Hai đêm diễn, 595 ghế trong Nhà hát Lớn (Hà Nội) luôn chật kín. Hai màn hình lớn đặt bên ngoài nhà hát (để truyền hình trực tiếp) thu hút hàng trăm khán giả - những người không có cơ may sở hữu một tấm vé vào cửa. Dàn nhạc đã trình diễn tác phẩm của hai thiên tài âm nhạc cổ điển: Beethoven (bản giao hưởng số 7 và concerto số 4 cho piano), Brahms (concerto cho violon và dàn nhạc), dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng cũng không kém phần tiếng tăm - Alan Gilbert. Sự kiện âm nhạc này cũng mang đến một cơ hội tuyệt vời cho các nghệ sĩ biểu diễn trong nước khi họ được nhạc trưởng Gilbert và các nghệ sĩ trong Dàn nhạc giao hưởng New York trực tiếp lên lớp.
Đêm nhạc được giới chuyên môn đánh giá là đẳng cấp thượng hạng. Một cuộc họp báo “tay bắt mặt mừng” do Bộ VH-TT-DL tổ chức đã diễn ra chiều 14.10. Thế nhưng, ít ai biết rằng, chỉ vài tiếng trước khi diễn ra cuộc họp báo, Bộ VH-TT-DL đã “méo mặt” vì nhà tài trợ chính rút lui. Ông Lê Hoàng Dũng - người phát ngôn của Vietnam Airlines, cho biết 9 giờ 30 phút tối 13.10, Vietnam Airlines bất ngờ nhận được đề nghị tài trợ “để tránh ảnh hưởng không tốt tới uy tín của đơn vị tổ chức và hình ảnh quốc gia” và 7 giờ 30 sáng 14.10 mới quyết định nhận lời.
Không có sự hỗ trợ xứng tầm
Nhưng giả dụ, vào phút chót, nếu Vietnam Airlines không nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí khách sạn cho 157 nghệ sĩ, quản lý, kỹ thuật và nhân viên phục vụ của dàn nhạc trong thời gian từ chiều 14.10 đến chiều 18.10, với chi phí hơn 80.000 USD, thì liệu kế hoạch tổ chức biểu diễn có “đổ bể”?
Điều đáng nói, Dàn nhạc giao hưởng New York đến VN theo lời mời chính thức từ Chính phủ VN, từ Bộ VH-TT-DL, để thực hiện sứ mệnh ngoại giao văn hóa, chứ không nhắm tới mục đích thương mại. Thế nhưng, Bộ VH-TT-DL lại không có một khoản ngân sách hỗ trợ nào cho xứng tầm với một dàn nhạc danh tiếng và đẳng cấp quốc tế. Trên thực tế, việc tổ chức lại được giao cho Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN, vốn dĩ không phải đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, chỉ vì lý do: Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN có năng lực tìm kiếm nguồn tài trợ nhanh hơn, hiệu quả hơn các đơn vị khác.
Thêm vào đó, có một thực tế mà đơn vị tổ chức dường như chưa lường trước: Đó là dẫu cho danh tiếng và đẳng cấp của một dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới, thì ở VN, âm nhạc cổ điển vẫn còn là cái gì đó chưa thân thuộc. Bằng chứng là trong đêm hòa nhạc 17.10, khi dàn nhạc chưa trình diễn xong một chương, không ít khán giả đã vỗ tay rào rào ở những quãng lặng vì tưởng rằng bản nhạc đã... kết thúc! Chưa kể, một vài khán giả còn không có ý thức tắt điện thoại di động và vẫn vô tư nói chuyện riêng khi dàn nhạc đang biểu diễn.
Lâu nay, khái niệm “xã hội hóa” để giảm nhẹ gánh nặng cho Nhà nước, đặc biệt là “xã hội hóa” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đang trở thành một cụm từ được tâm đắc. Song, “xã hội hóa” như thế nào, trong trường hợp nào, ở mức độ nào... lại khiến những người trong cuộc lúng túng.
Y Nguyên
Bình luận (0)