* Phóng viên: Thưa ông, nhiều bộ, ngành đã lên kế hoạch thực hiện việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc trong nhà (gọi chung là nơi công cộng), song vẫn chưa có quy định rõ ai sẽ kiểm tra, xử phạt?
- Ông Nguyễn Huy Quang: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hoặc nơi có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND các cấp là những đơn vị có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng.
* Với lực lượng thanh tra y tế ít ỏi hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, các cấp chính quyền gần như đứng ngoài cuộc?
- Thẩm quyền là thế nhưng để xử phạt người vi phạm, phải có đội ngũ cán bộ làm công tác y tế và người được phân công việc để tổ chức thực hiện. Chủ tịch UBND các cấp phải có văn bản phân rõ trách nhiệm cho từng cá nhân trong việc thực hiện quyết định này.
Nghị định 45 có đề cập việc thanh tra y tế có thể xử phạt, song lực lượng này rất mỏng nên việc kiểm tra, xử phạt hành chính việc hút thuốc lá không đơn giản.
* Có thể giao việc xử phạt hành vi hút thuốc lá cho lực lượng bảo vệ bệnh viện, cơ quan, nhà ga... hay không?
- Tại các cơ quan, công sở, lãnh đạo phải có quy chế kiểm tra, giám sát trong nội bộ. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi này lại thuộc thẩm quyền của thanh tra y tế chuyên ngành và UBND các cấp. Theo quy định, cơ quan, đơn vị nằm trên địa bàn xã, phường nào thì thuộc quyền xử phạt của UBND xã, phường ấy.
Để người phụ trách nơi công cộng có thể xử phạt người vi phạm, phải có cơ chế phối hợp tham gia giữa chủ tịch UBND địa phương với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Nếu hai bên thống nhất giao việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cho những người làm công tác bảo vệ tại bệnh viện, nhà ga..., bảo vệ có quyền lập biên bản và người vi phạm sẽ đến cơ quan chức năng nộp phạt.
Từ trước đến nay, thanh tra y tế chuyên ngành đã có một mẫu biên lai nộp phạt chung, có thể xử phạt trong nhiều lĩnh vực.
Nơi nào cấm hút thuốc lá? |
* Dư luận cho rằng mức phạt 50.000 đồng - 100.000 đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe?
- Quy định này được xây dựng từ năm 2000. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi nghị định xử phạt hành chính vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó sẽ nâng mức phạt lên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của việc hút thuốc lá và sự vào cuộc của các bộ, ngành.
* Từ ngày 1-1-2010, các đơn vị thẩm quyền sẽ “cắm chốt” ở các điểm công cộng để giám sát, nhắc nhở và xử phạt người hút thuốc lá?
- Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP đề nghị triển khai Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cấm hút thuốc lá tại một số nơi công cộng. Việc tổ chức thực hiện cũng đã được phân cấp tới các địa phương.
Về nguyên tắc, ngay khi phát hiện người hút thuốc lá, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản và xử phạt ngay. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có một quá trình tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục rồi mới xử phạt người vi phạm.
Theo Ngoc Dung (Người Lao Động)
Bình luận (0)