Khạp, lu được đậy nắp cẩn thận, trên nắp có cái gáo dừa gắn cán tre để múc nước uống. Khách bộ hành, người đi xe đạp, người đi xuồng chèo dưới trời nắng gió có thể dừng lại nghỉ dưới bóng cây, uống một gáo nước cho đã khát. Nước trong khạp sành bao giờ cũng lạnh, giúp tinh thần sảng khoái.
|
Bây giờ, người đi xe máy thường mang theo chai nước suối để uống hoặc nằm nghỉ ở quán cà phê võng. Vẫn “hương đồng gió nội” nhưng khó tìm lại được cảm giác xưa. Những khạp nước mưa đã hiếm dần, thay vào đó là bình nước lọc và cái gáo dừa cán tre cũng được thay bằng ca nhựa.
Ở vùng quê Cà Mau, có nhà khi mới đặt bình nước lọc, người qua lại rất đông nhưng ai cũng dửng dưng. Chủ nhà hơi buồn vì “ế khách” nên phải treo tấm bảng “nước uống từ thiện”. Từ đó về sau, anh chạy xe honda ôm, cô bác chèo xuồng dọc, người đi thu mua ve chai, phế liệu, người đẩy xe bán trái cây, rau quả; người bán vé số dạo… đã dừng chân uống nước. Chủ nhà để ý quan sát rồi có cảm giác vui vui với việc làm của mình.
|
Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ngày nay thường có các tổ phục vụ cơm, cháo, nước sôi từ thiện. Mấy dì, mấy cô và thanh niên vẫn luôn nhiệt tình với công việc. Lưng áo đẫm mồ hôi, đun nấu phục vụ bệnh nhân và người nuôi bệnh mỗi ngày. Nhiều cá nhân, tổ chức hội vẫn âm thầm ủng hộ tiền bạc để làm công tác từ thiện này mà không cần xưng danh hoặc kể về mình. Chính họ đã giúp cho bao người nghèo có thêm sức mạnh tinh thần, vật chất để vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Mai này cuộc sống hiện đại hơn, khá giả hơn, có thể nhiều người sẽ không cần tới những bữa ăn, ly nước từ thiện nữa. Song hình ảnh chiếc khạp da bò với cái gáo dừa; hình ảnh mấy cô, mấy dì thức khuya dậy sớm để có những dĩa cơm, tô cháo nóng cho bệnh nhân ở bệnh viện sẽ vẫn còn lưu giữ trong ký ức.
Bài, ảnh: Phạm Anh Hoan
Bình luận (0)