Tư vấn trực tuyến truyền hình online (lần 2): Chọn học chương trình liên kết quốc tế

14/08/2013 14:00 GMT+7

(TNO) Vào lúc 14 giờ 30 ngày 14.8, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường ĐH, CĐ.

>> Tư vấn trực tuyến truyền hình online lần 1

Chương trình có sự tham dự của chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ: 

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM).

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM).

- Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM).

- Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Quốc tế Kent).

Các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin chi tiết giúp phụ huynh và học sinh nhận biết được các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phù hợp. Các buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online sẽ sinh động, gần gũi và thực sự hiệu quả.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi bằng cách điền theo hướng dẫn bên cạnh hoặc đến tham dự trực tiếp tại tòa soạn Báo Thanh Niên (248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM).

Các trường có chương trình liên kết quốc tế muốn tham gia chương trình, liên hệ với cô Hà Ánh theo số điện thoại: 0919 841 873.

Khi chương trình bắt đầu (14 giờ 30 ngày 14.8), bạn đọc có thể đặt câu hỏi qua số ĐT: 08 39256248.

** Đúng 14 giờ 30 chiều nay (14.8), tại tòa soạn Báo Thanh Niên tiếp tục diễn ra buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online thứ hai với chủ đề Chọn học chương trình liên kết quốc tế.

Tham gia tư vấn có: Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM); Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM); Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) và ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Quốc tế Kent).


Toàn cảnh buổi trực tuyến - Ảnh: Khả Hòa


Các bạn học sinh tham gia buổi tư vấn trực tiếp ngay tại hội trường Báo Thanh Niên - Ảnh: Khả Hòa

Trước giờ bắt đầu buổi tư vấn, nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm đến vấn đề đã có mặt tại tòa soạn Báo Thanh Niên để trực tiếp đặt câu hỏi và được tư vấn.

Mở đầu buổi tư vấn, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh niên - Giáo dục, Báo Thanh Niên, cho biết: Hiện nay, nếu chưa có điều kiện để du học toàn thời gian ở nước ngoài, học sinh có thể tham gia các chương trình liên kết quốc tế giữa các trường ĐH, CĐ trong nước với nước ngoài hoặc các trường có yếu tố nước ngoài đặt tại VN. Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 230 chương trình liên kết với nước ngoài được Bộ cấp phép.

Vì vậy, việc tìm một chương trình học như thế hiện nay không quá khó. Tuy nhiên, có vấn đề là khi có quá nhiều lựa chọn thì người ta sẽ gặp một khó khăn khác, chẳng hạn không biết chương trình nào sẽ phù hợp.

Nhà báo Thùy Ngân cho biết, với chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình Chọn học chương trình liên kết quốc tế, các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin chi tiết giúp phụ huynh và học sinh nhận biết được các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phù hợp. Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi bằng cách điền theo hướng dẫn bên cạnh hoặc đặt câu hỏi qua số ĐT: 08 39256248.


Anh Nguyễn Ngọc Toàn (bìa trái) - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên tặng hoa cho các vị khách mời - Ảnh: Khả Hòa

Truớc khi bắt đầu buổi tư vấn, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên đã tặng hoa chúc mừng các vị khách mời tham gia tư vấn trực tiếp.

Mở đầu buổi tư vấn, đại diện các trường tự giới thiệu đôi nét về trường mình.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM là trường đào tạo trong điểm về giao thông vận tải của các nước, đặc biệt là khu vực miền nam.

Trường tự hào là trường bốn năm liền nhận tài trợ của Hội đồng Anh để đưa các chương trình đào tạo cao đẳng, đại học và nghề về đạo tạo tại trường, bao gồm việc đào tạo các kỹ năng mềm giúp sinh viên dễ dàng khi đi xin việc.

Trường hiện có Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế để đào tạo các ngành cao đẳng, đại học và sắp tới là đào tạo thạc sĩ.


Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) đang tư vấn trực tuyến - Ảnh: Khả Hòa

Hiện nay, chương trình đào tạo quốc tế của trường có ba chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán & Quản trị Tài chính, Quản lý Xây dựng. Chương trình xây dựng theo mô hình 3+1, tức ba năm học ở Việt Nam và một năm ở nước ngoài. Chương trình liên kết với các trường đại học Anh nên sinh viên có thể chọn đi Anh, với nhiều chương trình học bổng, ưu đãi cao. Nếu không muốn đi Anh, các sinh viên có thể chọn đi Úc, Canada, Malaysia và Singapore bởi chương trình của đại học Anh được công nhân ở hơn 130 quốc gia trên thế giới.

Tiếp theo, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết: Từ năm 2005, trường liên kết đào tạo với Trường ĐH Bolton (Anh). Văn bằng có giá trị quốc tế và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận. Đến nay, đã có 6 khóa đã tốt nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Giới thiệu sơ nét về chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường CĐ Quốc tế Kent, ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Quốc tế Kent, cho biết: Trường CĐ Quốc tế Kent là trường đào tạo chương trình CĐ của Úc tại VN. Chương trình đào tạo của Trường CĐ Quốc tế Kent theo tiêu chuẩn quốc tế do Học viện Kent Sydney (Úc) chuyển giao cho trường quốc tế Kent giảng dạy tại Việt Nam gần 13 năm và đến nay đã có gần 2.400 sinh viên đã tốt nghiệp.

Sinh viên có thể theo học tại trường theo chương trình tiếng Anh hoặc tiếng Việt.


Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) - Ảnh: Khả Hòa

* Qua phần trình bày của các trường, có thể thấy ngoài mô hình nửa thời gian học ở VN, nửa thời gian còn lại học ở nước ngoài như thường thấy; cũng có nhiều trường thực hiện chương trình liên kết nhưng học toàn thời gian ở VN. Vậy đâu là lợi điểm của những mô hình này?

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ có mô hình học tại Việt Nam thêm 1 năm nữa, nghĩa là 4 năm học tại Việt Nam và 1 năm học ở nước ngoài. Hiện trường đang xin Bộ GD-ĐT cấp phép cho mô hình này.

Hiện trường đã có khóa đầu tiên sinh viên tốt nghiệp tại Anh. Tôi nhận thấy mô hình 3+1 và 2+2 hay hơn mô hình học hoàn toàn ở Việt Nam hoặc hoàn toàn ở nước ngoài.

Nếu em đi nước ngoài từ khi tốt nghiệp THPT thì hành trang của em có những gì khi phải sống ở môi trường hoàn toàn mới? Nếu được học ở VN, các em được làm quen với việc học bằng tiếng Anh, được chuẩn bị với các khóa kỹ năng mềm. Từ đó các em ra nước ngoài học tập sẽ không bị ảnh hưởng.


Một bạn học sinh đặt câu hỏi trực tiếp cho các chuyên gia tư vấn ngay tại hội trường Báo Thanh Niên - Ảnh: Khả Hòa

Theo kinh nghiệm, với sinh viên 3 +1 thì các em trưởng thành hơn rất nhiều. Các em biết quản lý tài chính, quan tâm tới gia đình, tự lập,... Nếu 4 năm học tại Việt Nam và 1 năm trải nghiệm ở nước ngoài thì sẽ có sự khác biệt về ngôn ngữ. Ngoài ra, một sự khác biệt nữa là các em sẽ có được kỹ năng sống, khả năng giao tiếp với xã hội bên ngoài để giúp các em có kiến thức nền, trải nghiệm quý sau này khi tốt nghiệp.

Khi các em đi nước ngoài 1 năm nhưng bằng tốt nghiệp hoàn toàn không khác gì bằng của em học ở Anh hoàn toàn.

