Từ Lạc vương đến Hùng vương: Tâm thức dân tộc trong thời kỳ Bắc thuộc

10/04/2022 07:30 GMT+7

“Ngày nay, chúng ta biết không có nền văn hóa “tĩnh”, và ngược lại, tất cả các nền văn hóa đều là “truyền thống” nếu nó có ý thức giữ gìn, bảo lưu và lặp lại chính nó”.

Vargyas Gábor đã phát biểu như vậy trong tập sách về văn hóa của người Bru - Vân Kiều. Thực vậy, cái gọi là truyền thống lâu đời rốt cục lại vẫn phải có khởi nguồn. Vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, “giá trị truyền thống” đã được sáng tạo ra. Đó có thể là hôm qua, là năm ngoái, hoặc là thế kỷ trước. Thời điểm khai sinh ấy thường bị bỏ qua và thay bằng một cảm giác xa xôi mờ mịt nào đó. Chúng ta thường quên rằng thời điểm xuất hiện của một “giá trị truyền thống” thường chịu sự chi phối của những bối cảnh lịch sử cụ thể, đồng thời tác động ngược lại vào lịch sử ở một mức độ nào đó. Câu chuyện truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sự ra đời, củng cố và phát triển của truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc ta là một cuộc đấu tranh lâu dài nhằm khẳng định sự tồn tại của chính mình.

Cây đa thiêng ở Cổ Loa năm 1924

TL

Lạc vương, Lạc hầu ở Giao Châu vào thế kỷ 6

Huyện Bình Đạo của Giao Châu dưới thời Bắc thuộc hiện diện một di tích thành lớn với ba vòng. Tòa thành này được giới sử học hiện đại gọi bằng cái tên quen thuộc - thành Cổ Loa. Ba vòng thành được gọi là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Những nghiên cứu khảo cổ hiện đại chỉ ra rằng các lớp thành này đã được đắp và tu bổ qua nhiều giai đoạn khác nhau, chí ít là 3 - 4 giai đoạn. Xác định niên đại các mẫu than lẫn với gốm và ngói ở thành Trung cho thấy lần đắp thành thứ nhất rơi vào khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên, các lần đắp thứ hai đến thứ tư rơi vào khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên. Sự hiện diện của tòa thành này là bằng chứng cho một cơ cấu nhà nước đã từng tồn tại ở Giao Châu “trước khi có quận huyện” - như cách các sử gia Trung Quốc đã gọi tên thời kỳ ấy.

Thành Cổ Loa ở huyện Bình Đạo là chứng tích rõ ràng nhất của một nhà nước độc lập trước Bắc thuộc. Đó cũng là nơi nương trú của tâm thức dân tộc về lịch sử khởi nguồn của mình. Câu chuyện lịch sử khởi nguồn đó cuối cùng được ghi lại trong Giao Châu ngoại vực ký. Vào khoảng thế kỷ 5 - 6, Lịch Đạo Nguyên đã dẫn lại câu chuyện này trong Thủy kinh chú:

“Đất Giao Chỉ ngày xưa, lúc chưa có quận huyện, ruộng đất có ruộng lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống, dân trồng trọt ở các đám ruộng ấy để hưởng hoa lợi, vì vậy dân ấy có tên là Lạc dân, đặt ra Lạc vương, Lạc hầu để trông coi các quận huyện. Ở huyện phần nhiều là chức Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng thao xanh. Sau con vua Thục đem ba vạn quân đến đánh các Lạc vương và Lạc hầu, chinh phục được các Lạc tướng. Con vua Thục vì vậy xưng là An Dương Vương. Sau Nam Việt Vương là úy Đà đem quân đánh An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân tên là Cao Thông xuống giúp, làm cho An Dương Vương một chiếc nỏ thần, bắn một phát giết chết 300 người. Nam Việt Vương biết không thể đánh được, lùi quân về đóng ở huyện Vũ Ninh (Xét: “Tấn Thái Khang ký”, huyện này thuộc quận Giao Chỉ). Nam Việt Vương sai Thái tử tên Thủy sang xin hàng phục An Dương Vương, xưng thần thờ vua. An Dương Vương không biết Cao Thông là thần nhân, đãi ngộ không phải đạo, Thông bèn bỏ đi, nói với vua rằng: “Giữ được nỏ này thì làm vua thiên hạ, không giữ được nỏ này thì làm mất thiên hạ”. Sau khi Thông đi rồi, An Dương Vương có người con gái tên là Mị Châu. Châu thấy Thủy đoan chính, Châu cùng Thủy qua lại với nhau. Thủy hỏi Châu, bảo Châu lấy nỏ của bố cho xem. Thủy thấy nỏ, bèn lấy trộm, đem cưa đứt nỏ, rồi trốn về báo với Nam Việt Vương. Khi Nam Việt Vương đem quân đánh, An Dương Vương bắn nỏ, nỏ gẫy, nên thua. An Dương Vương xuống thuyền chạy ra biển. Nay ở sau huyện Bình Đạo, thấy còn có dấu cũ của thành cung của vua (Theo “Tấn Thái Khang địa chí”, huyện thuộc quận Giao Chỉ). Nam Việt bèn chinh phục các Lạc tướng”.

Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng chữ Lạc chính là ký âm của nác, tước nước. Ruộng Lạc thực chất là ruộng nước. Nhưng lời ghi chép của Giao Châu ngoại vực ký còn hàm ý một tình trạng phân quyền khi chính quyền trung ương là “các” Lạc vương, Lạc hầu, còn chính quyền địa phương là các Lạc tướng. Một tình trạng phân chia như vậy còn được ghi nhận trong các câu chuyện về sau. Khoảng cuối thế kỷ 14, Việt sử lược nói rằng đất nước chia thành 15 bộ. Qua tài liệu khảo cổ, Trịnh Sinh xác định được 11 trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Lam (gọi một cách bóng bẩy là các “tộc”). Đó là các “tộc” Làng Cả (1), Lào Cai (2), Mê Linh (3), Châu Can (4), Việt Khê (5), Lãng Ngâm (6), Cổ Loa (7), Đông Sơn (8), Núi Nưa (9), Làng Vạc (10), Đồng Mỏm (11). (n tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.