Từ 1.7.2025, cưỡng bức hôn nhân cũng là mua bán người

12/12/2024 17:00 GMT+7

Luật sửa đổi bổ sung nội dung 'ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn' vào khái niệm 'mục đích vô nhân đạo khác' của hành vi mua bán người.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Cưỡng bức hôn nhân cũng là mua bán người

Quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề nghị bổ sung "cưỡng bức hôn nhân" vào phần giải thích từ ngữ, bởi lẽ thực tế nhiều trường hợp phụ nữ bị bán qua biên giới để buộc làm vợ cũng cần được coi là hành vi mua bán người.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khái niệm "mua bán người" quy định tại luật này được thể hiện theo hướng cô đọng, phản ánh đầy đủ những mục đích điển hình, phổ biến nhất trong mua bán người, phù hợp với cách quy định của bộ luật hình sự và các điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, luật đã bổ sung nội dung "ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn" vào khái niệm "mục đích vô nhân đạo khác" của hành vi mua bán người.

Từ 1.7.2025, cưỡng bức hôn nhân cũng là mua bán người- Ảnh 1.

Một nhóm người đứng ra làm "cò" chuộc lao động bị bán qua Campuchia muốn quay về Việt Nam, ghi nhận vào tháng 6.2022

ẢNH: T.N

Cũng liên quan đến nội dung này, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý hành vi lợi dụng nạn nhân để sản xuất nội dung khiêu dâm trực tuyến, đặc biệt trong thời đại công nghệ số phát triển, tội phạm mua bán người có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để phát tán các nội dung khiêu dâm...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, luật quy định về mục đích bóc lột tình dục, trong đó có "sử dụng nạn nhân làm đối tượng để sản xuất sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm". Quy định như vậy là đã bao hàm cả loại hình sản phẩm truyền thống và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại.

Hơn nữa, việc sử dụng nền tảng trực tuyến để phát tán các nội dung khiêu dâm chỉ là một trong các phương thức để thực hiện hành vi nhằm mục đích bóc lột tình dục nêu trên. Do đó, các khái niệm trong luật là phù hợp, bảo đảm tính bao quát các hình thức bóc lột tình dục.

Quy trình tiếp nhận tin báo về mua bán người

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều; quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Cùng với đó là tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…

Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, luật quy định người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến UBND cấp xã, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán.

Cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan chuyên môn về LĐ-TB-XH cấp huyện.

Khi nhận được thông báo, cơ quan chuyên môn về LĐ-TB-XH cấp huyện thực hiện ngay việc tiếp nhận, hỗ trợ và chậm nhất là 3 ngày phải chủ trì phối hợp với công an cấp huyện xác minh thông tin ban đầu…

Theo quy định tại luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau đây: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ y tế; hỗ trợ phiên dịch; hỗ trợ pháp luật; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ học văn hóa; hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.