Tham dự chương trình có đại diện các trường ĐH, CĐ gồm:
- Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
- Thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
- Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn.
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Chuyên gia các trường sẽ thông tin chi tiết về chỉ tiêu và mức điểm xét tuyển của các trường, cũng như lưu ý những điểm mới trong quy chế xét tuyển năm nay.
Bạn đọc quan tâm, ngay từ bây giờ có thể gửi câu hỏi về chương trình tại ô bên cạnh hoặc đến tham dự trực tiếp tại lầu 4, tòa soạn Báo Thanh Niên (số 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM), vào cửa tự do.
|
Trong buổi thứ 5 của chuỗi chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ do Báo Thanh Niên tổ chức, nhà báo Thùy Ngân cho biết, hôm nay 20.8 là ngày các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Đây là cơ hội cho những thí sinh đủ điều kiện về điểm xét tuyển đầu vào nhưng chưa trúng tuyển ĐH tìm một ngành/trường phù hợp để nộp hồ sơ. Theo nhiều chuyên gia tư vấn, một trong những điều kiện giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển là nắm rõ thông tin từ các trường.
Buổi tư vấn truyền hình trực tuyến hôm nay với chủ đề "Cơ hội xét tuyển vào các ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng" sẽ là dịp để thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin về những trường/ngành có nhu cầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung khối ngành này. Từ đó, thí sinh sẽ tìm được ngành phù hợp điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển.
|
Mở đầu buổi tư vấn, thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn thông tin: Năm nay chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung vào trường là 1.500, trường có 3 khối ngành là kinh tế, kỹ thuật và sức khỏe. Bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 20.8 đến 10.9. Về khối ngành kinh tế, trường tuyển khối A và D, thí sinh có điểm thi từ 10 điểm trở lên thì có cơ hội trúng tuyển vào trường.
Thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, trường xét nguyện vọng bổ sung (NVBS) cho 16 ngành bậc ĐH, 22 ngành bậc CĐ và 23 ngành bậc CĐ nghề. Trong đó có 4 khoa giảng dạy các ngành kinh tế và quản lý xét tuyển NVBS bậc ĐH gồm: ngành Quản trị Kinh doanh (khối A, A1, D1), xét 13 điểm, với 50 chỉ tiêu; ngành Quản lý Khách sạn (khối A, A1, D1), xét 13 điểm, với 100 chỉ tiêu; ngành Tài chính Ngân hàng (khối A, A1, D1), xét 13 điểm, với 50 chỉ tiêu và ngành Kế toán (khối A, A1, D1), xét 13 điểm, với 60 chỉ tiêu.
Thạc sĩ Phạm Như Huynh - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, trong kỳ xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm nay, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xét tuyển theo 3 hệ: ĐH, Cao đẳng và Liên kết Quốc tế.
|
Đối với khối ngành kinh tế, nhà trường xét tuyển với mức điểm 3 (tức từ 13 điểm), cho ban A, A1 và D; ở các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng (Tài chính doanh nghiệp và ngân hàng), Kế toán (kế toán và kiểm toán).
Với hệ Cao đẳng, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xét tuyển ở mức từ 10 điểm. Chương trình liên kết Quốc tế xét tuyển theo học bạ cấp 3. Toàn bộ số lượng xét tuyển nguyện vọng bổ sung của trường hiện còn lại 950 chỉ tiêu.
Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông tin về việc xét tuyển NVBS của trường. Theo đó, về khối ngành Kinh tế, trường có ngành Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Kế toán kiểm toán. Trường tuyển 3 theo khối thi A, A1 và D với điểm chuẩn là 13 điểm. Ngoài việc xét tuyển theo kết quả của kỳ thi ba chung, thí sinh có thể nộp hồ sơ theo đề án xét tuyển riêng của trường, với hồ sơ phải đủ 3 điều kiện: tốt nghiệp THPT, điểm trung bình môn cho bậc ĐH là 6, CĐ là 5,5, học lực khá.
|
Về tình hình nộp hồ sơ xét tuyển NVBS, thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết: thí sinh (TS) nộp hồ sơ NVBS tại trường trong ngày đầu khá sôi nổi. Sau 2 ngày trường sẽ cập nhập số lượng, danh sách TS đã nộp hồ sơ NVBS của trường lên website trường cho TS theo dõi.
|
Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thạc sĩ Phạm Như Huynh cho biết: Số lượng nộp hồ sơ, vào cuối mỗi ngày, trường đều cập nhật trên website để TS có thể theo dõi.
