Sáng qua, bạn đọc cả nước được một phen mắc cười khi đọc bài “Bắt giam” hòn đá trên Thanh Niên.
Từ buồn cười, bạn đọc chuyển qua sửng sốt, ngạc nhiên và… ngán ngẩm cho việc làm của chính quyền H.Chư Sê (Gia Lai). Một cán bộ hưu trí ở Đà Nẵng ngửa mặt lên trời, than thở với người viết: “Dân Chư Sê còn khốn khổ bởi sống dưới chính quyền tư duy kiểu lồng sắt thế này!”.
Đây có lẽ là sự việc hy hữu của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, một sự kiện mà nhìn vào tấm hình trên báo người ta đã công nhận “đệ nhất lạ đời” rồi chứ không cần bàn cãi. Ai đời chính quyền lại cất công, tốn kinh phí để hàn cái lồng sắt khổng lồ chỉ để “giam” hòn đá trong khuôn viên UBND huyện khi chưa hề biết giá trị của nó đến đâu (và cho dù đến đâu thì cũng không nên vì nó vô cùng phản cảm).
Với tư duy kiểu này, biết đâu có ngày, họ sẽ làm một cái lồng sắt khổng lồ để nhốt ngôi nhà cao tầng nào đó chỉ vì ngôi nhà này được xây bằng vài viên đá mà họ cho là đá… lạ dưới móng nhà!
Tôi nói đá lạ là vì, trong thời gian qua, người ta thường ghép thêm từ “lạ” vào phía sau những điều chưa làm rõ. Có thể ví dụ điển hình như vụ bệnh lạ ở Quảng Ngãi; hàng loạt vụ cháy xe... lạ; vụ vết nứt lạ trên đập thủy điện Sông Tranh 2; vụ gỗ huê nghìn tỉ bán với giá lạ ở Quảng Bình; vụ kế hoạch lạ của Bộ GTVT trong xây trụ sở và đầu tư cho Vinalines; vụ xù nợ lạ của thương lái Trung Quốc mua cua... Và giờ là hòn đá lạ (nhốt trong lồng sắt lạ).
Theo tư duy chưa biết thì liệt vào “lạ” mà lạ thì khó kết luận, khó kết luận để người dân phải chờ, “chờ không biết đến bao giờ!”.
Vụ việc cưỡng chế 3 hòn đá khiến bàn dân thiên hạ xôn xao diễn ra từ ngày 2.4 tính đến hôm nay đã hơn 40 ngày, thời gian đó đủ để các cơ quan chức năng của tỉnh này giám định xem đó có phải là đá quý hay chỉ là… cục đá. Và ngay cả khi đó là đá quý thì cũng phải chỉ cho người dân thấy việc cưỡng chế là đúng luật chứ không phải chính quyền ưa thì làm. Tôi đồ rằng, đây là hành động kiểu “cố đấm ăn xôi”, cưỡng chế không đúng (hoặc chưa đúng quy trình) nhưng vì sĩ diện, sợ mất mặt với dân nên lần khân, không làm lại được. Nói như ông cán bộ hưu trí, người dân Chư Sê sẽ còn khổ bởi tư duy này của một số người có tiếng nói quyết định trong chính quyền.
Ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vẫn còn chờ báo cáo, và như thế vụ việc sẽ còn kéo dài; mọi người sẽ còn biết đến tỉnh Gia Lai nhờ cái lồng sắt phản cảm trong khuôn viên UBND H.Chư Sê.
Còn tôi, lại nghĩ đến một chi tiết nực cười khác, một ngày đẹp trời nào đó, có lệnh “phóng thích hòn đá”, lúc đó không biết cái lồng sắt dùng để nhốt gì?
Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)