Từ kinh nghiệm quốc tế đến cơ chế thí điểm Blockchain tại Việt Nam

09/08/2022 17:00 GMT+7

Thông qua các nội dung chia sẻ từ các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách trong việc ban hành chính sách pháp lý và chuẩn hoá quy trình vận hành cho công nghệ này.

Ngày 05.08, Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam” tại Tòa nhà Quốc hội, Hà Nội. Tham dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán đến từ Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Singapore, Cambodia cùng đại diện các bộ ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công nghệ blockchain trong và ngoài nước.

Kinh nghiệm từ các quốc gia

Tại Hội thảo, bà Nicole Wyrsch - Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Thụy Sĩ cho biết, Thụy Sĩ tuy rất cởi mở về blockchain nhưng vẫn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến tiền mã hóa. Các nhà chức trách cố gắng giảm thiểu rủi ro bằng cách điều chỉnh, sửa đổi luật quốc gia khi cần thiết và tích cực tham gia vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, Thụy Sĩ đã có đạo luật liên bang về DLT (công nghệ sổ cái phân tán), tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) và đưa ra trách nhiệm cho các bên liên quan trong việc chống rửa tiền và khủng bố.

Thụy Sĩ có các đơn vị như Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA), Ban ổn định tài chính (FSB) để giám sát thị trường tiền mã hóa. FINMA chịu trách nhiệm cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính liên quan đến blockchain. Năm 2021, FINMA phê duyệt quỹ tiền mã hóa đầu tiên ở Thụy Sĩ. Ngoài ra, hai cơ quan này cũng thường xuyên tổ chức nhiều diễn đàn phổ cập thông tin, xuất bản các hướng dẫn, tài liệu giúp cá nhân và các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường nắm được những thông tin cơ bản.

Ông Michael Digregorio - Đại diện thường trú Quỹ châu Á tại Việt Nam

Tầm quan trọng của cơ chế thí điểm

Trong phiên thảo luận các vấn đề chính sách, cơ chế, ông Michael Digregorio - Đại diện thường trú Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết Quỹ châu Á đang thí điểm sử dụng blockchain để cập nhật thông tin giữa người giúp việc và khách hàng trên app jupviec.vn. Hệ thống không chỉ giúp người lao động tự chủ khi tìm việc mà còn giúp khách hàng nắm được thông tin cá nhân, chứng chỉ chuyên môn của người lao động.

Nhưng trong thực tế, tính pháp lý của blockchain chưa được đảm bảo nên các công ty tham gia vào dự án sẽ chịu nhiều rủi ro. Vì thế ông Michael Digregorio mong Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thực hiện thí điểm trong những lĩnh vực chưa có khung pháp lý rõ ràng như blockchain.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về quy định pháp lý đối với tài sản ảo ở Việt Nam

Cũng trong phiên thảo luận, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong muốn phổ cập kiến thức về blockchain hiệu quả hơn để mọi người đều có thể phân biệt giữa tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo và CBDC.

Mặt khác, các quy định chống rửa tiền cũng là vấn đề mà ông quan tâm. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Muốn phòng chống rửa tiền, ta cần có bộ luật nguồn để đăng ký và quản lý các tài sản ảo”. Theo ông, muốn kiểm soát tài sản ảo một cách hiệu quả, Việt Nam nên tuân thủ các khuyến nghị của FATF, bên cạnh việc giao cho Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thiết lập quy định đăng ký và quản lý giao dịch tài sản ảo.

Thị trường blockchain là “sân chơi lớn” và Việt Nam rất cần có sự định hướng, dẫn dắt kịp thời để không bị bỏ lại phía sau và chậm nhịp so với sự phát triển công nghệ của nhiều nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.