Tương tự, thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông tin: số lượng TS đến nộp hồ sơ xét tuyển tại trường ở cả 3 hệ là rất đông. Bên cạnh mức điểm xét tuyển NVBS cho các khối ngành đã được công bố, thạc sĩ Phạm Văn Đạt lưu ý TS nộp hồ sơ xét tuyển theo hình thức xét tuyển riêng dựa trên học bạ. Theo đó, đối với bậc ĐH điểm trung bình từ 6,0 trở lên, CĐ từ 5,0 trở lên, cộng với điều kiện điểm thi tốt nghiệp từ 24 điểm trở lên đối với bậc ĐH, và 22 điểm trở lên đối với bậc CĐ.
|
Hiện trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NVBS từ 20.8 đến 9.9. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo đa ngành đa nghề, cả trung cấp, CĐ nghề.
Theo thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS đã có đông TS tới trường nộp hồ sơ. Trường sẽ cập nhật số lượng, thông tin TS nộp hồ sơ mỗi cuối ngày. TS có thể lên website của trường http://hbu.edu.vn/ để theo dõi.
Trong phần giải đáp câu hỏi bạn đọc gửi đến, một bạn đọc đặt câu hỏi với đại diện Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.
* Nếu học ở CĐ Đại Việt có thể liên thông lên ĐH được không? Đó là những trường nào?
- Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Sau khi tốt nghiệp CĐ chính quy thì bạn hoàn toàn được liên thông lên ĐH. Hiện Trường CĐ Đại Việt đang có liên kết với ĐH Tài chính Marketing nên bạn có thể liên thông lên ĐH này.
|
* Em tốt nghiệp trung cấp nghề kế toán tháng 2.2013. Cho em hỏi, em có được phép liên thông học tại Trường CĐ Đại Việt không? Thời gian liên thông là khi nào?
- Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Bạn có thể liên thông lên CĐ Đại Việt với việc tham dự kỳ thi ba chung của Bộ, vì vậy bạn có thể đợi đến năm sau để thi vào.
Ngoài ra, thạc sĩ Kim Anh còn thông tin thêm, ngành quản trị kinh doanh của trường có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Nhà trường có liên kết với doanh nghiệp (DN) và trong quá trình học nhà trường có giới thiệu việc làm.
* Một độc giả gửi câu hỏi đến cho trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: "Em muốn xét tuyển NVBS nhưng thi chỉ được 13,5 điểm, vậy có cơ hội xét tuyển không?”
- Thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: Năm nay nhà trường xét tuyển hệ ĐH từ mức 13 điểm, vì vậy số điểm 13,5 của TS trên có cơ hội khá lớn, có thể trúng tuyển hệ ĐH của trường.
Với thắc mắc của một số bạn đọc về hệ đào tạo “vừa học, vừa làm” của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM trong năm 2014, thạc sĩ Phạm Như Huynh cho biết nhà trường có tuyển sinh hệ “vừa học, vừa làm”, tổ chức thi tuyển vào tháng 10 tới. TS có nhu cầu thông tin có thể lên trang web chính thức của trường http://www.uef.edu.vn/ để tham khảo chi tiết.
* Em thi được 14 điểm (khối A, đã cộng điểm ưu tiên), rớt nguyện vọng (NV) 1. Với số điểm đó, em có thể xét NV2 vào ĐH Nguyễn Tất Thành không? Cụ thể là những ngành nào? (trừ ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh)
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Trường tuyển NVBS tất cả các ngành khối kinh tế, tài chính đều với mức 13 điểm. Vì vậy, ngoài ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh mà bạn không thích thì bạn có thể vào nhiều ngành khác như: Quản lý Khách sạn, Tài chính Ngân hàng, hoặc các ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Cơ - Điện tử,… Bạn có thể lên website của trường để xem chi tiết chỉ tiêu và điểm xét tuyển các ngành.
Trả lời trường hợp một TS thi ĐH khối A1 được 9 điểm mong muốn xét tuyển NVBS vào Cao đẳng Đại Việt, thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn cho biết, với trường hợp này, có hai cách dựa vào đối tượng ưu tiên. Nếu thuộc khu vực ưu tiên, TS có thể cộng thêm điểm ưu tiên vào điểm thi và vẫn còn có cơ hội đăng ký xét tuyển. Lưu ý là phải bổ sung điểm ưu tiên trong thời gian xét tuyển theo quy định của trường. Sau thời gian xét tuyển NVBS, nếu vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường sẽ xem xét có thể tuyển TS này vào trường hay không. Nếu không có điểm ưu tiên thì TS có thể học hệ CĐ thực hành của trường, xét tuyển bằng học bạ phổ thông. Ngoài ra có thể nộp hồ sơ xét tuyển hệ Trung học nghề.
