Tự tạo áp lực - tại sao không?

01/04/2006 22:55 GMT+7

LTS: Kể từ ngày 2/4, song hành cùng với chương trình truyền hình mới có tựa đề "Tại sao không?" được phát sóng lần đầu tiên trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam (vào lúc 10h sáng chủ nhật), chúng tôi sẽ ra mắt bạn đọc chuyên mục mới "Tại sao không?". Đây là chuyên mục hợp tác giữa báo Thanh Niên và chương trình truyền hình “Tại sao không?” do HauMi Cross-Media Group sản xuất. Sự phối hợp này có chung một tiêu chí: nhằm khuyến khích những suy nghĩ đột phá, mở đường cho những sáng tạo tích cực của cộng đồng. Làm thế nào để thay đổi hiện trạng của mình, giải quyết những vấn đề của mình để có được tình huống tốt hơn so với cái mình đang có? Đặt câu hỏi "Tại sao không?" và tìm cách trả lời bằng thực tế thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên năng động và tích cực hơn nhiều.

Năng lực của con người cũng như cái lò xo, càng nén càng bật mạnh

Câu chuyện Phan Hữu Duy Quốc, tiến sĩ xây dựng, nhà vô địch taekwondo luôn đeo 5kg chì trong người để "tập luyện theo từng bước chân" hay Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng ĐHBK Hà Nội, tự... tạo thêm vi-rút máy tính rồi tìm cách phá để nâng cao tay nghề là những cách tự tạo áp lực "không giống ai" nhưng thật hiệu quả. Tinh thần "Tại sao không?" ấy có ở khá nhiều "nhân vật" xung quanh chúng ta.

1. Nguyễn Minh Việt, Giám đốc Công ty Greensun: "Dám nói cũng là một cách tự tạo áp lực"

Là du học sinh mới chân ướt chân ráo sang Nhật, trong khi bạn bè xung quanh chỉ đặt mục tiêu thi bằng Nhật ngữ cấp 2 thì Minh Việt lại tuyên bố sẽ lấy bằng cấp 1. Thế là anh chàng tự mua sách vở, băng đĩa rồi lao vào tự học với mục tiêu mỗi ngày phải ghi nhớ được 30 từ. Ròng rã gần 8 tháng, với số điểm "suýt" ngưỡng đậu, tuy chưa thành công mỹ mãn nhưng bù lại vốn tiếng Nhật tăng lên đáng kể, đủ để Việt theo học tại Đại học Kỹ thuật Tokyo. "Người châu Á thường quan niệm "nói trước bước không qua", nhưng theo mình dám nói dám làm mới là điều tốt nhất. Khi bạn dám nói trước nhiều người về mục tiêu phấn đấu của mình, đó cũng là cách tự tạo áp lực khiến bản thân phấn đấu để đạt bằng được mục tiêu đó", Minh Việt chia sẻ.

Hiện tại, Việt cũng đang tạo cho mình một áp lực khác, đó là phấn đấu đến năm 2008 sẽ mở rộng Greensun lên đến con số 100 nhân viên, dù công ty chỉ mới thành lập vào tháng 8.2005 với vẻn vẹn 15 người. Chuyện lập công ty chuyên về dịch thuật và sản xuất phần mềm tại Việt Nam cũng là một "thử thách" mà anh chàng tự đặt ra cho mình để biến mong muốn từ thời đại học thành hiện thực. Rời công việc quản trị dự án cho một công ty Nhật với mức lương gần 2.000 USD, anh cùng bạn bè gầy dựng Greensun từ con số 0 và chấp nhận những khó khăn, thử thách trước mắt. Khi được hỏi có khi nào cảm thấy tiếc với quyết định của mình, câu trả lời của Việt là "Không". Theo Việt: "Áp lực tự tạo giúp ta có động lực để phấn đấu...".

