(Tin Nóng) Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đánh giá cao mối quan hệ và nỗ lực xây dựng năng lực với các đối tác như Việt Nam cùng các nước ASEAN, và nói hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến các nước chọn Mỹ làm đối tác an ninh.
|
Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal ngày 18.12 tại Singapore sau khi có chuyến thăm Việt Nam 2 ngày trước, đô đốc Harry B. Harris, một người Mỹ gốc Nhật, cho biết ông sẽ không đi chệch chiến lược của người tiền nhiệm là đô đốc Samuel Locklear trong việc tìm kiếm các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, mặc dù có các căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo ông Harris, Trung Quốc đã và đang gia tăng gây căng thẳng ở Biển Đông những năm gần đây, đẩy một số nước trong khu vực xem Mỹ là đồng minh an ninh của họ.
"Tôi nghĩ rằng các hành động của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực xem Mỹ chứ không phải Trung Quốc là đối tác an ninh phải chọn", Đô đốc Harris nói với Wall Street Journal. Ông cho biết thêm chiến thuật của ông "sẽ không khác biệt với người tiền nhiệm là đô đốc Samuel Locklear.
Đô đốc Harris, người Mỹ gốc Á đầu tiên lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng tính ổn định và khả năng dự báo trong khu vực tranh chấp này, vốn đã thiếu vắng mấy năm nay, là những ưu tiên cho Mỹ, và Mỹ đang tìm kiếm việc thiết lập các mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong khu vực muốn độc lập với Trung Quốc.
Mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Á, theo ông Harris, chính là Bắc Triều Tiên. Theo ông, việc Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa khiến “mọi người phải tỉnh táo vào ban đêm, và khiến tôi cũng phải tỉnh táo vào ban đêm".
Trong năm 2014 này, ông Harris cho biết đã đi thăm 19 lần đến các nước ở Thái Bình Dương. "Tôi không thể không đề cao giá trị của các mối quan hệ sâu sắc và những nỗ lực xây dựng năng lực của chúng tôi với các đối tác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam", Đô đốc Harris nói.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị phá vỡ hồi tháng 5.2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam. Hành động này của Bắc Kinh đã bị Washington chỉ trích mạnh mẽ.
|
Trước đó, cuối năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, mới đây là đẩy mạnh việc cải tạo đất và công trình xây dựng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, nơi nhiều nước như Việt Nam, Philippines tuyên bố chủ quyền.
Theo ông Harris, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ "không phải là hành động của một nước lớn", và ông hoan nghênh việc Philippines kiện Trung Quốc ra toà trọng tài của Liên Hiệp Quốc về yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông.
Vị tân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh rằng Mỹ muốn có mối quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc, và giải thích rằng "Đó không phải là đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, mà đó là về việc Mỹ, Trung Quốc và các nước khác cùng làm việc để cải thiện sự ổn định và thịnh vượng của khu vực".
Đô đốc Harry B. Harris, sinh năm 1956 tại Nhật Bản, có vợ Nhật. Ông từng là tuỳ viên quân sự của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tư lệnh các hoạt động của hải quân Mỹ trong chiến dịch ở Libya vào năm 2011. Trong 2 ngày 16 -17.12.2014, ông Harris đã đến thăm Việt Nam, và đến Đà Nẵng ngày 17.12 để thảo luận với đơn vị hải quân đóng trên địa bàn về chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2015 và các sự kiện tăng cường hợp tác hải quân hai nước. |
Anh Sơn
>> Hãng tin Bloomberg: Biển Đông là điểm nóng thế giới năm 2015
>> Vụ kiện trọng tài Biển Đông: Yêu cầu tòa quan tâm quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam
>> Trung Quốc tuyên bố bác phiên toà xử tranh chấp Biển Đông với Philippines
>> Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo bác đường 9 đoạn của Trung Quốc
>> Đến năm 2020, Hải quân Mỹ bị Trung Quốc qua mặt về số lượng
>> Cách thức Trung Quốc đánh cắp Biển Đông làm của riêng
>> Trung Quốc xây dựng công trình ở Trường Sa để thu thập tin tình báo
Bình luận (0)