* Một bạn đọc hỏi về cơ hội việc làm sau khi học ngành kế toán tại trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn và chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
- Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn: Nhà trường có liên kết với một số DN để hỗ trợ tìm việc làm thêm cho sinh viên trong thời gian học tập cũng như tư vấn và giới thiệu việc làm chính thức.
* Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có chuyên ngành Quản trị kinh doanh, có xét NVBS không? Nếu xét thì bao nhiêu chỉ tiêu? Điểm xét tuyển, học phí?
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Ngành này có 2 bậc ĐH và CĐ, điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ, với 3 khối A, A1, D1 là 13 điểm. Chỉ tiêu 50. Học phí khối ngành quản trị kinh doanh ở mức 17,6 triệu đồng, thu một lần trong học kỳ đầu. Do học theo tín chỉ nên trong các học kỳ tiếp theo có thể mức phí đóng vào có thay đổi.
* Cùng một phiếu điểm có thể đăng ký nguyện vọng 2 ngành khác nhau của trường được không?
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Bạn cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng để đánh giá khả năng của mình và sở thích công việc sau này để nộp phiếu chứng nhận điểm thi vào trường để tránh việc phải thay đổi sau đó.
* Với số điểm bao nhiêu của khối D, em có hy vọng để đăng ký xét tuyển NV2 vào ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM hay không? Em có điểm IELTS 5.0, vậy có thể đăng ký học hệ chất lượng cao của trường hay không?
- Thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: TS có thể vào website của trường để biết điểm sàn xét tuyển và chỉ tiêu NVBS của trường để biết điểm thi của mình có thể đủ điều kiện vào ngành gì. Ngoài ra, với điểm IELTS 5.0, khi học hệ chất lượng cao thì bạn được miễn 4 cấp độ đầu của chương trình tiếng Anh của trường và bạn rất có lợi thế khi học chương trình liên kết quốc tế vì học song ngữ Việt - Anh và năm cuối học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
* Em thi khối A1 được 12,5 điểm, giờ em muốn nộp hồ sơ xin xét tuyển NVBS ngành quản trị kinh doanh vào trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì phải làm thế nào?
- Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Đây là điểm dưới điểm sàn, vì vậy TS chỉ có thể đăng ký xét tuyển riêng bằng học bạ phổ thông.
Hồ sơ cần có để xét tuyển là bản sao bằng tốt nghiệp, học bạ. Trong đó, điểm trung bình 3 năm học PTTH của các môn trong khối xét tuyển hệ ĐH phải lớn hơn hoặc bằng 6, hệ CĐ lớn hơn hoặc bằng 5,5. Ngoài ra nhà trường còn xét tuyển dựa trên hạnh kiểm của TS. Hạn chót nộp hồ sơ xét tuyển riêng vào trường là 25.8. Bên cạnh đó, TS này còn có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành học thuộc hệ CĐ của nhà trường.
Đối với các bạn đọc quan tâm đến ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong thông tin ngành học này tuyển sinh khối A, A1 và D, với mức điểm sàn là 13 điểm. Hiện nhà trường còn 250 chỉ tiêu NVBS cho ngành học này. Học phí của ngành Quản trị kinh doanh vào khoảng hơn 8 triệu đồng/học kỳ.
Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong lưu ý với sinh viên rằng, các ngành học tổ chức xét tuyển NVBS theo phương án xét tuyển riêng của trường luôn đảm bảo chất lượng với phương án tuyển sinh và chương trình đào tạo được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Chương trình học ở các phương án tuyển sinh đều như nhau, bằng tốt nghiệp do nhà trường cấp có giá trị tương đương.
Với các trường hợp TS ở xa gửi hồ sơ qua bưu điện, thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong cho biết nếu TS nộp hồ sơ sử dụng kết quả kỳ thi 3 chung, thì TS gửi phiếu điểm chính, kèm phong bì có ghi sẵn họ tên, số điện thoại của TS… Lưu ý nên gửi bằng đường đảo bảm. TS có thể lên trang web chính thức của trường để theo dõi thông tin tuyển sinh được cập nhật thường xuyên.
Khi trúng tuyển thì nhà trường sẽ gửi giấy báo cho TS qua địa chỉ trên phong bì. Nếu hồ sơ thiếu thông tin thì nhà trường sẽ liên lạc (có thể bằng điện thoại hoặc email) để TS bổ sung.
