Tôi chọn ĐH Bách khoa Hà Nội, học lớp tài năng, ngành điện tử viễn thông. Học được một năm thì tôi nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Sau một năm học tiếng tại ĐH Ngoại ngữ Osaka (Nhật Bản), tôi được tuyển vào ĐH Tokyo (một ĐH danh tiếng nhất Nhật Bản - PV), ngành công nghệ thông tin.

Tôi không theo đuổi toán lý thuyết nữa là bởi muốn chuyển sang một ngành ứng dụng trực tiếp trong cuộc sống. Nhưng tôi rất biết ơn thời gian học chuyên toán. Việc học toán giỏi không có nghĩa là mình sẽ chỉ biết những kiến thức thuần túy về toán, mà quan trọng là nó giúp cho mình rất nhiều trong việc phát triển khả năng tư duy logic. Khi khả năng tư duy của mình tốt thì mình học ngành gì cũng sẽ thuận lợi. Khi lớn tôi mới ngộ ra điều đó, chứ hồi nhỏ vì thích toán mà say mê học thôi.

Khi sang Nhật Bản du học, đã bao giờ chị mường tượng con đường tương lai của mình sẽ như thế nào không?

Tôi không phải là mẫu người có tính mục tiêu cao, kiểu như đặt ra một kế hoạch dài lâu và thực hiện kế hoạch đó. Tôi thường chỉ tập trung làm thật tốt những việc mình đang làm. Ví dụ, đang học thì phải học cho thật giỏi, đi làm thì phải làm thật tốt công việc của mình; rồi sau đó mọi cái cứ thế đến một cách tự nhiên.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 3.

TS Nguyễn Phi Lê (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ ở Viện Tin học quốc gia Nhật Bản

NVCC

Ông xã của chị có cùng làm nghề nghiên cứu khoa học không?

Không. Anh ấy cũng được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản và học tại Viện Công nghệ Tokyo, sang Nhật cùng đợt với tôi. Rồi anh ấy cũng học thạc sĩ tại Nhật, học xong thì đi làm cho một doanh nghiệp của Nhật.

Chồng chị không đi theo con đường nghiên cứu, phải chăng là để gánh vác kinh tế gia đình, cho vợ yên tâm làm khoa học?

Anh ấy cũng là dân chuyên toán, học ở Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), vào ĐH Bách khoa Hà Nội cùng khóa với tôi. So với bạn bè đồng lứa, anh ấy là một người khá nổi bật; hồi lớp 11 thì được giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn toán lớp 12. Khi thi vào lớp kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 2 môn toán và lý, anh ấy được 2 điểm 10. Việc anh ấy không theo đuổi học thuật, tôi nghĩ là do tính cách. Với lại, thời mà chúng tôi mới tốt nghiệp ĐH, nghiên cứu chưa phải là một nghề được biết đến và xem trọng ở VN. Trong khi đó, chồng tôi thích tạo cho mình một sự nghiệp có vẻ ấn tượng một chút hơn là làm một nhà khoa học thầm lặng.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 4.

Còn chị, vì sao lại chọn nghề nghiên cứu?

Cũng chính là do tính cách, nó dẫn dắt tôi đến với nghề nghiên cứu một cách tự nhiên. Đời tôi cho đến năm 28 tuổi thì gần như chỉ học với học, nên học xong thạc sĩ (ở ĐH Tokyo) thì tôi không muốn tiếp tục học lên tiến sĩ nữa, mà muốn thử đổi sang môi trường doanh nghiệp. Vì vậy, khi về VN, tôi vào làm ở Trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của Viettel.

Thời đó, môi trường nghiên cứu nói chung ở VN chưa phát triển như sau này. Trong khi đó, tôi thích làm những việc phải sử dụng tư duy cao, đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo thì môi trường học thuật phù hợp hơn. Vốn là sinh viên Bách khoa nên tôi lại quay về ĐH Bách khoa Hà Nội và gắn bó với việc nghiên cứu, giảng dạy đến tận bây giờ. Năm 2016, tôi quay lại Nhật làm tiến sĩ tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản. Việc chăm sóc 2 con trai ở nhà hoàn toàn trông chờ vào chồng tôi.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 5.

