Tư duy lớn của một nhà cải cách

18/03/2018 08:11 GMT+7

Sáng 17.3, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người mà chúng tôi vẫn thân mật gọi là 'anh Sáu', đã trở về quê hương Củ Chi, sau chuyến đi đầu tiên - thoát ly theo Việt Minh - vừa đúng 70 năm trước.

* Người nhìn nhận rất rõ vai trò và tiềm năng của thanh niên
* Hai ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Từ khi còn lãnh đạo ở TP.HCM với các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch (UBKH), Phó chủ tịch thường trực (1979), rồi Chủ tịch UBND TP.HCM (1985); cho đến khi ra T.Ư (3.1989), ông đã có nhiều chuyến đi có ý nghĩa, giúp hình thành tư duy cải cách. Và, kết quả của nhiều chuyến đi nghiên cứu đó đã giúp hình thành nên các chính sách phát triển ở TP.HCM trong thập niên 1980, cũng như ở tầm quốc gia về sau.
Tháng giêng năm 1976, ông Phan Văn Khải được T.Ư điều trở lại Sài Gòn khi UBND Cách mạng vừa được thành lập, được cử giữ chức Phó chủ nhiệm UBKH cho ông Võ Văn Kiệt (Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKH). Cuối thập niên 1970, khi Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt xuống các cơ sở ủng hộ xé rào, người ông Kiệt luôn đưa đi cùng là ông Khải. Trong các cuộc làm việc này, sau khi lắng nghe các giám đốc nhà máy và ban ngành phát biểu, ông Kiệt thường yêu cầu ông Khải có ý kiến trước khi ông đưa ra kết luận.
Thủ tướng Phan Văn Khải ký Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, tổ chức ở Hà Nội (15 - 16.12.1998) Ảnh: TTXVN
Năm 1997, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngay sau khi nhận chức, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sánh với Thủ tướng Võ Văn Kiệt”. Ông Khải nói điều đó bằng sự khiêm tốn của mình nhưng đó cũng là một nhận xét chân thành. Từ Sài Gòn đến “Bách Thảo”, ông Phan Văn Khải luôn là một cộng sự tốt của ông Võ Văn Kiệt. Nếu như Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà chính trị tiên phong, có khả năng truyền cảm hứng phát triển, thì Thủ tướng Phan Văn Khải - một người được đào tạo chính quy - đã thể chế hóa các ý tưởng cải cách thành chính sách một cách tốt nhất.
Ở TP.HCM, ông Khải được ông Kiệt giao tổ chức thí điểm các chủ trương tháo gỡ để sản xuất bung ra, lưu thông phát triển, kinh tế đối ngoại hồi phục. Ông là người ký Quyết định 64/QĐ-UB năm 1980 về “Ba phần kế hoạch, bốn nguồn lực”. Ở thời điểm đó, những quyết định như thế đã giúp TP khôi phục, duy trì được sản xuất, sử dụng tối đa công suất thiết bị máy móc, giải quyết việc làm, thu ngân sách và tăng thu nhập cho công nhân và các đối tượng lao động khác.
