Từ tháng 1.2019, người dân TP.HCM được khai thác dữ liệu dùng chung

29/11/2018 05:01 GMT+7

Trước mắt, dữ liệu mở về tình hình đăng ký, hoạt động của hơn 370.000 doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề y và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, sau đó sẽ cập nhật các lĩnh vực khác...

Chiều 28.11, Sở TT-TT TP.HCM họp báo công bố kết quả bước đầu thực hiện đề án “thành phố thông minh” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Mở “kho” dữ liệu
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết cuối tháng 11.2017, UBND TP phê duyệt đề án “thành phố thông minh”, trong đó đề ra 4 giải pháp trọng tâm cần ưu tiên triển khai thực hiện gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm điều hành “thành phố thông minh”; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; thành lập trung tâm an toàn thông tin. Qua một năm triển khai thực hiện, TP đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trả lời riêng Thanh Niên, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết tháng 1.2019 kho dữ liệu dùng chung của TP đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12) trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Trong giai đoạn 1, dữ liệu mở về tình hình đăng ký, hoạt động của hơn 370.000 doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề y và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của TP tại địa chỉ http://hochiminhcity.gov.vn. “Với dữ liệu được công bố, người dân hoàn toàn có thể khai thác sử dụng, chia sẻ rộng rãi thông tin. Người dân khi có nhu cầu dễ dàng biết được bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa cụ thể; tình hình của doanh nghiệp cần hợp tác làm ăn...”, bà Trinh nói.
Bà Trinh cho biết thêm, trong các giai đoạn tiếp theo, dữ liệu về đô thị, kinh tế, giáo dục, văn hóa... sẽ được tích hợp và từng bước công bố. Riêng trong năm 2019, dữ liệu thông tin dân cư về hộ tịch, tư pháp sẽ được TP hoàn thành và hệ thống số hóa vào dữ liệu dùng chung. Khi làm thủ tục hành chính, nếu có liên quan đến hộ khẩu, CMND, cơ quan quản lý nhà nước có thể khai thác từ dữ liệu dùng chung đã được số hóa, không cần thiết đòi hỏi người dân phải cung cấp bản giấy như hiện nay.
“Hợp nhất” các đầu số khẩn cấp 113, 114, 115
Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết cũng từ tháng 1.2019, TP vận hành trung tâm điều hành “thành phố thông minh” giai đoạn 1 đặt tại trụ sở UBND TP. Theo đó, trung tâm này bước đầu tích hợp thông tin từ các hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND TP, các sở ngành, quận, huyện, các trung tâm quản lý đô thị… để phục vụ công tác điều hành chung trên toàn địa bàn; triển khai thí điểm nâng cấp phương án tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật từ người dân đến hệ thống 1022 (Mobile App “Tổng đài 1022” - phiên bản trên Android và trên iOS); mở rộng kênh tiếp nhận qua mạng xã hội Facebook với fanpage: facebook.com/1022tphcm có tích hợp hệ thống camera, bản đồ số, thông tin hạ tầng bưu chính viễn thông... Đặc biệt, vận hành ứng dụng trên smartphone liên thông các đầu số khẩn cấp 113, 114 và 115.
“Trước đây, khi người dân cần hỗ trợ về an ninh trật tự thì gọi 113; PCCC, cứu hộ, cứu nạn gọi 114 hoặc cấp cứu y tế thì gọi 115. Nhưng kể từ tháng 1.2019 khi vận hành hệ thống liên thông mới, chỉ cần chạm vào ứng dụng được cài đặt trên smartphone và đưa ra yêu cầu, thì yêu cầu của người dân được hệ thống tiếp nhận và lực lượng chức năng ứng phó ngay, không nhất thiết là gọi vào từng đầu số theo cách cũ. Ứng dụng này có chức năng quản lý cuộc gọi, định vị và hiển thị số người gọi, tích hợp camera và bản đồ số khu vực người gọi. Nếu không cài đặt ứng dụng, thì chỉ cần gọi đến 1 đầu số duy nhất là 114 cũng sẽ được hỗ trợ theo đúng quy trình”, ông Cường cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.