* Nhà báo Thùy Ngân: Ngành Kinh tế-Tài chính-Ngân hàng trong thời gian gần đây được xem là dư thừa nhân lực. Vậy các trường có giải pháp, tìm cơ hội nào để sinh viên ra trường có nhiều khả năng, cơ hội tìm được việc làm. Làm thế nào để sinh viên những trường ít có bề dày về ngành học này có thể cạnh tranh với sinh viên các trường lớn? Người ta vẫn lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập, các trường nhỏ có đào tạo ngành này. Ý kiến của đại diện các trường về điều này như thế nào?
- Thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Hiện nay không phải riêng khối ngành kinh tế mà hầu hết các ngành học đều ra trường gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, vấn đề có được việc làm hay không phụ thuộc ở phía chúng ta và nhà trường theo học. Tất cả điều chúng ta cần là học cho thật tốt, có thái độ sống tốt, trang bị kỹ năng sống tốt để khi ra trường, các bạn có thể lọt vào mắt của các nhà tuyển dụng. Tại trường Nguyễn Tất Thành, về khối ngành này chủ yếu giúp sinh viên trải nghiệm thực tế tại các ngân hàng, doanh nghiệp... để người học có thể hình dung công việc trong tương lai, trang bị được kỹ năng xử lý công việc, tự tin hơn để tham gia tuyển dụng. Trong tương lai, công việc khối ngành tài chính ngân hàng không chỉ bó hẹp tại Việt Nam mà còn rộng khắp các nước trên thế giới, cho nên bạn cần trang bị tiếng Anh cho tốt, để khi ra trường không bị tụt lại phía sau.
- Thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM: Đây là vấn đề muôn thuở của mỗi kỳ tuyển sinh, Tuy nhiên điểm mấu chốt không chỉ là ngành học mà là chính là năng lực và thái độ học tập của sinh viên, nếu phấn đấu đạt được những kỹ năng cần thiết thì bạn hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm sau này.
- Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Học ra trường có hay không có việc làm phụ thuộc vào các yếu tố sau: 80% là năng lực của cá nhân sinh viên ra trường; 15% là nỗ lực giới thiệu việc làm, hướng nghiệp của nhà trường và 5% là có yếu tố may mắn lúc ra trường bạn có nhận được việc làm như mong muốn của mình. Việc thất nghiệp hay có việc làm phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chính các bạn. Riêng nhà trường sẽ hỗ trợ cho sinh viên tối đa để các bạn có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình. Điều quan trọng của các bạn bây giờ là phải làm chuẩn bị, cố gắng thật chu đáo để học thật tốt bậc ĐH, rèn luyện kỹ năng mềm, sự nhanh nhạy để thích ứng với môi trường làm việc sau này.
Cũng với vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn khẳng định tất cả đều phụ thuộc vào năng lực của sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng đào tạo năng lực, kỹ năng mềm, tổ chức các lớp ngắn hạn để bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công việc. Thạc sĩ Lương Kim Anh nhấn mạnh: "Quan trọng là sinh viên phải thực sự học và đạt kết quả cao nhất trong nhà trường thì sẽ có thể đạt thành tích tốt khi ra xã hội".
"TS không nên cứ nộp vào, rút ra" Nhà báo Thùy Ngân đặt ra câu hỏi: Nhiều TS rất phân vân, không biết số điểm của mình có trúng tuyển vào NVBS của trường không (vì nhiều lúc điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn xét tuyển) nên có tâm lý nộp - rút hồ sơ chuyển từ trường này sang trường khác. Vậy, các thầy cô có lời khuyên nào cho TS trong việc nộp hồ sơ NVBS. Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, khuyên TS nên bình tĩnh trong việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS. Nộp hồ sơ vào ngành mình yêu thích, dựa trên chỉ tiêu, điểm chuẩn và mốc thời gian xét tuyển của trường. TS không nên cứ nộp vào, rút ra, “chạy” hết chỗ này qua chỗ khác. Thạc sĩ Phạm Văn Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bổ sung thêm, khi nộp hồ sơ xét tuyển NVBS, TS cần nghiên cứu thật kỹ thông tin tuyển sinh của trường, chọn đúng ngành yêu thích và nhu cầu việc làm sau này. Vì điều quan trọng là TS chỉ học tốt với ngành học mà mình yêu thích và mục tiêu cuối cùng sau khi học ĐH ra trường là sinh viên phải kiếm được việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại việt Sài Gòn và thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng có cùng quan điểm. |
Mời các bạn xem clip buổi trực tuyến:
Thanh Niên
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Cơ hội xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Cơ hội xét tuyển vào các ngành năng khiếu
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Cơ hội xét tuyển vào các ngành khoa học xã hội
>> Tư vấn trực tuyến truyền hình: Cơ hội xét tuyển vào đại học
Bình luận (0)