Luật Doanh nghiệp 1999 là kết quả của một quá trình Đổi mới sâu rộng. Nhưng, nó mang không ít dấu ấn của ông, người đứng đầu Chính phủ. Đầu thập niên 1980, ông Phan Văn Khải đã sử dụng các thương nhân người Hoa và chủ trương mở đường cho tư nhân ở TP.HCM được làm các mặt hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thuật ngữ “kinh tế dân doanh” xuất hiện trong thời gian ông làm Phó thủ tướng rồi Thủ tướng, khi mà vai trò kinh tế tư nhân chưa được nói đến một cách mạnh mẽ như ngày nay. Ông Phan Văn Khải đã từng nhấn mạnh: “Một khi các sản phẩm chính vẫn nằm trong tay quốc doanh, một khi quốc doanh vẫn còn độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không thể có bình đẳng trong kinh doanh, không thể có kinh tế thị trường thực thụ”.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W.Bush trong chuyến thăm Mỹ 2005 Ảnh: Gia Toại
Thực tiễn TP.HCM giúp ông Khải rèn luyện bản lĩnh, hình thành tư duy nhưng các chuyến đi nghiên cứu các nước trong khu vực lại giúp ông có những hiểu biết quan trọng trước khi nhận thức về vai trò của kinh tế thị trường một cách có hệ thống. Hai chuyến đi quan trọng nhất là chuyến “Khảo sát kinh tế các nước ASEAN” năm 1988, khi ông còn là Chủ tịch UBND TP, và chuyến “Khảo sát kinh nghiệm phát triển 4 nước châu Á” năm 1990, khi ông là Chủ nhiệm UBKH Nhà nước, được giao đứng đầu nhóm soạn thảo một văn kiện quan trọng của Đại hội VII: “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000”. Tôi may mắn là thành viên giúp việc trong chuyến đi đầu tiên của ông ra “thế giới tư bản”.
Mục đích của chuyến đi đầu tiên này được đề nghị công khai là “thăm dò cơ hội đầu tư và thái độ của các nước ASEAN đối với chính sách đổi mới của VN”. Ở trong nước, đề nghị của ông chỉ được Bộ Chính trị đồng ý sau nhiều lần thảo luận. Ở bên ngoài, đoàn phải nhờ sự giúp đỡ của hai Việt kiều, ông Charles Đức và ông Võ Tá Hân. Ông Phan Văn Khải lúc đó là Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng xin visa với danh nghĩa Trưởng đoàn doanh nhân TP.
Trưa thứ sáu, ngày 30.9.1988, tại Tanglin Cub, một hội quán lâu đời của Singapore, ông Khải phát biểu một cách chân thành: “Chuyến đi của chúng tôi là nhằm tìm kiếm một cái nhìn bên trong những thành tựu của các quốc gia Đông Nam Á. Những điều đã tạo nên sự phát triển kỳ diệu và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội một cách thành công. Chúng tôi tin rằng những điều đó có thể trở thành bài học tốt cho VN”. Ông Phan Văn Khải, có thể nói là nhà lãnh đạo đầu tiên gửi thông điệp trực tiếp tới giới doanh nhân nước ngoài: “Cánh cửa giờ đây đã mở ra. Chúng tôi muốn làm ăn với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á”.
Không phải tự nhiên “anh Sáu” chọn vườn nhà Củ Chi làm nơi an nghỉ cuối cùng. Làm việc với anh hơn 40 năm nay, chúng tôi luôn thấy, ngay cả khi đã đứng đầu Chính phủ, “anh Sáu” vẫn luôn có thời gian cho gia đình, đặc biệt là cho người mẹ mà ông hết lòng yêu kính. Ông thường nói, “không thể nói yêu nước mà không yêu quê hương, bản quán; không thể nói thương dân mà không yêu thương chính những người thân của mình”.
Năm 1972, ông được đưa vào Nam trong một dự định của Đảng về việc thành lập “chính phủ ba thành phần”, ông kể, “Những đêm mắc võng giữa rừng Tây Ninh, nhìn cây, nhìn trăng nhớ da diết trăng nước Củ Chi, nhớ căn nhà thân thương ở Tân Thông Hội và nhớ má vô cùng”. Ngày 15.5.1975, lần đầu tiên quay trở lại Tân Thông Hội, ông kể, “Nhìn má ngồi bỏm bẻm nhai trầu, nước mắt tuôn chảy khi má nói câu đầu tiên với tôi “Thằng Hai về đó à”. Tôi ôm lấy má, nước mắt lưng tròng, bồi hồi chua xót nhìn gia cảnh nhà mình, gia cảnh của nhà nghèo. Sau bao nhiêu năm, con về, má phải đi mượn gạo, gà của hàng xóm để đón con và 5 anh em ở Ủy ban Thống nhất cùng đi...”. Từ đó, cho dù làm tới chức gì, dù đi đâu, cứ về tới TP.HCM là ông thường đi từ sân bay về Củ Chi thăm má.
