Tư duy quân sự Lê Đức Thọ

10/10/2011 12:42 GMT+7

(TNO) 64 năm trước, mặc dù chiến thắng vang dội trong Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tiên đoán Thu - Đông năm 1948 quân viễn chinh Pháp sẽ ra sức thực hiện kế hoạch bình định nhằm triệt phá nguồn nhân lực, vật lực của ta ở vùng trung du Bắc Bộ và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, tạo điều kiện để tập trung quân lực tác chiến trên chiến trường chính - chiến trường Bắc Bộ. Chính vì vậy, Trung ương kêu gọi: “Nam Bộ hãy đánh mạnh hơn nữa để chia sẻ gánh nặng cho chiến trường Bắc Bộ”.

Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Đảng vụ kiêm Trưởng ban Dân vận Trung ương và Phái đoàn Chính phủ Trung ương đã lên đường vào Nam Bộ trong thời điểm lịch sử ấy.

Đảm nhận trọng trách đại diện Thường vụ Trung ương Đảng bên cạnh Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện đậm nét tư tưởng “Sửa đổi lề lối làm việc”của Bác Hồ: sinh hoạt giản dị, gần gũi quần chúng nhân dân, sâu sát đảng viên cán bộ, coi trọng việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức, kiên định với lập trường quan điểm, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ vững ý thức tổ chức kỹ luật… Cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ tại chiến trường khu Đồng Tháp Mười thể hiện nổi bật trong công tác tổ chức - cán bộ và trong lĩnh vực hoạt động quân sự.

Khi đồng chí Lê Đức Thọ và Phái đoàn Chính phủ đến chiến khu Đồng Tháp Mười, quân Pháp trên chiến trường Nam Bộ đang phải ra sức thực hiện kế hoạch bình định lấn chiếm mới nhằm thực hiện bốn mục tiêu: xây dựng một hệ thống tháp canh dày đặc mang tên tướng De la Tour trên các trục lộ giao thông, sử dụng lực lượng quân đội địa phương kết hợp với lính tháp canh tại chỗ thường xuyên càn quét nhằm khống chế quần chúng và đánh bật cán bộ đảng viên ra khỏi địa bàn; dùng xe lội nước kết hợp với thủy, lục, không quân tổ chức các cuộc hành quân càn quét lớn tấn công các cơ quan lãnh đạo đầu não kháng chiến; phá hoại kinh tế, ngăn chặn các đường giao thông tiếp tế lương thực, thực phẩm cho kháng chiến.

Trong bài chuyên luận về quân sự đăng trên báo Thống Nhất số 15 và 16 năm 1950, đồng chí Lê Đức Thọ đã phân tích thấu đáo những nhược điểm cơ bản trong hệ thống tháp canh của quân Pháp. Đồng chí Lê Đức Thọ viết: “Nhược điểm thứ nhất, là tinh thần quân đội của chúng bạc nhược và do lực lượng của chúng phân tán mỏng manh lại càng thêm bạc nhược hơn nữa. Nhược điểm thứ hai, lực lượng bị phân tán. Quân chúng trước đây tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn đến từng tổ 5, 6 tên để bảo vệ những nơi tạm chiến. Trong lúc đó chúng ta biết tập trung lực lượng trên chiến trường để đánh lực lượng địch phân tán. Hệ thống phòng ngự của địch sẽ bị bộ đội ta chặt ra từng khúc để bao vây, cô lập và tiêu diệt. Nhược điểm ba, vì phân tán lực lượng để chiếm đóng sâu vào nội địa ta, sự tiếp viện của địch gặp nhiều trở ngại về phương tiện chuyên trở và giao thông. Nhược điểm thứ tư, trong mấy năm chiến tranh, quân số của địch vừa chết vừa bị thương hàng vạn, số quân tham gia phản chiến tăng, lại gặp khó khăn về tài chính nên địch không thể bổ sung thêm quân số. Tuy quân số chính quy của ta ít hơn địch, nhưng chúng ta biết tập trung lực lượng của các thứ quân nên chiếm ưu thế trên chiến trường để tiêu diệt địch”.

Chiến thuật đặc công đánh tháp canh nổi tiếng cũng đã được ra đời trên cơ sở tư duy quân sự đó. Ngay trong chiến dịch Cầu Kè hơn 40 ngày trên địa bàn 3 huyện Cầu Kè, Tiểu Cần và Cầu Ngang (Vĩnh Long, Trà Vinh) từ ngày 7.12.1949 đến 16.1.1950 nhằm mục đích làm tan rã hệ thống đồn bót tháp canh, quân ta đã tiêu diệt 56 tháp canh của địch. Thực tiễn trên cho thấy, chẳng những trong hoạt động chính trị mà cả trên lĩnh vực quân sự, tư duy lý luận và công tác chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Lê Đức Thọ cũng rất sắc sảo, nhạy bén

Lê Vĩnh Tân
Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.