Tư lệnh Malaysia chỉ trích Trung Quốc ngay tại Trung Quốc

19/10/2015 08:04 GMT+7

Trái với dự đoán trước đó, nhiều bên tham dự Diễn đàn Hương Sơn ở Trung Quốc đã phát biểu thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, thậm chí lên án nước chủ nhà.

Trái với dự đoán trước đó, nhiều bên tham dự Diễn đàn Hương Sơn ở Trung Quốc đã phát biểu thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, thậm chí lên án nước chủ nhà.

Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin chỉ trích mạnh mẽ những gì Trung Quốc làm trên Biển Đông - Ảnh: The Malaysian InsiderTư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin chỉ trích mạnh mẽ những gì Trung Quốc làm trên Biển Đông - Ảnh: The Malaysian Insider
Phát biểu trong ngày cuối cùng (18.10) của Diễn đàn an ninh - quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin bất ngờ lên án hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông là “sự khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận”.
Đây là sự chỉ trích công khai hiếm thấy của Malaysia đối với Trung Quốc về Biển Đông. Reuters dẫn lời ông Zulkefli nhấn mạnh: “Thời gian sẽ trả lời ý định của Trung Quốc là gì. Trong thời gian này, chúng tôi đành chấp nhận những lý do chính phủ CHND Trung Hoa đưa ra cho mục đích phát triển những đảo này... Tôi hy vọng đó là những mục đích tốt, phục vụ cho nhân loại”.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngụy biện tại Diễn đàn Hương Sơn rằng 2 ngọn hải đăng nước này xây phi pháp trên đá Châu Viên và Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam “sẽ hỗ trợ đáng kể sự an toàn đi lại” ở Biển Đông. Ông Lưu còn ngang nhiên tuyên bố sẽ xây thêm nhiều cơ sở tương tự, nhưng không cung cấp chi tiết, theo Reuters.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao và sĩ quan nước ngoài nhận định việc xây dựng 2 ngọn hải đăng là “động thái xảo quyệt” nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Reuters, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) Ian Storey cảnh báo: “Nếu tàu hải quân và tàu dân sự từ những quốc gia khác, trong đó có Mỹ, phải sử dụng sự điều hướng từ 2 ngọn hải đăng này thì sẽ bị coi là công nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc”. Chuyên gia này còn cho rằng 2 ngọn hải đăng phi pháp sẽ củng cố chiến lược lâu nay của Trung Quốc là dần dần “thay đổi hiện trạng ở vùng biển khu vực”.
Trong khi đó, cũng tại Diễn đàn Hương Sơn, cựu Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ Gary Roughead nhận định tình trạng Trung Quốc mở rộng các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và không có lời giải thích rõ ràng “làm gia tăng sự nghi ngờ và nguy cơ tính toán sai lầm”.
Cũng trong ngày 18.10, Kyodo News dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho hay Mỹ đã thông báo với đại diện ngoại giao các nước Đông Nam Á về kế hoạch sẽ sớm triển khai tàu hải quân vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Theo các chuyên gia, việc thông báo kế hoạch này cho các nước liên quan thông qua các kênh ngoại giao chứng tỏ sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Barack Obama đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua các đảo nhân tạo phi pháp.
VN quan ngại về những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Trong cuộc thảo luận của Ủy ban Pháp lý thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 70 cuối tuần qua, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia thành viên và các đối tác trong cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo và thúc đẩy việc thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở cấp độ quốc tế và khu vực, Việt Nam tích cực cùng ASEAN xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hợp nhất về kinh tế và trách nhiệm về xã hội, cùng hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng phải thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong quá trình thảo luận, đại diện Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Theo TTXVN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.