(TNO) Trước thực tế ngày càng nhiều trường hợp bị đuổi học chỉ vì vạ miệng trên mạng xã hội, Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, xoay quanh vấn đề sử dụng mạng xã hội.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An |
Trao cho học sinh cơ hội để sửa chữa sai lầm
* Chào thạc sĩ Hòa An, mới đây một học sinh Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) đã bị ban giám hiệu nhà trường ra Quyết định kỷ luật buộc thôi học 10 ngày vì xúc phạm giáo viên trên Facebook. Theo ông, quyết định kỷ luật này có hợp tình, hợp lý không?
- Tôi cho rằng cách xử lý như vậy là không đúng. Bởi nhà trường đẩy học sinh ra khỏi môi trường giáo dục như thế là chứng minh sự bất lực. Đây không phải là quyết định phù hợp. Không thể lấy hành vi ứng xử giao tiếp trên mạng xã hội để khiến học sinh đó bị ảnh hưởng đến kết quả và quá trình học tập. Rồi chẳng may kết quả học tập của học sinh kém hơn, yếu đi thì ai chịu trách nhiệm.
* Vậy theo ông, quyết định như thế nào mới là phù hợp?
- Cần phải đánh giá bản chất bên trong của sự việc. Bằng cách trò chuyện với học sinh, để học sinh tự nhận thức được hành vi ấy là sai, là không chuẩn mực, và nhận lỗi. Hãy để học sinh đó tự đề xuất biện pháp tự khắc phục, sửa đổi. Trao cho học sinh cơ hội để sửa chữa sai lầm. Cần tìm hiểu nguyên nhân đa chiều, lý do vì sao học sinh ấy lại bức xúc và đăng tải status ấy… Tìm hết mọi nguyên nhân dẫn đến sự việc và giải quyết từ gốc của nguyên nhân.
Mạng ảo nhưng hậu quả thật
* Trường hợp này không ngoại lệ, đã từng có nhiều người bị đuổi học, mất việc chỉ vì mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Theo ông lý do vì sao?
- Là do một bộ phận dân mạng, trong đó có nhiều thành phần, từ học sinh sinh viên đến cả những người đi làm, đã trưởng thành… đã thể hiện bản thân một cách quá đà, thể hiện quá lố về bản thân. Họ chưa có những kỹ năng cần thiết để kiềm chế cảm xúc, chưa biết về nghệ thuật sử dụng mạng xã hội. Sử dụng mạng xã hội cần phải có nghệ thuật, đó xem như là kỹ năng để xây dựng được hình ảnh cá nhân ấn tượng.
* Vậy để sử dụng mạng xã hội thì cần những kỹ năng nào?
- Đừng nghĩ là mạng ảo thì muốn làm gì thì làm, muốn sử dụng sao cũng được. Nên nhớ mạng ảo nhưng hậu quả thật. Phải có những kỹ năng xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội để thể hiện hình ảnh bản thân ấn tượng, nổi bật đối với hàng triệu người trên mạng xã hội. Đó là lập tức loại bỏ những “điểm trừ” thường mắc phải như: Tham gia những hội hoặc nhóm có nội dung không lành mạnh. Đồng thời phát huy thêm những “điểm cộng”, đặc biệt là hình ảnh, thông tin về việc tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng.
Trường THPT Lê Lợi vừa đưa ra quyết định kỷ luật học sinh vì xúc phạm giáo viên trên Facebook
|
Đừng có cái gì cũng đăng, buồn vui khổ cực gì cũng đăng. Đừng để trang cá nhân ảm đạm bằng những trạng thái u sầu mà biết cách kiểm soát và quản lý cảm xúc chứ đừng quá vô tư thể hiện cảm xúc tiêu cực nhất thời. Ấn like có chọn lọc. Bình luận có duyên, có văn hóa. Đăng ảnh tạo được cảm xúc với người xem, chuyển tải những thông điệp hay trong cuộc sống. Không đánh dấu người khác vào những ứng dụng vô bổ…
|
Chia sẻ tin đồn chỉ khiến bẩn tay
* Ông chỉ ra nhiều nguyên tắc như thế, phải chăng là ông đã nhìn thấy trong thực tế, vẫn còn có những thành viên mắc những sai lầm khi tham gia mạng xã hội?
- Đúng. Rất là nhiều. Người thì “bơm” bản thân quá đà. Người thì hay văng tục một cách vô tư, rồi nói xấu bôi nhọ người khác, đăng tải những đoạn video, status đả kích, xúc phạm đối phương. Rồi có người vì bị đả kích đã trả đũa, tranh cãi và tạo ra những cuộc tranh cãi không có hồi kết trên mạng xã hội. Và cả thực trạng tung tin đồn nhảm nhí nhan nhản trên mạng… Tất cả những điều đó là không nên, là một dân mạng văn hóa thì không nên vướng vào những sai lầm đáng tiếc ấy, vì chỉ thể hiện một nền tảng văn hóa yếu kém của cá nhân…
* Ông vừa nhắc đến thực trạng tung tin đồn trên mạng, ông có thể hiến kế cách để thực trạng này không còn tồn tại?
- Tung tin đồn, bếu rếu, bôi nhọ… sẽ khiến người khác bị ảnh hưởng đến danh dự, khiến cuộc sống của họ điêu đứng. Tôi mong những ai đã từng hoặc đang có ý định tung tin đồn hãy dừng lại. Đây là hành vi vô văn hóa và vi phạm pháp luật.
Với dân mạng, hãy thay đổi thói quen “tin sái cổ” vào bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội. Hãy biết kiểm chứng thông tin. Hãy yêu thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) một cách có văn hóa. Nói không với những bài viết không đúng sự thật. Người ta tạo ra tin đồn, hành vi này làm bẩn tay. Nhưng chia sẻ tin đồn ấy, hưởng ứng tin đồn ấy cũng khiến bẩn tay không kém.
Nên xây dựng văn hóa xin lỗi trên mạng xã hội
* Lỡ một ai đó viết bài chỉ trích người khác và đăng lên mạng xã hội, sau đó họ cảm thấy sai lầm. Trong trường hợp này cần làm gì, thưa ông?
- Tự mỗi người nên xây dựng văn hóa xin lỗi trên mạng xã hội. Sai là phải sửa, phải viết bài đính chính và xin lỗi nạn nhân một cách chân thật và khách quan, để người khác thấu hiểu sự thật của sự việc không phải như từng nói.
* Còn những người bị người khác xúc phạm trên mạng xã hội, họ nên xử lý tình huống ấy như thế nào?
- Không nên vào bình luận hay viết bài đả kích trả thù mà hãy bình tĩnh. Nếu như câu chuyện không quá to tát, sự việc ấy không ảnh hưởng nhiều đến bản thân thì không nên đôi co, cãi lại, mà hãy im lặng. Nếu việc ảnh hưởng, gây xáo trộn cuộc sống, hãy liên hệ người (hoặc tài khoản) xúc phạm mình, yêu cầu gỡ bỏ và đính chính thông tin. Và trong trường hợp bản thân bị xúc phạm nặng nề, hãy nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.
* Có ý kiến bảo chính mạng xã hội là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau lòng, những tình cảnh dở khóc dở cười vì mất việc, đuổi học. Theo ông nhận định này có đúng?
- Mạng xã hội là công cụ để kết nối, giao tiếp… Mạng xã hội không hề có lỗi mà lỗi là do người sử dụng. Cái câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” luôn đúng. Và đối với mạng xã hội thì tôi khuyên cần “uốn lưỡi 70 lần trước khi viết gì, đăng gì”.
* Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Bình luận (0)