Tự truyện Ái Vân - Để gió cuốn đi: Về với Thúy Nga Paris

10/05/2016 06:53 GMT+7

Những ngày ở xứ người, tôi thèm hát, thèm biểu diễn khủng khiếp. Ngờ đâu một ngày tôi đến được với Thúy Nga Paris, từ đó tôi được thỏa sức ca hát trên xứ người.

Về với Thúy Nga Paris
Với Elvis Phương trong Bài ca sao của nhạc sĩ Phạm Duy Ảnh: T.L
Ở kỳ trước tôi đã nhắc tới chị Mai Tâm, một quý nhân phù trợ của tôi. Mai Tâm thường cùng Trung tâm Thúy Nga tổ chức show văn nghệ ở Đức có các ca sĩ bên Thúy Nga đưa sang. Đầu tháng 11.1990, Mai Tâm và Thúy Nga tổ chức một show ca nhạc tại thành phố Dusseldorf, có các nghệ sĩ Linda Trang Đài, Thúy Vy, Tuấn Anh... tham gia. Chính chị đã gọi cho tôi đến và nói rằng sẽ giới thiệu tôi với Thúy Nga.
Tôi nghe tiếng Trung tâm Thúy Nga từ khi còn ở trong nước, được xem nhiều băng video do Thúy Nga sản xuất, rất hâm mộ. Trung tâm Thúy Nga được thành lập tại Sài Gòn năm 1963 chuyên sản xuất băng nhạc. Chủ nhân là anh Tô Văn Lai và vợ là chị Thúy. Sau 1976, gia đình anh Tô Văn Lai vượt biên và được sang Pháp. Lúc đầu anh Lai, chị Thúy lo bán xăng cho cây xăng của gia đình. Ngày đi bán xăng, đêm hai vợ chồng dựng lại nghề cũ hồi ở Sài Gòn, họ mở một cửa hàng băng đĩa nhỏ, in sang các băng đĩa cũ một cách thủ công để đem đi bán, rồi từ từ tự sản xuất các chương trình ca nhạc. Dần dà Thúy Nga được hồi phục trên đất Pháp với loạt chương trình ca nhạc Paris by Night nổi tiếng khắp châu Âu, lan rộng sang Mỹ. Từ đó Thúy Nga trở thành một trung tâm ca nhạc của người Việt lớn nhất ở hải ngoại, bất kỳ một nghệ sĩ nào cũng muốn cộng tác.
Anh Cát chở tôi xuống thành phố Dusseldorf. Hôm ấy tôi mặc bộ màu đen khá đẹp. Mai Tâm đã bố trí trước nên giữa chương trình, MC lên nói: “Hôm nay có ca sĩ Ái Vân mới từ Đông Đức tị nạn sang đây. Mời Ái Vân lên đóng góp tiết mục”. Tôi lên hát ba bài, Em đi chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp - Trung Đức); Woman in love (Barry Gibb - Robin Gibb) và Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh). Tôi cố tình hát ba bài ba phong cách để họ biết được khả năng của mình. Hát xong phía Thúy Nga cho biết muốn ký hợp đồng với tôi luôn. Tôi mừng quá, “vâng” ngay. Chị Thảo hẹn: “Hai tuần nữa Thúy Nga quay video ở bên Pháp, em sang quay với Thúy Nga luôn”.
Elvis Phương “kéo” Ái Vân
Tôi sang Pháp thu cuốn “Paris by Night đặc biệt”. Lần đầu tiên làm việc với Thúy Nga rất bỡ ngỡ và hồi hộp. Để tôi xuất hiện trên video, Thúy Nga tính thế này: Ái Vân sẽ hát một bài solo và phải ghép Ái Vân với một ca sĩ tên tuổi nổi tiếng ở Mỹ để người đó “kéo” Ái Vân lên. Suy tính mãi thấy chỉ có Elvis Phương là phù hợp nhất. Elvis Phương nhận lời. Bên Thúy Nga chọn Bài tango cho em của Lam Phương để hát duet với Elvis Phương.
Elvis Phương tên thật là Nguyễn Ngọc Phương, vì quá mê vua nhạc rock Elvis Presley mà anh lấy tên Elvis Phương. Lúc đầu tôi tưởng anh người nam, quê Bình Dương, sau mới biết quê gốc anh Hà Tĩnh. Với tôi, anh là một trong những nam ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu thế kỷ 20 ở nước ta, chỉ riêng tài huýt sáo của anh cũng đủ “chết” bao nhiêu người ái mộ. Tiếng huýt sáo của anh trong bài Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy) chẳng những làm mê đắm bao khán giả, mà ngay cả những người trong nghề cũng vô cùng khâm phục. Cho nên nghe chị Thảo nói: “Sẽ mời Elvis Phương hát chung với em” tôi mừng ghê lắm.
Elvis vừa xuống sân bay là đến thẳng phòng thu luôn. Lúc tập sân khấu thu hình, anh Lai, chị Thảo đều khen. Anh Lai nói: “Em hôm nay hát được lắm”. Tôi rất mừng, hí hửng như hồi 9 tuổi lần đầu tiên được khen vậy. Chắc vì hí hửng quá nên đến lúc thu hình thật thì tôi bị khớp, diễn không tốt như lúc tập. Hát xong lúc về phòng trang điểm, anh Lai mở cửa vào. Tôi hí hửng hỏi: “Em hát thế nào anh Lai?”. Anh Lai nhăn nhó nói: “Em hát dở lắm, không bằng hồi chiều” rồi anh quay ra sập cánh cửa đánh rầm. Tôi ngồi buồn xo suốt buổi. Tuy vậy băng “Paris by Night đặc biệt” được đánh giá là “tạo ấn tượng tốt”.
Nhờ thắng lợi ở cuốn đầu, cuốn sau tôi tiếp tục được hát duet với Elvis Phương. Anh Phương nổi tiếng hát nhạc Pháp và nhạc tình. Vì không sở trường về nhạc nhẹ miền Nam nên có cố mấy cũng không thể hát cho ra phong cách. Hơn nữa tôi muốn lên video phải có gì là lạ một chút. Tôi nghĩ đến dân ca quan họ và chọn bài Qua cầu gió bay. Rất may chị Thảo, anh Lai và Elvis Phương ủng hộ.
May mắn là sự kết hợp này thành công. Khán giả hải ngoại lâu nay thấy Elvis Phương toàn mặc đồ vest hát nhạc tây, nay thấy anh hát quan họ với cô ca sĩ Bắc kỳ dễ thương giọng bắc “ngọt như mía lùi”, họ vỗ tay nhiệt liệt. Thúy Nga bán được băng. Thừa thắng xông lên, tôi và Elvis Phương tiếp tục dòng dân ca mới khai mở với bài Tát nước đầu đình, khán giả lại nhiệt tình tán thưởng. Bên cạnh video thì cuốn audio đầu tiên Elvis Phương - Ái Vân bán rất chạy.
Ở VN tôi có danh trong dòng nhạc nhẹ, nhắc đến Ái Vân người ta đều nói kèm luôn ca sĩ nhạc nhẹ. Sang hải ngoại nhờ có Thúy Nga ủng hộ và khuyến khích tôi chuyển sang hát dân ca khá thành công. Nhiều người chưa biết tôi ở quốc nội cứ nghĩ tôi là ca sĩ hát dân ca. Đến nỗi mọi người nhìn thấy tôi mặc đồ tây đều trố mắt ngạc nhiên: “Ô thế áo tứ thân đâu?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.