Cho dù biết anh lâm trọng bệnh ngay những ngày đầu, chúng tôi vẫn lặng người đi, đau buồn báo cho nhau khi vào lúc 1 giờ sáng 17.3 nhận được tin anh mất. Cũng sáng sớm 17.3, anh đã thực hiện chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình, chuyến đi trở về nhà, sau những chuyến đi dài cống hiến cho đất nước.
Day dứt trước tệ quan liêu, tham nhũng
Ngày 16.6.2006, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 11, Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin từ nhiệm sớm 1 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, bên cạnh những thành tựu nổi bật, ông thẳng thắn nhìn nhận công tác điều hành Chính phủ cũng còn nhiều yếu kém. “Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế - xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn”, ông nói và cho rằng công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội. Đất nước không thiếu người tài, nhưng bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp, tuyển chọn, sử dụng người còn nhiều sai sót.
“Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ, nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi. Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe dọa tồn vong chế độ”, người đứng đầu Chính phủ lúc đó trăn trở và thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội.
Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới”.
Lê Hiệp
Người nhìn nhận rất rõ vai trò và tiềm năng của thanh niên
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm và nói chuyện với các cháu học sinh Trường dân tộc nội trú Bắc Kạn, ngày 16.1.1998 Ảnh: TTXVN
Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người nhìn nhận rất rõ về vai trò và tiềm năng của thanh niên; quan tâm đặc biệt đến việc phát huy thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hoạt động.
“Lúc bấy giờ, T.Ư Đoàn xây dựng được hệ thống các trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, các cung, nhà thiếu nhi trong cả nước cũng là nhờ sự quan tâm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, dù rất bận nhưng khi đương chức Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn luôn dành cơ chế mỗi năm một lần gặp gỡ, làm việc với T.Ư Đoàn. Trong các cuộc làm việc, ông đều lắng nghe rất đầy đủ, toàn diện về các mặt công tác Đoàn, thanh thiếu nhi và góp ý thẳng thắn. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ cho sự ra đời của Tháng thanh niên từ năm 2003, một phương thức hoạt động đã trở thành truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho tới hiện nay.
Ông cũng đặc biệt quan tâm gây dựng phát triển lực lượng doanh nghiệp trẻ VN. “Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó thường xuyên dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với anh em doanh nghiệp trẻ để vừa cổ vũ, động viên vừa lắng nghe những vướng mắc để từ đó tháo gỡ, tạo điều kiện để họ phát triển”, ông Quân nói và nhớ lại, thời điểm năm 2002 - 2003, T.Ư Đoàn tổ chức cuộc gặp mặt với đại diện doanh nghiệp trẻ trên cả nước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng mà sau đó hầu như các doanh nghiệp trẻ VN đều tổ chức học tập nội dung bài phát biểu này.
Ông Vũ Quang Vinh, nguyên Giám đốc Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN, chia sẻ khi làm Chủ tịch Hội đồng danh dự Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN, Thủ tướng Phan Văn Khải thường xuyên triệu tập Hội đồng điều hành họp và hỏi han rất cặn kẽ quỹ có bao nhiêu tiền, hoạt động như thế nào, có khó khăn gì để ông giúp... “Hầu hết các lễ trao giải thưởng 10 Gương mặt trẻ VN tiêu biểu thì ông đều trực tiếp chủ trì, ngồi lắng nghe từng gương mặt phát biểu ý kiến, sau đó dặn dò và luôn luôn mong muốn rằng những gương mặt này phải làm sao nhân rộng những hoạt động, những thành tích của mình, đến được với đông đảo các bạn trẻ khác, để cho phong trào phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Vinh nhớ lại.