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Lý do trường chọn mô hình học tại Việt Nam là bởi yếu tố tài chính, chi phí của người học. Ngoài ra, việc cấp visa cho sinh viên sang Mỹ học có nhiều rủi ro mà không phải do hai trường quyết định.

Dù học ở trong nước nhưng bằng cấp vẫn giống ở nước ngoài. Tuy nhiên bản thân tôi vẫn khuyến khích nếu có điều kiện các em hãy chuyển tiếp học ở nước ngoài bởi điều đó rất tốt cho các em.


Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

- Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), cho biết: Đối với chương trình liên kết quốc tế của ĐH Ngân hàng và Trường ĐH Bolton (Anh), sinh viên sẽ học toàn chương trình tại Trường ĐH Ngân hàng. Ba năm đầu, chương trình học do giảng viên của Trường ĐH Ngân hàng dạy. Năm cuối, sinh viên sẽ được các giảng viên của Trường ĐH Bolton bay qua VN giảng dạy.

Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo, giao lưu ngắn hạn tại nước ngoài trong quá trình học.

“Bằng cấp của sinh viên học chương trình liên kết quốc tế này do Trường ĐH Bolton cấp và giống như bằng cấp của sinh viên học tại Trường ĐH Bolton ở Anh”, ông Nguyễn Anh Vũ khẳng định.

Ông Vũ phân tích thêm, học tại VN tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều và phù hợp hơn với điều kiện của nhiều gia đình học sinh.

- Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Quốc tế Kent): Có nhiều sinh viên hỏi tôi về lý do học cao đẳng, hoặc tại sao phải học ở trong nước. Tôi xin nêu một số ưu điểm của việc học hệ cao đẳng ở trường Kent.

Trước hết, việc học cao đẳng sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Chẳng hạn, với trường RMIT học phí trọn khóa từ 500 đến 800 triệu đồng. Tại trường Kent, học phí mềm hơn nhiều. Ví dụ, ngành Truyền thông của trường có học phí giao động từ 3 đến 4 triệu/tháng.


Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Quốc tế Kent) - Ảnh: Khả Hòa

Việc học cao đẳng cũng giúp các em có thể tiết kiệm được thời gian, các em chỉ cần học từ 1 năm rưỡi đến gần 2 năm là có thể tốt nghiệp. Khi đó, các bạn có thể đi làm để dồn thu nhập và học tiếp lên đại học, hoặc học liên thông lên đại học. Trong khi nếu học đại học, các em phải mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm.

Ngoài ra, ở học kỳ cuối cùng, các sinh viên sẽ có chương trình đi đến các Đông Á. Điều này sẽ giúp các em có được các trải nghiệm quốc tế.

* Nếu em theo chương trình liên kết quốc tế và được học sinh giỏi có được học bổng không? Trong 4 trường tại đây thì trường nào sẽ có nhiều học bổng? (Long, học sinh tại hội trường đặt câu hỏi)

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Chế độ chung: Trường có chính sách miễn giảm học phí chung như: Hai anh chị em thì được giảm 10% cho năm đầu tiên. Khi sang Anh, trước khi học chuyên ngành thì trường đối tác cho học bổng 8 tuần học tiếng Anh miễn phí, trị giá 2.200 bảng Anh.

Ngoài ra, trường có hỗ trợ 1.000 bảng Anh/em khi đi Anh (visa, máy bay).

Với chương trình học bổng dành cho học sinh xuất sắc: dành cho học sinh từ năm 1 đến năm 3 khoảng 200 bảng Anh/em/suất. Mỗi năm sẽ có 10 suất. Trường đang làm đề án xin Hội đồng Anh gói học bổng 3 năm, khoảng 2.000 bảng Anh/năm/suất.

Chương trình học bổng hè: Mỗi năm, dịp hè đều có chương trình trao đổi văn hóa dạng trại hè quốc tế, khóa học gồm 3 tuần, được miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm sẽ tổ chức đi đến các nước luân phiên nhau.

