Từ Miura nhớ Calisto và cần một giám đốc kỹ thuật

19/01/2016 13:23 GMT+7

Đội bóng của Toshiya Miura chỉ có thể tự trách bản thân, sau khi chuốc lấy thất bại 0-2 trước U.23 Úc, trận thua thứ 2 liên tiếp tại vòng chung kết U.23 châu Á và sớm nói lời tạm biệt với giải đấu.

Đội bóng của Toshiya Miura chỉ có thể tự trách bản thân, sau khi chuốc lấy thất bại 0-2 trước U.23 Úc, trận thua thứ 2 liên tiếp tại vòng chung kết U.23 châu Á và sớm nói lời tạm biệt với giải đấu. 

U.23 Việt Nam (áo đỏ) bị thủng lưới sớm trong trận đấu với U.23 Úc - Ảnh: Mai Nhung
Đây là nỗ lực cuối cùng và cũng là cơ hội duy nhất còn lại - Miura hẳn biết rõ điều đó, khi hợp đồng giữa ông và VFF chỉ còn 3 tháng nữa là đáo hạn. Nhưng, tuyển U.23 Việt Nam dù chơi có nét hơn so với trận đầu ra quân, nhưng chỉ giành được kết quả còn tệ hơn trước. 

Pha dứt điểm thành bàn của Donachie ngay ở phút thứ 2 không chỉ cho thấy đội bóng của Miura, điểm yếu cố hữu của các đội tuyển Việt Nam trước đây, luôn thiếu khả năng chống không chiến, mà còn thể hiện khả năng bắt nhịp trận đấu chậm. 

Và nếu Miura cho rằng đội bóng của mình "thiếu may mắn" vì trọng tài người Iraq không thổi penalty cho U.23 Việt Nam ở tình huống Thanh Bình sút bóng trúng tay hậu vệ đối phương trong vòng cấm, vậy ông và các cộng sự giải thích thế nào về pha phạm lỗi của thủ môn Minh Long với đối phương ít phút sau đó? 

Lần đầu tiên, một đội tuyển cấp quốc gia của bóng đá Việt Nam giành vé chính thức dự vòng chung kết một giải đấu cấp châu lục - đó là chiến tích của Miura, không thể phủ nhận. Nhưng, trong khi người hâm mộ còn chưa thực sự cảm nhận rõ nét thành công này có ý nghĩa nhường nào đối với sự phát triển của bóng đá Việt - thử hình dung, như thìa gia vị nêm nếm vừa đủ vào bát súp - họ chỉ còn cảm nhận vị chua chát, sau 2 thất bại không thể bào chữa. 

Sự thật luôn tàn nhẫn. U.23 Việt Nam có đáng thất bại, sau khi đã chơi tốt hơn so với trận đấu trước? Có. Bởi họ chỉ có thể tự trách bản thân vì sự thiếu tập trung. Ở trận đấu với U.23 Jordan là lỗi đứng sai vị trí của Tấn Tài, dẫn tới tiền đạo đối phương phá bẫy việt vị thoát xuống ghi bàn, tạo điều kiện thoải mái tâm lý cho đội bóng vốn đã mạnh hơn. Còn lần này là lỗi phòng ngự bóng tĩnh, chống không chiến. 
HLV Miura chưa tạo ra được dấu ấn riêng cho các đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Mai Nhung
Thực tế hiển nhiên là với một chiến dịch được chuẩn bị bởi hàng loạt những trận đấu quốc tế theo kế hoạch bị hủy bỏ (bất kể lý do!), chỉ có thể tập chay và đấu giao hữu với CLB, với hàng loạt cầu thủ quấn băng trắng xóa đầu gối, với nỗi lo lắng tương lai vì hợp đồng còn để ngỏ (và không khó để dự đoán rằng 'ông chủ' sẽ không ký tiếp!)..., tuyển U.23 Việt Nam cầm chắc thất bại, ngay từ trước khi lên đường sang Qatar. 

