Anh Tín (34 tuổi, ngụ thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) kể do thấy nhiều người nuôi cá lồng trên sông thành công, trong khi nhà lại nằm sát sông nên cách đây 4 năm, anh đầu tư hai lồng cá gồm một lồng cá ươm và một lồng cá thịt với số vốn hơn 50 triệu đồng vay mượn. Lồng được làm bằng sắt để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ phức tạp của khí hậu miền Trung.
Anh Tín chia sẻ: “Cá trắm cỏ tuy không phải là loài cá có chất lượng cao nhưng lại được một số người yêu thích vì chỉ ăn rau cỏ nên sạch sẽ và an toàn. Cá trắm khá dễ nuôi, mau lớn và ít rủi ro hơn những loại khác. Mặt khác, Quảng Phú vốn có vựa mía, nên mỗi khi người trồng mía tước lá hoặc thu hoạch mía, tôi lại đến chở về cho cá ăn để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, để bổ sung nguồn dinh dưỡng, tôi trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn”.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cá bị xuất huyết, ký sinh trùng... ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cá. Mùa sau, anh Tín chủ động phòng dịch bằng cách vệ sinh lồng cá cẩn thận, khử trùng định kỳ, vào mùa dịch cho cá uống thêm vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi có biểu hiện không tốt về môi trường cần kịp thời xử lý bằng vôi bột hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo các chỉ số môi trường cho cá sinh trưởng. Đối với cá, việc chữa bệnh rất khó khăn nên cần phòng bệnh là chính.
Theo anh Tín, để cá phát triển tốt cần tuân thủ đúng quy trình xử lý môi trường lồng nuôi. Trước hết, khâu tẩy dọn lồng phải làm thật tốt. Khi làm lồng, khe hở vừa phải để nước dễ dàng chảy qua. Mỗi khi thả cá phải bón vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và các mầm bệnh. Thức ăn xanh gồm các loại rau cỏ, rong, bèo, lá chuối, lá sắn... Hằng ngày phải vớt các phần mà cá ăn thừa để giữ cho nước sạch. Phải theo dõi thường xuyên hoạt động của cá, nếu cá nổi đầu là thiếu ô xy. Theo dõi thường xuyên mực nước trong lồng, các chỉ số trong nước vào buổi sáng. Nên thả cá giống với kích thước khoảng 8 - 10 cm. Sau 5 đến 6 tháng nuôi, có thể thu hoạch cá lớn để thả bù cá giống nhằm tăng năng suất. Với cá trắm cỏ, đạt khoảng 3,5 kg là có thể thu hoạch. Sau một năm, thu hoạch hết cá và vệ sinh cẩn thận lại lồng. Cá chưa đạt có thể nuôi tiếp cho đủ trọng lượng.
Sau mỗi mùa cá, anh Tín lại tái đầu tư và mở rộng lồng cá của mình. Hiện nay, anh Tín đã làm được 4 lồng cá gồm 1 lồng cá ươm và 3 lồng cá thịt. Trung bình mỗi lồng rộng hơn 30 m2. Mỗi năm thu được trên 1 tấn cá, cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Anh Tín kể thêm: “Ngày trước, tôi ước mơ làm cái này cái nọ, nên cũng cố gắng tranh thủ ngoài giờ đi làm, học cho có cái bằng quản trị kinh doanh hệ vừa học vừa làm. Nhưng sau nhiều năm bôn ba, làm đủ thứ, giờ lại có duyên với nuôi cá tại quê hương. Dự định, thu hoạch đợt cá này, tôi sẽ mở rộng thêm để tăng thu nhập”.
Ông Nguyễn Văn Tuất, Phó bí thư Xã đoàn Quảng Phú, cho biết: “Anh Tín là một trong những gương thanh niên điển hình về làm ăn kinh tế tại địa phương. Tận dụng nguồn nước và nguồn thức ăn sẵn có để phát triển mô hình nuôi cá trắm cỏ, tạo thu nhập, ổn định kinh tế gia đình”.
Bạn đọc quan tâm đến mô hình nuôi cá của anh Tín, liên hệ qua số điện thoại: 0987494054.
Bình luận (0)