Với trường đối tác bên Anh thì sinh viên học tốt sẽ có thư công nhận là sinh viên xuất sắc và tiện lợi khi đi làm.

Ngoài ra, đối với các trường bên Anh, khi học lên thạc sĩ thì sẽ có hệ thống học bổng dành cho cựu sinh viên, giảmg 25% học phí khi học lên bậc tiếp theo.

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Học bổng của các chương trình liên kết của trường chỉ dành cho sinh viên giỏi thực sự. Hằng năm, ĐH KeuKa (Mỹ) đều có 5 suất học bổng toàn phần 1 học kỳ học tại Mỹ. Giáo sư của trường sẽ sang đây phỏng vấn trực tiếp để chọn. Sau khi học hết một học kỳ, sinh viên sẽ về Việt Nam học tiếp. Nếu muốn có được học bổng sinh viên cần phải phỏng vấn tiếp.

Còn ĐH Công nghệ Auckland (NewZealand) cũng dành một số suất học bổng giá trị 35% giá trị dành cho sinh viên giỏi theo học.

Ngoài ra, mỗi năm ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng có một số suất học bổng dành cho những sinh viên giỏi nhất, tính từ trên xuống.

- Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Quốc tế Kent): Trường Kent hiện có chương trình đặc biệt là hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho tất cả các sinh viên bắt đầu đăng ký từ tháng 8. Số tiền này nhằm hỗ trợ cho các học sinh ở trọ tại TP.HCM.

Ngoài ra, nếu các em đóng học phí trọn khóa thì có thể được giảm chi phí khoảng 15 triệu đồng.

Về học bổng thì trường có hai loại học bổng toàn phần hoặc bán phần. Số tiền học phí được miễn có thể dao động từ 100 đến 200 triệu đồng. Các điều kiện để nhận học bổng là học lực giỏi và tiếng Anh giỏi, thứ hai là gia đình phải thực sự khó khăn.

Để đăng ký, các em có thể vào website của trường Kent, vào mục tư vấn và đăng ký để đăng ký xét học bổng. Sau đó, các em có thể được phỏng vấn. Nếu đáp ứng các điều kiện, các em sẽ được hưởng chính sách học bổng.

Trả lời câu hỏi về học bổng của học sinh đặt ra, ông Nguyễn Anh Vũ, cho biết: Chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường ĐH Ngân hàng, có học bổng miễn 100% học phí học kỳ đầu (khoảng 40 triệu) cho học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đội tuyển học sinh giỏi thi quốc tế hoặc thi tốt nghiệp đạt loại xuất sắc; học sinh giỏi đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành hoặc thi tốt nghiệp đạt loại giỏi thì được giảm 50% học phí học kỳ đầu (khoảng 20-21 triệu).

Còn các học kỳ sau, trường sẽ xét học bổng theo kết quả học tập của sinh viên từng học kỳ.

“Tuy nhiên, một khi lựa chọn chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại VN hay du học thì chắc chắn gia đình phải chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào vì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều so với học tại các trường của VN. Học bổng chỉ là một khoảng nhỏ hỗ trợ thêm cho học sinh, gia đình”, ông Vũ tư vấn thêm.

* Hiện tại các chương trình liên kết quốc tế rất bát nháo. Tôi muốn biết danh mục các trường được cấp giấy phép đào tạo của Bộ GD-ĐT? Tìm ở đâu? Có nhiều trường tôi quan tâm nhưng không biết có được cấp phép hay không? (một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi)

- Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM): Hiện nay các chương trình quốc tế có 2 dạng: 100% vốn nước ngoài hoặc chương trình liên kết đào tạo giữa các trường Việt Nam với các trường nước ngoài.