Ông Vinh rưng rưng khóc khi nhớ lại những kỷ niệm với cố Thủ tướng: “Bất cứ hoạt động gì của quỹ đề nghị thì bác đều sẵn lòng giúp đỡ. Ví dụ, quỹ tổ chức đoàn đi thi đấu bóng đá giải U.14 Đông Nam Á, khi tôi trình bày là thiếu tiền thì bác lập tức cho ngay 100 triệu. Lúc đội bóng được giải 3 của Đông Nam Á, bác trực tiếp đến chúc mừng và tặng quà cho các cháu. Khi ấy, tôi là trưởng ban tổ chức giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng toàn quốc. Từ năm 1996 - 1997, hầu như năm nào bác cũng đến dự và ủng hộ cho các cháu. Bác còn chủ động hỏi han: nếu khó khăn gì, bác sẽ giúp. Lúc nào bác cũng ngồi đến tận cuối cùng để xuống trao giải cho các cháu. Bác cũng quan tâm đặc biệt đến các cháu ở những vùng xa xôi về Hà Nội thi đấu. Bác còn nhắc là phải lo lắng cho các cháu từ chỗ ăn, chỗ ở...”.
Lê Hiệp - Vũ Thơ
Hai ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Hôm qua 17.3, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN đã ra thông cáo đặc biệt.
Thông cáo nêu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đã từ trần hồi 1 giờ 30, ngày 17.3.2018, tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM.
“Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của VN và quốc tế.
Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang”, thông cáo viết.
Linh cữu nguyên Thủ tướng được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 20.3 đến hết ngày 21.3. Lễ truy điệu lúc 7 giờ 30 ngày 22.3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đài truyền hình VN và Đài tiếng nói VN tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và Lễ an táng tại TP.HCM và Hà Nội.
Trong hai ngày Quốc tang (ngày 20 - 21.3), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Danh sách Ban Lễ tang
1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban
2. Chủ tịch nước Trần Đại Quang
3. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
5. Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng
6. Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
7. Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính
8. Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai
9. Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng
10. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
11. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
12. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch
13. Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm
14. Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
15. Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Văn Nên
16. Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình
17. Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN, thượng tướng Lương Cường
18. Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn
19. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
20. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
21. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
22. Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hoàng Bình Quân
23. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
24. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
25. Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường
26. Chủ tịch Hội Nông dân VN Thào Xuân Sùng
27. Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà
28. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
29. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
30. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung
31. Tư lệnh Quân khu 7, trung tướng Võ Minh Lương
32. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN, thượng tướng Nguyễn Văn Được
33. Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong
Ban Tổ chức lễ tang gồm 18 người và đại diện gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng ban.
Tóm tắt tiểu sử
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25.12.1933, tại xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM; tham gia cách mạng năm 1947; được kết nạp Đảng ngày 15.7.1959;
Tháng 10.1954, tập kết ra Bắc;
Tháng 9.1960 - 6.1965, học Đại học Kinh tế quốc dân Moscow (Liên Xô);
Tháng 6.1965 - 1971, cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN);
1972 - 1975, cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam;
1976 - 1978, Phó chủ nhiệm UBKH TP.HCM;
1979 - 1980, Thành ủy viên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKH, Phó chủ tịch UBND TP.HCM;
1981 - 1984, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM;
Tháng 3.1982 được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư; 1984 vào Ủy viên chính thức BCH T.Ư;
1985 - 3.1989, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM;
Tháng 4.1989 - 6.1991 làm Chủ nhiệm UBKHNN;
Tháng 6.1991 được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị;
Tháng 7.1991, làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 9.1992 - 8.1997 làm Phó thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ;
Tháng 9.1997 - 7.2006 làm Thủ tướng Chính phủ;
Từ 1.1.2008 nghỉ hưu theo chế độ;
Ông là Ủy viên BCH T.Ư các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.