Từ chối 2 tỉ đồng để giữ vườn chim

18/02/2014 09:20 GMT+7

Hơn nửa thế kỷ qua, ba thế hệ của một gia đình ở xã Lý Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã giữ gìn nguyên vẹn khu vườn cho cò, vạc và nhiều loài chim khác trú ngụ.

Hơn nửa thế kỷ qua, ba thế hệ của một gia đình ở xã Lý Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã giữ gìn nguyên vẹn khu vườn cho cò, vạc và nhiều loài chim khác trú ngụ. 


Hàng ngàn con cò bay rợp cả một vùng trời tại vườn cò anh Ngân - Ảnh: Phạm Đức 

Khu vườn rộng hơn 2 ha, nằm trong khu dân cư khá đông đúc ở xóm 10, xã Lý Thành. Mỗi sáng sớm hay chiều về, đàn cò trắng hàng ngàn con bay rợp trời, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh huyên náo cả một vùng.

Anh Vũ Văn Ngân, chủ vườn cò hiện nay cho biết, cò ở trong vườn nhà anh đã ba đời nay. Anh từng nghe ông nội kể lại, cò bắt đầu xuất hiện ở vườn từ năm 1950. Lúc đầu chỉ có năm đến mười con, nhưng theo thời gian, không biết cò ở đâu tới ngày càng nhiều hơn. Không chỉ có cò trắng mà hàng chục loài chim khác như sếu, vạc, vàng anh, sáo... cũng tụ về.

Từ khi được kế tục khu vườn, với mong muốn bảo tồn và tạo chỗ ở cho cò, nên anh đã bắt đầu trồng mét, tre, bạch đàn và các loại cây tạp để cò có chỗ trú ngụ.

Theo anh Ngân, mùa sinh sản của đàn cò vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, tới tháng 7 cò lại bay đi chỗ khác. Với việc chăm sóc bảo vệ đàn cò, chỉ mong bảo tồn sinh thái và làm tăng thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, gia đình anh Ngân không có thu nhập kinh tế gì từ khu vườn.

Khi thấy cò về, rất nhiều người đã lẻn vào vườn săn bắn chim mỗi khi anh Ngân và gia đình đi vắng. Những tay săn chim ở nơi khác cũng kéo về săn bắn. 

“Thấy người đi săn cò, gia đình lại phải bỏ công việc để bảo vệ. Nhiều khi tui sợ họ làm khó gia đình nên khuyên anh mặc kệ, cùng lắm họ cũng bắn được một con rồi cò sẽ bay đi chỗ khác thôi, nhưng anh Ngân vẫn nhất quyết ngăn cản bằng được”, chị Ánh, vợ anh Ngân nói.

Anh Ngân cho biết đã có nhiều người đến đặt vấn đề mua lại vườn cò, có người ở thành phố Vinh từng đến trả giá 2 tỉ đồng, nhưng anh không bán.

“Tiền thì tiêu rồi cũng hết, đây là khu vườn của ông cha mình để lại, mình phải có trách nhiệm bảo tồn nó. Đất có lành thì chim mới đậu, tiền thì cần thật vì tui đang nghèo, nhưng ai có trả bao nhiêu tôi cũng không bán”, anh Ngân chia sẻ.

Theo anh Ngân, khu vườn cò ngày trước có diện tích gần 3 ha, nhưng nay chỉ còn lại hơn 2 ha do anh mới bớt một phần diện tích để xây nhà ở và đào ao nuôi cá. Thế nhưng, cò và nhiều loài chim khác vẫn đang kéo về ngày một đông đúc hơn.

Phạm Đức - Phan Ngọc

>> Vườn cò của ông chủ trẻ
>> Vườn cò Bằng Lăng kêu cứu
>> Về thăm vườn cò Tân Long
>> Đàn bồ nông quý hiếm bay về vườn chim Bạc Liêu
>> Quản lý bền vững vườn chim Bạc Liêu
>> Vườn chim trong lòng thành phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.