Để biết thông tin chi tiết thì phụ huynh, học sinh có thể tham khảo tại website của Cục Đào tạo với nước ngoài: www.vied.vn để tìm danh sách các chương trình liên kết quốc tế (http://vied.vn/vn/content/thongbao/thongbaochung/danh-muc-cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-da-duoc-bo-gddt-phe-duyet_28598.aspx)

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Trước khi học chương trình liên kết quốc tế, các em cần quan tâm 2 vấn đề:

Thứ nhất là vấn đề chất lượng: Phải biết tìm chương trình nào là chất lượng.

Thứ nhì là chương trình đó được cấp phép ở Việt Nam hay không.

Có một số trường trực thuộc Bộ GD-ĐT thì sẽ có danh sách trên website của Cục đào tạo với nước ngoài. Nhưng có trường là thành viên các ĐH vùng, cụ thể là ĐH Quốc gia thì sẽ không thấy trên website của Cục Đào tạo với nước ngoài mà phải xem trên website của ĐH Quốc gia. Như Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì sẽ do ĐH Quốc gia TP.HCM cấp phép.

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế: Gần đây có một số chương trình liên kết bị Bộ Giáo dục và Đào tạo đình chỉ, không cấp phép. Do đó khi tìm hiểu, ngoài việc vào trang web của Bộ GD-ĐT tìm hiểu, phụ huynh khi đã lựa chọn trường đại học nào, có thể đến tận trường yêu cầu cho xem quyết định cấp phép đào tạo. Riêng trường chúng tôi lúc nào có đề nghị đều cung cấp cho phụ huynh quyết định này.

- Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Quốc tế Kent, cho biết: Chương trình hợp tác quốc tế có hai dạng là: chương trình hợp tác quốc tế của trường VN và trường nước ngoài; hoặc chương trình đào tạo của các trường 100% vốn nước ngoài hoạt động tại VN.

Đối với các trường 100% đầu tư của nước ngoài hoạt động tại VN thì sẽ không có niêm yết trong danh sách các trường liên kết quốc tế trên website của Bộ GD-ĐT.

Vì vậy, phụ huynh, học sinh cần lưu ý kiểm tra, kiểm chứng để chọn trường uy tín.

* Khi theo đuổi một chương trình quốc tế  đồng nghĩa với việc  sinh viên phải đầu tư nhiều hơn (về tiền bạc, thời gian, công sức…) so với sinh viên theo học chương trình trong nước. Vấn đề mà chắc chắn những ai đeo đuổi những chương trình này luôn muốn biết là làm thế nào để không dừng lại giữa chừng hoặc bắt đầu tìm một hướng đi khác. Vậy theo các thầy cô, phụ huynh và học sinh cần lưu ý những điều gì trước khi quyết định chọn một chương trình liên kết quốc tế ? Trong trường hợp sinh viên dừng chương trình giữa chừng, có những hướng đi nào cho sinh viên?

* Giả sử con tôi theo học chương trình liên kết được một nửa đoạn đường. Nhưng nếu xảy ra những điều không mong muốn trong lĩnh vực tài chính gia đình, con tôi không thể sang nước ngoài hoàn thành khóa học, thì sẽ như thế nào? (Phương An - Đà Đẵng)

* Con tôi cũng muốn tham gia một chương trình như thế này. Nhưng tôi đọc báo, thấy rất lo vì tình trạng các trường liên kết phía nước ngoài "bỗng dưng đóng cửa". Có cái gì để đảm bảo cho chúng tôi? Kiểu như một cách bảo hiểm. Chúng ta đã từng đọc qua mấy chuyện nhức đầu về các trường bên Singapore "bỗng dưng biến mất" rồi, lúc đó, con em chúng tôi lại phải chờ điều chuyển sang trường khác sao? (Phương Hà - Nha Trang)

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Đây là câu hỏi chúng tôi thường xuyên gặp phải khi tư vấn cho phụ huynh học sinh tại trường. Tôi có lời khuyên cho các phụ huynh học sinh là trước khi quyết định chọn học ở trường nào phải suy nghĩ, xem xét kỹ, tránh chạy theo trào lưu.

