Chỉ là giáo viên kiêm nhiệm
Thông tư này quy định khá rõ các hình thức tư vấn tâm lý trong nhà trường như xây dựng các chuyên đề, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh (HS)... Hình thức tư vấn hiện đại cũng được liệt kê như tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn, tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ HS gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường (tổ trưởng), cán bộ, giáo viên (GV) kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, GV phụ trách công tác Đoàn - Đội, đại diện cha mẹ HS và một số HS là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội. Cán bộ, GV kiêm nhiệm công tác tư vấn cho HS phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành).
Ông Lê Khanh, chuyên gia tâm lý lâm sàng trẻ em, cho biết tâm lý của giới trẻ ngày càng có nhiều vấn đề. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng lại không thấy bóng dáng ai có thể gọi là chuyên viên tư vấn tâm lý trong cái tổ có chuyên môn về tâm lý.
tin liên quan
Trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý cho học sinhNgười lắng nghe, chia sẻ chứ không phải dạy tâm lý
Ông Khanh phân tích: “Thay vì chỉ cần bố trí một hay hai chuyên viên tâm lý học đường tuyển từ bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ tâm lý tốt nghiệp ở các trường ĐH vào biên chế hay hợp đồng với nhà trường thì theo tinh thần của thông tư này, sẽ lập ra một tổ tư vấn tâm lý mà thực chất chỉ là những thầy cô đóng vai trò kiêm nhiệm và hiệu trưởng là tổ trưởng chỉ đạo. Như vậy, để dạy dỗ HS về tâm lý chứ không phải như một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng các em”.
Theo thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, điều tốt là Bộ GD-ĐT đã nhận ra đã đến lúc phải thành lập tổ tư vấn tâm lý trong học đường. Nhưng việc tiếp cận như thông tư này sai so với tâm lý học đường. Việc tư vấn tâm lý học đường là khi một HS gặp khó khăn thì phải chia sẻ, trao đổi, nâng đỡ chứ không phải là dạy đời. Nếu không phải là một chuyên viên tâm lý thật sự mà là thầy cô trong trường thì không khác gì so với trước kia, dễ dẫn đến cảnh “dạy đời” HS.
Cũng theo ông Uy, nếu thiếu chuyên viên tâm lý được đào tạo bài bản mà sử dụng GV kiêm nhiệm thì lực lượng này phải được đào tạo nhiều hơn. Ít nhất là phải đào tạo khoảng 200 giờ. Những người này phải biết được tư vấn tâm lý là gì, kỹ năng ra sao... Không phải cứ làm GV là tư vấn được tâm lý.
Vẫn chờ bộ hướng dẫn
Ngược lại với các chuyên gia tâm lý, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng GV kiêm nhiệm có những điều kiện thích hợp để tư vấn tâm lý cho HS. Theo ông Phú, tư vấn tâm lý trong trường phổ thông có những điểm đặc biệt. Chủ yếu xoay quanh học hành, tâm sinh lý, bức xúc gia đình... ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, việc một GV nắm bắt, quen những chuyện này làm tư vấn là đúng. Sinh viên mới ra trường làm tư vấn tâm lý có những khó khăn nhất định như: chưa có trải nghiệm, chưa có sự hấp dẫn, cuốn hút HS, không đứng lớp nên uy tín cũng chưa có. Chuyên viên lớn tuổi thì có công ăn việc làm bên ngoài, khó về trường. Nếu có về thì chỉ là ngạch chuyên viên, không phải ngạch GV, không được hưởng phụ cấp 30%...
Tuy nhiên, GV kiêm nhiệm chỉ có hiệu quả với điều kiện thầy cô phải đam mê công việc tư vấn tâm lý này. Cũng phải có công tác tập huấn, đào tạo tốt đội ngũ này và phải có chế độ chính sách rõ ràng. “Chúng tôi vẫn còn chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn triển khai kỹ hơn, có chương trình cụ thể thì mới áp dụng vào trường được vì hiện nay thông tư vẫn còn chưa rõ ràng, khó thực hiện”, ông Phú nói.
Tinh giản biên chế nên không bố trí chuyên viên chuyên trách
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, trong bối cảnh tinh giản biên chế nên Bộ không bố trí chuyên viên tâm lý chuyên trách được. Thông tư 16 của Bộ đã quy định GV kiêm nhiệm tư vấn tâm lý thì được trừ tiết dạy tùy theo hạng trường. Sắp tới Bộ sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho cán bộ tư vấn. Người đứng lớp là chuyên gia tâm lý. Bộ cũng sẽ mời các chuyên gia này xây dựng chương trình tư vấn tâm lý học đường
|
Bình luận (0)