2. Nguyễn Lâm Viên - ông chủ Vinamit: "Áp lực của tôi là muốn cả thế giới ăn mít Việt Nam"!

Ba lần thất bại tưởng chừng đi đến bờ vực phá sản, cuộc đời của doanh nhân Nguyễn Lâm Viên - chủ sở hữu thương hiệu Vinamit đã trải qua không biết bao nhiêu trắc trở. Giờ đây anh là ông chủ của một nhà máy chế biến nông sản bằng chân không lớn nhất vùng Đông Nam Á, nhưng ước mơ của anh chưa dừng lại. Anh muốn thế giới dùng những miếng mít sấy khô Vinamit thay cho những lát khoai tây chiên của Mc Donald hay KFC...
Có thể nói Nguyễn Lâm Viên là một trong những người tiên phong "bỏ Nhà nước" ra làm ăn riêng vào những năm đầu Việt Nam bắt đầu mở cửa của thập niên 80. Cái thời mà theo anh, luật lệ trong thương  mại như con số 0 to tướng, kinh nghiệm thì không có.
Sau thất bại và "chia tay" với việc xuất khẩu hàng thủ công mây tre lá, anh bắt đầu lại sự nghiệp bằng cách xây dựng nhà máy sấy mít khô xuất khẩu. Lô hàng đầu tiên xuất sang Đài Loan nhận được ngay phản hồi rất tốt. Thừa thắng xông lên, anh cho sản xuất ồ ạt. Cái giá phải trả cho bài học quản trị doanh nghiệp là 23 container hàng trị giá hàng trăm nghìn USD bị phía Đài Loan trả lại do chất lượng kém. Một lần nữa Nguyễn Lâm Viên suýt bị đánh gục.

Vừa gượng dậy, anh quyết định phải làm ăn lớn, "đánh" vào thị trường lớn nhất thế giới: Mỹ. Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Mỹ vào năm 1995 với tham vọng đưa những bịch Vinamit vào Wal-Mart. Nhưng sau gần 2 năm tốn kém tiền của, công sức, Vinamit bị đánh bật ra khỏi hệ thống phân phối Mỹ vì ông chủ của sản phẩm thuần Việt này cương quyết không chịu làm hàng đóng gói theo thương hiệu "của người ta", mà giữ thương hiệu Vinamit.

Thất bại ở thị trường Mỹ, anh quyết định "đánh" vào thị trường Trung Quốc, giữ đúng tôn chỉ đặt ra từ đầu là khai thác những thị trường lớn nhất thế giới. Những ngày đứng phát mít sấy trên các đoàn tàu ngược xuôi ở Trung Quốc đã không phụ lòng Nguyễn Lâm Viên. Vinamit đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng Trung Quốc. Hiện nay trên các đoàn tàu ở Trung Quốc, ngoài các món ăn truyền thống, trong thực đơn của hành khách luôn có một gói Vinamit "made in Việt Nam".

Qua hơn 10 năm hoạt động, Vinamit gần như có mặt ở khắp thế giới. Thách thức những người khổng lồ như Mc Donald, KFC, Nguyễn Lâm Viên đang tiếp tục tạo áp lực cho mình.  

3. Đương kim vô địch SEA Games 23 môn nhảy cao nữ Bùi Thị Nhung: "Biến áp lực thành... thói quen, sở thích!"

Có kha khá thành tích trong tay mà toàn thành tích "ác chiến" trên cả đấu trường châu lục và khu vực, những tưởng Bùi Thị Nhung sẽ phải "sở hữu" một thần kinh thép như cách nhìn của mọi người về dân thể thao. Nhưng ngày đầu biết Nhung, tôi đã rất ngạc nhiên vì kỳ thực cô gái Hải Phòng này khá yếu đuối và tâm lý lại hay bất ổn. Năm 2003, Nhung đã làm rạng danh điền kinh VN khi đoạt ngôi nữ hoàng châu Á. Gần hai năm sau đóá, Nhung gần như "biến mất" khỏi các giải trong nước và quốc tế. Thất bại cay đắng tại SEA Games 22 rồi Olympic Athens 2004 đã được Nhung lý giải thế này: "Áp lực thành tích khiến tôi gần như nghẹt thở. Sống trong một trạng thái lo sợ là một cảm giác vô cùng khủng khiếp. Tôi đã phải cố gắng giũ bỏ nó để được trở lại thế cân bằng".

