Nếu gắn chủ ý khôi phục và thúc đẩy quan hệ giữa Israel và châu Phi với những sự kiện chính trị ngoại giao trước đó của Israel, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác với Nga và bình thường hóa trở lại quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ thấy mục tiêu mà ông Netanyahu đang hướng tới là cải thiện môi trường đối ngoại và an ninh cho Israel, tự giải thoát khỏi tình trạng bị cô lập ở khu vực và trên thế giới do bám giữ một cách ngoan cố vào chính sách chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine.
Trên lục địa châu Phi có 54 quốc gia. Ở đây có Tổ chức Liên minh châu Phi (AU). Trong Liên Hiệp Quốc cũng như AU lại có không ít nghị quyết hay tuyên bố mà Israel luôn chống đối. Ông Netanyahu muốn đưa Israel trở lại với châu Phi để tìm kiếm sự hậu thuẫn về chính trị của các nước châu Phi.
Quan hệ giữa Israel với Mỹ và EU càng trắc trở do Mỹ và EU không hài lòng với việc Israel trì hoãn tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine thì sự hậu thuẫn chính trị của các quốc gia châu Phi càng thêm quan trọng - giống như nước này càng có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga và càng cấp thiết phải bình thường hóa quan hệ với Thổ.
Đổi lại, Israel có thể mời chào công nghệ quốc phòng và an ninh, kỹ thuật quân sự và một chút viện trợ phát triển cũng như hợp tác trao đổi thông tin tình báo. Châu Phi có đối tác mới còn Israel có đồng minh chính trị mới. Thời thế khác buộc phải có cách hành xử khác chính là thế.
Bình luận (0)