Theo đó, quy hoạch được hiểu là công tác bố trí, sắp xếp các yếu tố không gian khác nhau trên một mặt bằng và ở đó, sản phẩm quy hoạch là các bản vẽ vô hồn. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Đặng Hùng Võ thì tỏ ra kinh ngạc khi đến tận lúc này (dự luật đã trải qua nhiều kỳ tiếp thu, chỉnh lý và đang bước vào giai đoạn cuối cùng để thông qua), dự luật Quy hoạch đô thị vẫn hoàn toàn chưa làm rõ được mối quan hệ trong tam giác chính quyền đô thị - nhà tư vấn quy hoạch - người dân. Điều mà theo ông, tối quan trọng để một đạo luật (mang nặng yếu tố xã hội) như quy hoạch đô thị có thể khả thi là cần làm rõ vai trò của các chủ thể trong tam giác này.
Tư duy quy hoạch cũ đã khiến chúng ta có những đô thị mà ở đó người ta không giải thích được tình trạng dây điện lòng thòng khắp phố (quy hoạch hạ tầng kỹ thuật), các khu đô thị mới chưa mưa đã ngập (quy hoạch thoát nước), đường càng mở càng tắc (quy hoạch giao thông). Ông Liêm than thở, người ta ai cũng nói quy hoạch phải đi trước một bước nhưng "đi trước như thế nào thì không ai biết". Cho nên chúng ta vẫn làm quy hoạch theo kiểu cầm tay chỉ việc, các bản vẽ rất cụ thể nhưng lại thiếu nghiên cứu về hiện trạng và hạn chế về khả năng dự báo tương lai. Điều này sự thực là ông Liêm đã nói từ "gan ruột" mình (ông Liêm từng là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng). Có một thực tế rằng, tất cả các đồ án quy hoạch đô thị từ trước đến nay của chúng ta được lập là chỉ tính đến các khu mới được mở rộng ra bao nhiêu, bao nhiêu hecta đất sẽ được chuyển đổi thành đất đô thị… mà không hề có những khảo sát, tính toán và bày tỏ thái độ đối với các khu hiện có. Người dân hoàn toàn không thể biết, khu dân cư mình đang ở, nhà của mình sẽ như thế nào dưới bàn tay của các nhà quy hoạch.
Tại cuộc tọa đàm hôm qua, tất cả các đại biểu (là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh tế) đều thẳng thắn đòi hỏi, trước khi xây dựng Luật Quy hoạch đô thị phải thay đổi quan điểm về quy hoạch cái đã. "Trên thế giới, quy hoạch đô thị đã thoát xác khỏi khái niệm khô cứng về thiết kế kiến trúc, nó được tích hợp bởi nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội học, môi trường" - ông Đặng Hùng Võ nói. Nếu như vậy, chắc chắn người ta sẽ không "vẽ" quy hoạch một đô thị hiện đại với vài triệu dân ở phía bắc sông Hồng (Đông Anh, Hà Nội) với những tòa nhà chọc trời nhưng hoàn toàn không dự báo được ai sẽ sống và làm việc trong những tòa nhà ấy, tiền ở đâu ra để thực hiện bản vẽ ấy? Và kết quả là chỉ vài năm sau bản vẽ ấy đã bị xếp kho, hàng triệu m2 quy hoạch "treo" khi người ta chuyển hướng quy hoạch "Hà Nội phát triển về phía tây". Nhưng phía tây Hà Nội rồi sẽ ra sao khi bản thân các nhà quy hoạch cũng không biết một cách chính xác hạ tầng của khu vực ấy chịu đựng được đến đâu trước khi chồng lên đó cũng các công trình đồ sộ, các khu đô thị mới đang bê tông hóa rất nhanh những cánh đồng lúa?
Cuối cùng là vấn đề quản lý quy hoạch, ông Phạm Sỹ Liêm nói rằng, quy hoạch là một quá trình (không phải là một sản phẩm) nên sẽ rất nguy hiểm khi các nhà quản lý coi rằng hoàn thành một bản vẽ quy hoạch là hoàn thành trách nhiệm quy hoạch đô thị. Hậu quả của tư duy này chính là việc, hàng loạt công trình kiên cố mọc lên theo sau đường cao tốc vừa hoàn thành, là hàng trăm đồ án quy hoạch được duyệt một cách bừa bãi. "Ai quy hoạch các khách sạn ở dọc quốc lộ 5? Ai quy hoạch mười mấy cái sân golf ở một tỉnh? Ai duyệt hàng trăm đồ án quy hoạch đang phải rà soát tại Hà Nội? Những người vi phạm ấy bị xử lý thế nào. Chẳng ở đâu nói và dự luật quy hoạch đô thị thì lại càng không đề cập" - ông Liêm thẳng thắn.
An Nguyên
Bình luận (0)