Từ 1.1.2025, xe đưa đón phải có thiết bị chống 'quên' học sinh

07/07/2024 05:07 GMT+7

Cuối tháng 5 vừa qua, dư luận bàng hoàng trước việc một cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: vì sao những câu chuyện đau lòng này vẫn xảy ra?

Trước đó, tháng 8.2019, một bé trai 6 tuổi tại Hà Nội cũng bị bỏ quên trong xe đưa đón, dẫn tới tử vong. Chỉ 1 tháng sau, tại Bắc Ninh, một cháu bé 3 tuổi lại bị tài xế bỏ quên trên xe; sau khoảng 7 tiếng thì cháu bé mới được phát hiện, đưa đi cấp cứu và may mắn sống sót...

Tại kỳ họp thứ 7 khóa XV vừa qua, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), có hiệu lực từ 1.1.2025, với một quy định mang tính bước ngoặt. Theo đó, xe chở học sinh (HS) phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh HS và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên HS trên xe. Quy định này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hậu quả tái diễn.

RẤT CẦN THIẾT

Là một trong những người bấm nút thông qua dự án luật, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật, nói rất ủng hộ chính sách trên. Đây là giải pháp cần thiết để siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động đưa đón HS, vốn phần nào còn lỏng lẻo trong thời gian qua.

Từ 1.1.2025, xe đưa đón phải có thiết bị chống 'quên' học sinh- Ảnh 1.

Từ 1.1.2025, xe đưa đón phải có thiết bị chống quên học sinh (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Ông Hòa dẫn thực tế cho thấy một bộ phận tài xế còn thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức khi tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, nhất là dịch vụ đưa đón HS. Bằng chứng là trong các vụ việc bỏ quên HS khiến trẻ tử vong, nhiều tài xế đã bị xử lý hình sự.

Theo vị đại biểu, giải pháp căn cơ để không bỏ quên HS trên xe là cần nâng cao ý thức trách nhiệm của tài xế cũng như người giám sát đưa đón. Tuy vậy, đây là vấn đề thuộc về nhận thức, cần thời gian và phụ thuộc vào từng đơn vị, cá nhân. Trong lúc chờ sự chuyển biến, quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị chống quên HS là cách nhanh nhất, trực tiếp nhất giúp giải quyết bài toán.

Quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, buộc doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ đưa đón HS và cả phía nhà trường phải chấp hành. Quy định này không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của HS mà còn bảo vệ chính tài xế và người giám sát đưa đón HS, tránh tình huống lơ đãng gây hậu quả rồi phải đối mặt với vòng lao lý.

NHIỀU QUỐC GIA ĐÃ ÁP DỤNG

Quy định lắp đặt thiết bị chống quên HS liệu có khả thi trong bối cảnh KT-XH và khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện nay? Ông Phạm Tiến Quân, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Nhật Thực, khẳng định yêu cầu này hoàn toàn có thể thực hiện.

Ông Quân cho hay công nghệ giám sát và chống bỏ quên HS được nhiều quốc gia áp dụng. Tại Thái Lan, hệ thống có tên Smart School Bus có chức năng định vị, báo cáo đầy đủ về tốc độ xe, nhiệt độ, độ ẩm, sự có mặt của HS…, thậm chí có thể kết nối với điện thoại của phụ huynh. Hay như tại Mỹ, xe đưa đón sẽ có còi báo động ở phía sau, nối với động cơ xe; khi động cơ ngắt, tài xế buộc phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên, nhờ đó sẽ không quên việc kiểm tra trên xe còn HS hay không.

Theo ông Quân, tại Việt Nam, giải pháp phù hợp là lắp đặt hệ thống camera phát hiện chuyển động và cảnh báo chuyển động.

Bộ báo động bao gồm tủ điều khiển trung tâm có gắn SIM 4G để cung cấp mạng cho camera hoạt động, đấu trực tiếp vào ắc quy nhằm bảo đảm hoạt động 24/24. Ngoài ra, còn có các mắt báo động chuyển động, lắp đặt tại các vị trí có tầm quan sát bao quát xe, được tích hợp cảm biến báo động chuyển động hồng ngoại, dù ngày hay đêm vẫn có thể bắt được chuyển động trên xe và phát cảnh báo.

"Khi trẻ ngủ quên trên xe, thức dậy và di chuyển, camera ngay lập tức nắm bắt và phát cảnh báo đến điện thoại", ông Quân phân tích và cho biết chi phí của một hệ thống như vừa nêu tối đa khoảng 5 triệu đồng. Mức tiền này không quá cao, dễ dàng thực hiện với quy mô lớn.

CON NGƯỜI VẪN LÀ THEN CHỐT

Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng một yếu tố khác không thể bỏ qua, đó là con người. Trong những vụ việc bỏ quên HS đã xảy ra, nguyên nhân phần lớn do tài xế và người giám sát đưa đón thiếu trách nhiệm, không làm tốt công việc được giao. Vì thế, ông Quyền kiến nghị cần siết chặt quy chế làm việc của đối tượng này.

Ông Quyền gợi ý thiết lập một quy trình đưa đón đảm bảo chặt chẽ. Khi đón, người giám sát phải đứng ở cửa trước, dìu HS lên xe. Khi xuống, người giám sát phải đứng ở cửa sau, đỡ HS xuống. Tài xế bắt buộc là người xuống xe sau cùng và phải xuống bằng cửa sau, đi dọc từ đầu xe xuống cuối xe, chắc chắn không còn HS nào bên trong thì mới đóng cửa xe.

Ông Quyền khẳng định với quy trình như trên, chỉ cần tài xế và người giám sát đưa đón thực hiện nghiêm, chuyện bỏ quên HS trên xe sẽ rất khó xảy ra. "Con người là then chốt nhất, nếu áp dụng công nghệ mà không cải thiện ý thức, trách nhiệm, vẫn lơ là thì không giải quyết triệt để được vấn đề", ông nói.

Chị Hà Phượng (31 tuổi, ngụ Hà Nội) có một con nhỏ học mẫu giáo. Rất lo lắng khi những vụ bỏ quên trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua, chị nói sẵn sàng chia sẻ nếu chi phí đưa đón con mình tăng do phải lắp đặt thiết bị chống quên HS trên xe, miễn sao trẻ được an toàn. Chị còn gợi ý các cơ sở giáo dục, nhất là cấp mầm non và tiểu học, nên sử dụng thêm phần mềm thông báo cho cha mẹ khi trẻ đã tới lớp an toàn.

Gắn chặt trách nhiệm của nhà trường

Luật TTATGTĐB còn quy định: cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón HS; chịu trách nhiệm bảo đảm TTATGTĐB khi tổ chức đưa đón HS của cơ sở giáo dục đó.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định này nhằm gắn chặt trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm an toàn cho HS, "không thể có chuyện HS bị bỏ quên trên xe mà nhà trường lại đứng ngoài". Các cơ sở giáo dục sẽ phải cẩn trọng hơn, ý thức hơn ngay từ khâu xây dựng quy trình đưa đón HS, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và chất lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.