Nỗi lo nhân viên tự sát lại ám ảnh France Télécom (FT) với cái chết kinh hoàng của ông Rémy L. vào hôm 26.4. Nhân viên 57 tuổi này tự thiêu ngay tại bãi xe công ty ở thành phố Mérignac, tây nam nước Pháp. Tờ Le Monde dẫn lời François Deschamps, đại diện Nghiệp đoàn CFE-CGC/Unsa, cho biết ông L. làm việc cho FT đã 30 năm, là một nhân viên thạo nghề và rất đáng tin cậy. Từ năm 2007, ông liên tục bị chuyển công tác khiến cuộc sống riêng bị xáo trộn nghiêm trọng. Trong lá thư 6 trang gửi Giám đốc nhân sự Brigitte Dumont vừa được trang tin Médiapart công bố, Rémy L. tố cáo "cách quản lý khủng bố" của Ban giám đốc FT khi bắt các nhân viên trên 50 tuổi phải đổi vị trí. Đa số phải chấp nhận làm ở những vị trí không phù hợp với chuyên môn.
Năm 2008 và 2009, có 35 nhân viên FT tự kết liễu đời mình. Năm 2010, có thêm 23 trường hợp, chưa kể 16 người được cứu sống. Chỉ riêng giai đoạn đầu tháng 9.2010, trong vòng chưa tới 15 ngày đã có 5 nhân viên FT tự sát. Nhiều nguyên do đã được đưa ra để lý giải hiện tượng này. Hầu hết đều cho rằng áp lực công việc và mục tiêu cắt giảm nhân viên của FT đã tạo nên "làn sóng" tự sát ở tập đoàn. Giữa những lời kể của nhân chứng và lời biện bạch từ "đại gia" ngành viễn thông Pháp vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi.
Chối bỏ trách nhiệm
Sau 5 vụ tự sát xảy ra trong thời gian ngắn kỷ lục, phát ngôn viên Ban giám đốc của FT hồi tháng 9.2010 tuyên bố với báo chí: "Hiện không thể xác lập bất cứ sự liên hệ nào giữa những trường hợp tự tử. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tình trạng công việc của những nhân viên xấu số này".
Thường trả lời "không có sự liên hệ" giữa động cơ tự sát với môi trường làm việc, đến nay FT hầu như không có động thái tích cực nào đối với gia đình người đã khuất. Cụ thể là trường hợp tự sát hồi đầu tháng 12.2010 của nhân viên Christian Bienfait. Vợ ông kể lại trên tờ Midi Libre: "Không có một bức thư, một lời chia buồn hay động viên nào từ FT. Tôi chỉ nhận được phiếu lương của anh ấy vào tháng 1.2011. Đại diện FT gọi cho tôi một lần duy nhất, một ngày sau khi chồng tôi tự vẫn để hỏi anh ấy có trục trặc gì trong tình cảm vợ chồng hay trong chuyện tiền bạc hay không". Bà cũng tỏ ra rất bất bình về việc FT cho rằng chồng bà đã thất bại trong một dự án cá nhân: "Không chính xác. Đó chỉ là cách bôi nhọ và làm mất uy tín anh ấy. Chồng tôi là một người làm việc chăm chỉ trong khi FT tìm cách gán cho anh hình ảnh một kẻ thất bại".
Chỉ có một lần vào tháng 7.2010, FT chịu công nhận một vụ tự sát là "tai nạn lao động" và chấp nhận chu cấp cho gia đình người xấu số. Đó là trường hợp của một viên chức tại Marseille tự kết liễu đời mình vào ngày 14.7.2009, sau khi để lại bức thư tuyệt mệnh tố cáo môi trường làm việc tại "đại gia" viễn thông của Pháp.
Sau nhiều trường hợp tự tử xảy ra trong 2 năm 2008 và 2009, Tổng giám đốc FT là Didier Lombard đã phải nhường lại vị trí cho ông Stéphane Richard từ 1.3.2010. Sau khi nhậm chức, ông Richard tuyên bố sẽ cải thiện môi trường làm việc, tổ chức một số hoạt động giải trí để giảm căng thẳng, tăng cường các văn phòng tư vấn tâm lý, bệnh nghề nghiệp... Phần đông các nghiệp đoàn thừa nhận môi trường làm việc có phần "dễ thở" hơn, các lãnh đạo đã chịu "đối thoại" nhiều hơn. Tuy nhiên, vụ tự tử của Rémy L. khiến nhiều người cho rằng FT vẫn chưa thật sự đoạn tuyệt với lối quản lý "đẩy nhân viên vào đường cùng".
|
Đòn tâm lý
Trong báo cáo công bố hồi tháng 5.2010, Văn phòng giám định Technologia kết luận "cuộc khủng hoảng tại France Télécom vẫn đang tiếp diễn". Báo cáo dựa trên bản thăm dò 80.000 người trên tổng số 102.843 nhân viên tại Pháp của FT và 1.000 cuộc phỏng vấn riêng.
