Từ 'hot boy chả cá' đến 'hot girl cam'

04/12/2016 13:31 GMT+7

Không chỉ học và làm việc ở phố thị, những chàng trai, cô gái lớn lên từ các làng quê vẫn tranh thủ thời gian rỗi để mang đặc sản quê nhà đem bán lại ở đô thị phồn hoa.

Nếu không có cuộc gọi và giọng trầm buồn của mẹ lúc nửa đêm, thì Nguyễn Lâm, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, không bao giờ nghĩ có ngày mình đứng ở góc đường bán từng thùng trái bòn bon. Quê Lâm ở Tiên Phước (Quảng Nam), xứ bòn bon ngon nức tiếng. Nhưng năm nay, mới đầu mùa thu hoạch lại trúng mưa gió dầm dề, người dân không có phương tiện chở bòn bon đi xa mà tư thương đến tận vườn mua thì ép giá.
Mẹ Lâm buồn vì mùa bòn bon năm ngoái được giá, có khi lên đến 40.000 đồng/kg, năm nay giá chỉ còn chưa được một nửa. “Khuya mới nghe mẹ gọi nói bòn bon rớt giá. Sáng ra đã thấy mẹ gửi xe xuống cả thùng bòn bon, kêu con ráng bán để chi tiêu đến cuối tháng”, Lâm cười như mếu bên thùng bòn bon hơn 50 kg.
Chiều đó, sau giờ học, Lâm ra góc đường gần trường bán bòn bon với giá 30.000 đồng/kg. Lúc đầu hơi ngại ngùng, nhưng sau thấy mọi người ủng hộ dữ quá nên quen. Đến cuối ngày, Lâm ngồi đếm lại tiền, cầm trên tay 1,5 triệu đồng mà ứa nước mắt, thương mình một thì thương mẹ, thương người dân quê đến mười. Cứ thế mà qua mùa bòn bon, chàng sinh viên kiến trúc tiêu thụ được đến hàng tấn bòn bon giúp mẹ và bà con quê nhà.
Một cuộc gọi khác, cũng của mẹ từ Lệ Thủy (Quảng Bình) khi mùa mưa lũ đang đến, khiến Lê Thị Hương (26 tuổi), đang công tác tại một trường Anh ngữ ở Đà Nẵng, thấp thỏm không yên. Bầy gà vịt lên đến gần cả ngàn con đang có nguy cơ bị nhận chìm và mất sạch khi thủy điện xả lũ bất ngờ. Hương quyết định rao bán gà vịt quê trên chính Facebook của mình. Ban đầu là đồng nghiệp, rồi bạn bè mua ủng hộ, sau thấy thịt ngon, giá cả phải chăng nên khách điện thoại đặt hàng rất nhiều.
Tâm sự chuyện mua bán bất đắc dĩ, Lê Thị Hương hài hước cho biết, cô học hết cơm hết gạo của cha mẹ để làm giáo viên, vậy mà bây giờ lại “dính cứng” với cái tên Hương vịt. Từ câu chuyện bán gà vịt quê chạy lũ Quảng Bình vài tháng trước, giờ mỗi ngày Hương phải dành thêm thời gian, huy động cả người thân để giao gà vịt quanh Đà Nẵng.
Còn với Phụng, giảng viên luật Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, thì trường hợp của anh cũng “éo le” không kém, khi bị thầy cô, sinh viên trong trường “đóng đinh” với cái nick name “hot boy chả cá Lý Sơn”. Không những không ngại mà Phụng còn thừa thắng xông lên, mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh thành, vào tận TP.HCM.
Trong số những bạn trẻ tiêu thụ đặc sản quê nhà có Ngô Thị Hòa (26 tuổi, quê Nghệ An) khá thành công với công việc kinh doanh đặc sản quê nhà, đến nỗi cô quyết định bỏ luôn công việc kế toán với thu nhập ổn định nhiều năm qua. Cứ mùa nào thức nấy, Hòa giúp bố mẹ và người dân các huyện miền núi Nghệ An như: Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn... tiêu thụ đặc sản quê hương với tiêu chí an toàn, chất lượng và uy tín.
Từ bán lẻ cam nhà, Hòa chuyển sang kinh doanh sỉ hàng tấn cam mỗi ngày. Không chỉ giúp bà con ở quê tiêu thụ cam, “hot girl cam xứ Nghệ” còn giúp người mua phân biệt cam xứ Nghệ (trồng ở Quỳ Hợp, Yên Thành theo giống Xã Đoài lòng vàng) với cam Trung Quốc. Chính kiến thức về cam của “hot girl xứ Nghệ” khiến cam của cô luôn được tin dùng. Không chỉ vậy, những món quà quê khác của gia đình cô như măng khô, giò bê, bột nghệ cũng “thơm lây” và bán chạy có tiếng.
Tình yêu quê, am hiểu và tin tưởng những sản vật quê nhà khiến cho họ, những bạn trẻ năng động ấy kinh doanh thành công. Và sau lưng họ, không chỉ nông sản vườn nhà, mà của cả bà con trong vùng cũng dần được tiêu thụ ổn định, không bị ép giá, mất giá…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.