Có phải vì để thuận theo hoàn cảnh cá nhân mà vô tình chị lại tạo được sự sắp đặt thời gian khá hợp lý? Chị có 8 năm không vướng bận cho nghiên cứu lắm khi con còn nhỏ, lúc con lớn rồi thì mới bắt đầu dồn tâm trí cho nghiên cứu?

Quả là như vậy. Tôi lập gia đình khi còn đi học ở bên Nhật, sinh cháu lớn năm 26 tuổi; gần 29 tuổi (khi đã về VN) thì sinh cháu thứ 2. Năm 2016, các cháu đã lớn hơn (7 - 9 tuổi), tôi được chồng tạo điều kiện để tập trung cao độ cho nghiên cứu. Nhờ thế mà hiện nay tôi đang ở quãng thời gian sau tiến sĩ, là quãng thời gian sung sức nhất của nhà nghiên cứu.

Con đường học hành của tôi hơi khác với các đồng nghiệp. Họ học một lèo nên xong tiến sĩ lúc khoảng 30 tuổi. Còn tôi có một khoảng nghỉ ở giữa, mà như thế lại hay, vì thời gian đó tôi vẫn làm nghiên cứu kiểu "túc tắc", nhờ đó mà tôi vẫn có sẵn các bài toán cho mình. Vì vậy, quá trình học tiến sĩ của tôi diễn ra tương đối thuận lợi.

Khi xong tiến sĩ thì có lẽ tôi cũng ở ngưỡng tuổi có một chút kinh nghiệm và có các mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè làm trong cùng lĩnh vực. Có lẽ nhờ vậy mà sau khi về nước năm 2019, tôi đã thành lập được một nhóm nghiên cứu, quy tụ được nhiều sinh viên giỏi của ĐH Bách khoa Hà Nội và nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở cả trong và ngoài nước. Tôi thực sự rất biết ơn họ. Những thành quả mà tôi có được ngày hôm nay sẽ không có, nếu như không có những sự cộng tác, hỗ trợ đó.

Được biết, trước đây vợ chồng chị đều có cơ hội ở lại làm việc bên Nhật, nhưng rồi cả hai vẫn trở về VN?

Năm 2010, chồng tôi đã làm việc cho một công ty của Nhật. Còn tôi, với việc tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin ở ĐH Tokyo thì tìm việc làm ở Nhật không khó. Nhưng vì nhiều lý do mà chúng tôi vẫn muốn về VN. Với lại khi đó tôi không định làm nghiên cứu mà làm ở doanh nghiệp, nên thấy về VN cũng tốt. Còn sau này, khi sang Nhật làm tiến sĩ xong, giáo sư của tôi có giới thiệu tôi làm giảng viên trong một trường ĐH ở Osaka nhưng tôi từ chối, dù điều kiện làm nghiên cứu ở Nhật rất tốt. Thứ nhất là vì chồng, con tôi đang ở VN. Thứ hai, tôi nghĩ có nhiều sinh viên ở VN cần tôi.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 6.

Nói đến việc phụ nữ làm khoa học, nhất là ở một nước châu Á như VN, người ta thường băn khoăn, các chị đã phải vất vả như thế nào để vượt qua các rào cản xã hội, chẳng hạn như định kiến phụ nữ "chân yếu tay mềm"?

Phụ nữ làm khoa học ở VN không bị các rào cản đó. Đúng là ở nhiều nước châu Á khác (như Nhật Bản, Hàn Quốc…), xã hội thường có những định kiến về phụ nữ. Ở Nhật chẳng hạn, người phụ nữ truyền thống không tham gia các công việc ngoài xã hội, chỉ làm việc trong gia đình. Nên khi phụ nữ đi làm, nhất là làm nghiên cứu thường được xem như một người có gì đó khác biệt. Khi thành công, họ sẽ được nhận những lời "khen" kiểu như "cô ấy là phụ nữ đấy, thế mà..." Còn trong môi trường nghiên cứu khoa học ở VN, tôi nhận thấy dường như phụ nữ không bị coi là "phái yếu". Không biết như thế là thiệt thòi hay không thiệt thòi cho chị em, nhưng điều này khiến cho đánh giá của xã hội về thành công của phụ nữ có sự bình đẳng như với nam giới.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 7.