Có bao nhiêu người tin vào lời hứa hẹn của ông Miura, rằng "sẽ đưa U.23 Việt Nam vào tới tứ kết"? Ai đó có thể nói, Miura từng thành công tại ASIAD 2014. Xin thưa rằng, bóng đá nam tại ASIAD 2014 chỉ là 1/36 nội dung thi đấu, với 12 bảng đấu, với 3 cầu thủ trên tuổi U.23 được bổ sung. Với U.23 Asian Championship, đó là ngày hội đỉnh cao của bóng đá U.23 châu lục, chỉ có 4 bảng đấu, với sự góp mặt của những đại diện ưu tú nhất cho các nền bóng đá Đông Á, Tây Á - bóng đá Đông Nam Á, vốn vẫn bị coi là vùng trũng của châu lục, chỉ có 2 đại diện là U.23 Thái Lan và Việt Nam... 

Sự thật là U.23 Việt Nam không chỉ gặp rắc rối ở khâu phòng ngự, mà cả tấn công. Những quân bài tấn công mà HLV người Nhật Bản sử dụng ở giải đấu này chỉ cho thấy sự thua sút toàn diện, về kỹ thuật, sức mạnh, tư duy chơi bóng, thể hình, so với đối thủ. 

Có lẽ tới lúc này, người hâm mộ mới chợt nhận ra: "Mình đã bị thổi... lỗ tai!". 

Một câu chuyện mang tính thời sự vừa được nhắc đến trong các cuộc họp của VFF gần đây: Đi tìm một giám đốc kỹ thuật. 

Trước 2004, bóng đá Việt Nam đã có cơ hội để tiếp cận gần hơn với mô hình quản lý bóng đá hiện đại, phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn hơn khi có chuyên gia bóng đá người Đức, Rainer Willfeld, giữ vị trí giám đốc kỹ thuật.
Với vốn kiến thức và lý luận sâu sắc về xây dựng hệ thống, quản lý và điều hành các đội bóng từ tuyến trẻ lên cấp đội tuyển, ông Willfeld lẽ ra đã có thể giúp các nhà lãnh đạo VFF hiểu rõ ràng, có cơ sở lý luận vững chắc hơn về xu hướng bóng đá hiện đại, mô hình phát triển, lý thuyết và thực tiễn giáo án huấn luyện, định hình lối chơi cho các cấp đội tuyển… 
Tuy nhiên, như chính ông Willfeld thừa nhận trước ngày lên đường về nước, rằng “tôi có cảm tưởng rằng hình như mình đã đến Việt Nam quá sớm, nên những điều tôi mang đến lúc đó, các quan chức VFF chưa sẵn sàng đón nhận”. 
HLV Henrique Calisto từng làm rất tốt việc xây dựng một lối chơi đồng nhất cho các cấp đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Khả Hòa
Ở thời điểm đó, vị giám đốc kỹ thuật của VFF chỉ có nhiệm vụ thực tế là “xem giò, xem cẳng” các đối thủ của đội tuyển Việt Nam. Và sau khi ông về nước, vị trí giám đốc kỹ thuật từ đó đã bị để ngỏ, hay chính xác hơn là phó mặc cho các HLV, nước ngoài hay trong nước. Để tới bây giờ, khi vấn đề này trở nên cấp thiết bởi sự hỗn loạn về lối chơi và mờ nhạt về bản sắc, phong cách thi đấu của các đội từ trẻ tới tuyển quốc gia, vấn đề này mới lại được đặt lên bàn nghị sự của các nhà quản lý bóng đá Việt.

Sau Wilfeld, Henrique Calisto từng làm rất tốt việc xây dựng một lối chơi đồng nhất cho các cấp đội tuyển Việt Nam, tạo ảnh hưởng nhất định tới những người kế nhiệm sau này trong việc xây dựng lối chơi thống nhất, phù hợp với đặc điểm thể chất người Việt. 

Tuy nhiên, Calisto đã ra đi. Và chính việc thiếu vắng một giám đốc kỹ thuật, sự tồn tại nhưng không hiệu quả của một Hội đồng HLV quốc gia, năng lực hỗ trợ hạn chế của các trợ lý cho Miura và đỉnh cao là những bất ổn nội bộ ở cấp cao VFF như tiết lộ mới đây... khiến đội tuyển cho tới U.23 Việt Nam loạn bản sắc. 

Miura hầu như ra đi. Nhưng ai tới thay HLV người Nhật Bản sẽ là một dấu hỏi lớn. 

Không có gì để trách Miura, vẫn bởi câu nói "không bột sao gột nên hồ". 

Không có gì để phàn nàn về tinh thần chiến đấu của các cầu thủ - nhưng khi không có bản sắc, tất cả chỉ còn là những đường nét nhờ nhờ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.