Cuốn sách do NXB Đại học Nhân dân Trung Quốc xuất bản, được giới phê bình đánh giá là những sám hối của đạo diễn Trần về thời trẻ non dại. Cuốn sách được viết rất chân thật với nhiều câu chuyện rất bất ngờ, không chỉ phô bày về thời thanh xuân của đạo diễn, mà còn bộc lộ được nhiều mặt trái xã hội và lịch sử Trung Quốc suốt một thời kỳ dài. Năm 13 tuổi, thấy đám bạn tụ tập trước một vách nhà rách nát, Trần Khải Ca cũng chen vào xem và hé nhìn vào trong, thấy nhà trống trơn và một ông lão rách rưới. Khi ông lão ngẩng đầu lên, ánh mắt sắc như dao, cả lũ trẻ sợ hãi bỏ chạy. Sau này khi đọc sách nhiều, đạo diễn Trần mới biết chỉ có người sắp chết đói mới có đôi mắt sáng như vậy. Đôi mắt đó luôn ám ảnh ông, đi theo ông suốt đời, khiến ông rất ân hận vì đã không làm được gì cho ông lão đó. Trong thời kỳ đói kém (1960-1962), ông từng phải ra chợ nhặt nhạnh rễ cây, lá dập, vụn bánh... ăn tại chỗ, luôn khát khao có được mấy hạt đậu khi nghỉ giải lao để nhấm ăn dần. “Chỉ trong chưa đầy mấy năm, con số người chết đói đã lên tới hàng triệu người. Nhưng chúng tôi không hề biết gì cả. Người biết chuyện cũng không cho chúng tôi biết. Tại sao? Không ai nói. Ai phải chịu trách nhiệm?”, ông trăn trở.
Các phim nổi tiếng của Trần Khải Ca: Hoàng thổ: Giải Báo bạc và giải đặc biệt của BGK tại LHP Locarno lần thứ 38 tại Thụy Sĩ (1985). Bá Vương biệt cơ: Giải Cành cọ vàng và giải FIPRESCI tại LHP Cannes lần thứ 49 (1994); Giải Quả cầu vàng, Mỹ cho Bộ phim nước ngoài xuất sắc nhất (1994); Giải Bộ phim nước ngoài hay nhất của Giới phê bình điện ảnh London (1995, ALFS Award), của Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles (1993, LAFCA Award), của Mainichi Film Concours (1995), của Giới phê bình phim New York (1993, NYFCC Award)… Đề cử giải Oscar cho Bộ phim nước ngoài xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất (1994), Đề cử giải César, Pháp cho Bộ phim nước ngoài xuất sắc nhất (1994). Kinh Kha thích Tần Vương: Giải thưởng lớn về kỹ thuật của BGK và được đề cử giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes (2000). Vô Cực. Mai Lan Phương. |
Đạo diễn Trần kể khi vừa sinh ra, ông đã khóc dai dẳng hằng đêm, khiến mẹ ông mất ngủ, là một trong những nguyên nhân khiến bà bị bệnh sau này. Chính vì vậy sau này ông rất ghét những bộ phim khóc lóc nhiều. Do luôn mong mỏi có con gái, cha ông đã đặt sẵn tên Khải Yến cho ông, sau này đành nhường lại cho em gái ông dùng, đặt tên ông là Khải Ca, có nghĩa là con chim bồ câu trong sáng. Do không hiểu ý nghĩa mà bố mẹ mình gửi gắm, ông đã tự động đổi tên khác khi đi học, khiến tên chỉ còn cùng âm khác nghĩa. Trong sách viết khá nhiều kỷ niệm thơ ấu của ông với Bắc Kinh vì ông rất yêu thành phố này. Trần Khải Ca cũng nhớ lại thời kỳ còn đi gửi trẻ. Mỗi khi bà trông trẻ gọi, mười mấy đứa nhóc lại òa lên khóc. Người để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong thời thơ ấu của ông là bà bảo mẫu họ Thẩm người Mãn mà ông thường gọi là “bà nội”. Ông dành khá nhiều trang viết miêu tả về bà với nhiều tình cảm nhung nhớ, trong đó có cả kỷ niệm khi nghe trộm được mẹ mắng bà bảo mẫu về tội ăn bớt đồ ăn của hai anh em ông. Do ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, Trần Khải Ca bị bạn bè và cô giáo không tin cậy bởi bố ông (đạo diễn Trần Hoài Ca) từng tham gia Quốc dân đảng. Ông đau đớn và bắt đầu hận bố mình, thậm chí còn tình nguyện đấu tố bố. Những hành vi bất hiếu với bố hồi đó khiến ông day dứt và ân hận mãi tới giờ.
Đạo diễn Trần Khải Ca đã cùng vợ tham gia hai lễ ra mắt sách và ký tặng độc giả vào ngày 18.1.2009 tại hai khu vực nhà sách lớn nhất Bắc Kinh. Phần 2 và phần 3 của cuốn tự truyện sẽ tập trung vào ba giai đoạn tình cảm lớn nhất trong cuộc đời Trần Khải Ca: 10 năm yêu đương mặn nồng với Nghê Bình, cuộc sống hôn nhân với bà vợ thứ nhất Hồng Hoảng và bà vợ hiện tại – diễn viên Trần Hồng. Đạo diễn Trần tuyên bố sẽ viết rất thật, không hề giấu giếm cùng nhiều tình tiết lần đầu công bố.
Nguyễn Lệ Chi (Theo sina.com)
Bình luận (0)