TS Nguyễn Phi Lê (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng nghiệp và các sinh viên triển khai dự án Fi-Mi trên xe buýt của Transerco

NVCC

Nghĩa là họ sẽ thấy cô ấy giỏi, có năng lực chứ không phải vì cô ấy là nữ nên được ưu ái giúp đỡ?

Đúng vậy, tôi không nhìn thấy có định kiến đó.

Vậy theo chị, đâu là rào cản với nhà khoa học nữ ở VN?

Tôi nhận thấy cứ làm nghề nghiên cứu khoa học ở VN thì không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng đều rất vất vả. Phải thực sự đam mê và kiên trì thì mới làm được, vì họ không được tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế so với nhiều ngành khác. Thu nhập của nhà nghiên cứu so với người có năng lực tương đương nhưng làm ở một số ngành khác chắc chắn là kém hơn nhiều. Rồi cảm giác tủi thân khi mình cứ vò võ làm trong khi nhận được rất ít sự hỗ trợ từ xung quanh..., thì cả nam hay nữ đều gặp phải.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 8.

Do các yếu tố xã hội tác động, dù ở Đông hay Tây mà phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vươn tới các nghiên cứu đỉnh cao. Theo chị có đúng vậy?

Cũng chỉ đúng phần nào. Thực ra, phụ nữ có nhiều đức tính đáng quý phù hợp với nhà nghiên cứu. Để theo được nghề nghiên cứu, ngoài nền tảng tư duy tốt thì cần phải có một số đức tính như tính kiên trì, tính tò mò, sự đam mê. Mà tính kiên trì thì thường là chị em trội hơn anh em. Hồi còn là học sinh chuyên toán, mỗi khi gặp một bài toán mà chưa tìm được lời giải thì đi đâu tôi cũng nghĩ về nó; nằm mơ cũng thấy đang giải toán. Giờ cũng thế, khi tôi có một câu hỏi thì lúc nào nó cũng nằm trong đầu tôi, lúc nào tôi cũng tư duy về nó.

Rồi mấy anh ở trường tôi vẫn nói vui, ở VN các cô làm nghiên cứu thuận lợi hơn các thầy. Vì làm nghiên cứu ở VN thì nghèo, mà các cô thường có chồng ủng hộ nên có thể yên tâm làm nghiên cứu, trong khi các thầy thì phải gánh trọng trách trụ cột kinh tế cho gia đình. Ngẫm nghĩ thì các thầy nói có lý. Hồi tôi mới về ĐH Bách khoa Hà Nội, lương giảng viên thấp lắm (bây giờ nhờ cơ chế tự chủ mà thu nhập khá hơn nhiều). Cũng có tiền làm đề tài nhưng chẳng đáng bao nhiêu, với lại có phải ai cũng có đề tài được tài trợ đâu. Đúng là làm nghiên cứu chỉ vì đam mê, nên nếu có một chỗ dựa về kinh tế để mình có thể yên tâm nghiên cứu thì sẽ là một thuận lợi lớn.

Nhưng nếu nhìn rộng ra, phụ nữ một khi đã đi làm (chứ không chỉ làm nghiên cứu) nếu muốn thành công phải nỗ lực hơn rất nhiều so với đàn ông, để cân bằng giữa công việc với gia đình. Tôi có may mắn vì có chồng là người hiểu biết, lại rất hiểu vợ, sẵn sàng gánh vác phần hơn việc gia đình để cho vợ yên tâm học hành, nghiên cứu.

Sau cùng thì chị vẫn thấy hài lòng với lựa chọn của mình (trở thành một nhà nghiên cứu) chứ?

Có lẽ con đường mà tôi đang đi là hành trình thích hợp với tôi nhất rồi. Nên có gì đó mà tôi chưa hài lòng thì chỉ còn cách tự mình vượt qua, vì cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, dù ở đâu cũng sẽ có lúc này lúc khác, có những việc làm cho mình thấy không hài lòng.   

Cảm ơn TS Nguyễn Phi Lê!

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 9.

TS Nguyễn Phi Lê: Không có định kiến về giới trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - Ảnh 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.