Theo Technologia, phần lớn nhân viên ban đầu rất tự hào về sự lớn mạnh của FT. Tuy nhiên, điều này đã giảm dần với các chương trình cải tổ "làm mất phương hướng" và khiến "công việc trở nên đầy áp lực", dẫn đến nhiều nguy cơ về tâm lý - xã hội. Báo cáo cho thấy giới lãnh đạo tập đoàn có cách hành xử "cứng nhắc", thiếu sự liên hệ giữa lý thuyết và thực tế, dẫn đến việc gia tăng khối lượng công việc, áp lực doanh số, trong khi chưa đáp ứng vấn đề đào tạo, nâng cao chuyên môn. Vì vậy, nhiều nhân viên thường xuyên cảm thấy "áp lực", "giảm giá trị thành quả lao động" hay "công sức không được nhìn nhận". Thậm chí, để đạt mục tiêu cắt giảm nhân sự mà không phải tốn tiền bồi thường hợp đồng, FT còn tìm cách ép nhân viên nghỉ việc hoặc chấp nhận chuyển chỗ làm.
Dựa vào kết quả của Technologia và những nghiên cứu về 15 trường hợp tự tử tại FT, Thanh tra Sylvie Catala của Bộ Lao động Pháp đã trình một báo cáo 82 trang lên các cơ quan pháp lý. Theo bà, những vụ tự sát liên quan đến "kế hoạch Next" được áp dụng từ năm 2006 nhằm "tăng lợi nhuận, tính hiệu quả và hiệu suất" cho FT bằng cách cắt giảm 22.000 việc làm trong vòng 3 năm. Khoảng 4.000 nhà quản lý của tập đoàn này đã được tập huấn đặc biệt về kế hoạch nói trên.
Những gì mà một cựu giám đốc khu vực của FT thuật lại với tờ Les Inrockuptibles khá phù hợp với báo cáo của bà Catala. Từng điều hành 13.000 nhân viên, ông Christian (Les Inrockuptibles không để tên cụ thể - NV) là nhà quản lý đầu tiên của FT tiết lộ vụ việc với giới truyền thông. Theo ông, việc mua lại hãng viễn thông Orange năm 2000 đã trở thành một gánh nặng đối với FT và giới lãnh đạo ráo riết tìm cách cắt giảm nhân viên. Nhiều phương pháp được đề xuất và đều nhằm đẩy nhân viên đến bước tự nộp đơn xin nghỉ việc.
Sau đó, một kỹ sư dưới quyền của Christian tên Philippe được mời về Paris để dự khóa tập huấn về quản lý. Khi trở về, Philippe không ngần ngại thông báo với Christian: "Trong vòng 3 tháng, tôi phải giảm 10 người trong số 30 nhân viên của mình". Philippe áp dụng triệt để những gì đã được huấn luyện. Ông ra lệnh thuyên chuyển công việc, đảo lộn thứ bậc hàng loạt nhân viên, từ cấp trên thành cấp dưới và ngược lại. Không khí làm việc trở nên căng thẳng, mọi người nghi kỵ lẫn nhau, chia bè kết phái. Philippe không phải nhà quản lý duy nhất tại khu vực của Christian thực hiện "kế hoạch Next". Christian bắt đầu nhận được thư từ, phản hồi từ các cửa hàng, văn phòng dưới quyền: "mọi chuyện đang rất tồi tệ", "kiệt quệ hoàn toàn", "muốn tự tử"... Ông nhiều lần cảnh báo ban giám đốc nhưng không được hồi đáp. Năm 2007, chính Christian cũng trở thành nạn nhân của "kế hoạch Next" và phải "về hưu non" ở tuổi 52.
Tập huấn "đuổi việc" Những người tham dự tập huấn của FT đã được học xử lý một số trường hợp cụ thể để khiến nhân viên "tự nguyện" rút lui. Chẳng hạn, một người có mẹ già đang bệnh nặng, phải thường xuyên thăm nom. "Làm thế nào để nhân viên này chịu nghỉ việc?". Theo các giảng viên, điều đầu tiên là thông báo chuyển anh ta sang chỗ làm khác cách đó 100 km. Sau đó, người quản lý sẽ dùng những lời lẽ thật "chân thành" để nhân viên hiểu rằng anh ta chỉ có 2 chọn lựa: "đưa mẹ theo hay xin nghỉ việc để chăm sóc bà".
Đồ thị do công ty chuyên huấn luyện quản lý Orga Consultants thực hiện và phát cho các nhà quản lý của FT cho thấy rõ tình trạng tâm lý của một nhân viên bị ép. Có 6 giai đoạn: (1) nghe thông báo; (2) từ chối hiểu sự việc; (3) phản đối; (4) buông xuôi; (5) cam chịu và (6) chấp nhận. Những chú thích trong đồ thị cũng cảnh báo các nhà quản lý rằng ở giai đoạn (3) có thể xảy ra những hành động quá khích và ở giai đoạn (4), người đó sẽ bị trầm cảm. Thực tế các vụ tự sát cho thấy nhiều nhân viên không thể vượt qua giai đoạn (4). (Theo Les Inrockuptibles) |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)