Đó là câu chuyện từ hai năm về trước, Nhung của ngày bây giờ đã khác rất nhiều: "Trải qua những thăng trầm trong cuộc đời tôi mới hiểu ra một điều rằng, giũ bỏ áp lực không hẳn đã tốt. Khi không bị sức ép, không bị đặt trong hai sự lựa chọn - một thua, hai phải chiến thắng, con người ta sẽ trở nên lười biếng và trì trệ. Từ chỗ sợ hãi, từng ngày từng ngày một tôi đã cố gắng thích ứng và tự biến áp lực trở thành... thói quen, thậm chí sở thích của mình. Chế ngự được nỗi sợ hãi, tự đặt cho mình một mục tiêu cao để phấn đấu và đạt được mục tiêu đó thật sung sướng và thú vị vô cùng".

Đầu năm 2005, Nhung hiên ngang bước lên bục cao nhất của giải điền kinh Thái Lan mở rộng với thành tích... kinh hoàng 1,94m - tiếp cận kỷ lục châu Á. Cuối năm 2005, Nhung đăng quang tại SEA Games 23 và trở thành VĐV đầu tiên đoạt HCV cho đoàn thể thao VN tại kỳ đại hội này.

4. Ca sĩ Ánh Tuyết: "Chấp nhận áp lực để được vui với cái tình của khán giả, của nghệ sĩ"

Một ngày tháng 5/2001, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, phòng trà ATB (Ánh Tuyết Band) ra đời. Giữa lúc nhạc trẻ và cả những loại nhạc "mì ăn liền" đang thịnh hành, ca sĩ Ánh Tuyết, người đã thành danh gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao, đã chọn dòng nhạc tiền chiến trữ tình, lãng mạn để "phiêu lưu". Chưa có kinh nghiệm gì về việc quản lý, chị vẫn quyết định dồn hết gia sản của cả nhà được hơn 1 tỉ đồng để "an cư" ATB tại 234 Lý Tự Trọng, Q.1 vào tháng 2/2003. Giải thích về hơn 5 năm sống trong "áp lực do chính mình tạo ra, Ánh Tuyết cho biết: "Nếu chọn con đường đi hát có lẽ tôi sẽ ít nhọc nhằn và thoải mái tâm trí hơn nhiều. Chẳng hiểu có phải vì tình yêu âm nhạc, yêu dòng nhạc tiền chiến mà tôi đã chấp nhận dấn thân, tự tạo áp lực quá nặng nề cho bản thân? Đến giờ nhiều đêm phòng trà lỗ nặng vì ít khán giả nhưng hôm nào khán giả đến đông, sau buổi diễn tôi lại đãi anh em nghệ sĩ một chầu. Năm năm cầm cự, tôi cũng đạt được một số thành công nhất định. Được khán giả tin yêu, đồng nghiệp động viên, lãnh đạo thành phố khuyến khích nên tôi cũng cảm thấy vui".

Đến nay chị đã bỏ vào ATB hơn 2 tỉ đồng đầu tư để mong muốn duy trì một phòng trà với phong cách riêng, đậm chất Ánh Tuyết. Chuyện kinh doanh hãy còn là "áp lực" nhưng chị vừa báo một tin vui:  chị vừa được thành phố trao tặng bằng khen Điểm sáng văn hóa Q.1 cho phòng trà ATB.

Câu đố dành cho khán giả

Mỗi ngày chúng ta hấp thụ trung bình 2.300 kilo calo. Bình thường, chúng ta tiêu thụ 2.000 kilo calo, còn dư ra 300 kilo calo, tương đương với 42 gram mỡ, mà 3,5 giờ đi bộ mới tiêu thụ hết.

Phụ nữ Nhật vừa có cách giảm cân mới: họ đi những đôi giày đúc khá nặng, để "giảm cân trong từng bước chân". Xin hỏi, giày của họ nặng cỡ nào:
a. 1,5 kg
b. 3 kg
c. 4,5 kg
d. 5 kg
Bạn có thể trả lời bằng các cách sau: nhắn tin hoặc điện thoại đến tổng đài 19001758; tham gia trả lời trên giao diện của website
www.taisaokhong.com.vn hoặc gửi về hộp thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn.

Phần thưởng của chương trình gồm: 1 giải nhất 1.000.000 đồng kèm quà tặng của chương trình Tại sao không?; 2 giải nhì trị giá 300.000 đồng kèm quà tặng của chương trình Tại sao không? dành cho những bạn có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.

Lan Anh - V.Anh - Trung Bình - Lan Phương - Đỗ Tuấn - Bích Hạnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.