Thứ nhất, cần xem khía cạnh pháp lý của trường, xem trường có giấy phép hay không, nguồn gốc thế nào.

Thứ hai là chọn ngành nghề có phù hợp hay không.

Thứ ba là khả năng tài chính của gia đình. Nhiều khi có những biến cố không thể lường trước nên phải có các giải pháp.

Ở việc lựa chọn ngành nghề thì hằng tháng trường có những buổi hội thảo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Chẳng hạn ngày 25.8.2013 tới sẽ có hội thảo định hướng nghề nghiệp để định hướng thành công. Tại đây, em sẽ được tư vấn chọn lựa ngành nghề.

Vấn đề thứ hai là thắc mắc về việc dừng giữa chừng chương trình. Các em học chương trình tại Trường ĐH GTVT TP.HCM sau 3 năm sẽ có bằng cao đẳng quốc gia Anh. Đây là bằng uy tín, được công nhận ở 130 quốc gia trên thế giới, có thể liên thông bất kỳ trường nào. Bằng này có giá trị trong vòng 5 năm nên nếu không đủ điều kiện, các em có tể sử dụng bằng đi làm rồi quay trở lại học tiếp khi có điều kiện. Ngoài ra, sinh viên có thể được bảo lưu tối đa 12 tháng chương trình học tại trường.

Về tài chính, phụ huynh nên để dành khoản tài chính nhất định cho việc học của con em. Trường hợp có biến cố xảy ra thì có các giải pháp như sử dụng vốn vay ngân hàng. Các sinh viên học chương trình quốc tế sẽ hưởng ưu đãi như sinh viên chính qui từ các ngân hàng.

Về việc đóng cửa giữa chừng thì tôi có thể nói là chuyện này không xảy ra ở Trường ĐH GTVT TP.HCM. Bởi đối tác của chúng tôi là đối tác tin cậy. Chương trình được quản lý và cấp bằng Vương Quốc Anh bởi Tổ chức khảo thí quốc gia Anh (Edexcel). Trường Surrey thuộc top 10 trường đại học hàng đầu của Anh. Các phụ huynh có thể yên tâm bởi trường chúng tôi chỉ mở chương trình khi có đầy đủ các thủ tục pháp lý.

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Khi không thể theo đuổi tiếp một chương trình, các em phải xác định lí do vì sao. Thầy đưa ra 4 lí do: một là không qua được các môn học; hai là không đạt được chứng chỉ tiếng Anh; ba là không đủ tài chính; bốn là trường đang theo học đóng cửa.

Hai vấn đề đầu là của sinh viên, vấn đề thứ 3 là của phụ huynh, vấn đề cuối cùng là của trường.

Với hai lí do đầu, bản thân các em phải cố gắng, nỗ lực. Nếu trường tốt nhưng không nỗ lực tốt thì cũng không thể tiếp tục học. Các em phải có niềm đam mê và xác định rõ trước khi chọn học chương trình nào đó.

Vấn đề tài chính là vấn đề không ai muốn, kể cả các phụ huynh. Vấn đề do trường đóng cửa thì các em phải tìm hiểu thật kỹ chuyện này trước khi đăng ký học.

Với thầy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê đối với môn học, nỗ lực học tập, đặc biệt là tiếng Anh từ chính các em.

* Ai cũng mong muốn tiếp tục học hết chương trình nhưng cũng có trường hợp phải dừng giữa chừng. Trong trường hợp này, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ giải quyết như thế nào để hỗ trợ sinh viên?

- Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế (ĐH Ngân hàng TP.HCM): Hợp tác liên kết giữa ĐH Ngân hàng TP.HCM với ĐH Bolton (Anh) được công nhận bởi cơ quan kiểm định giáo dục ở Anh. Ngoài ra, việc liên kết được chúng tôi tuân thủ luật pháp chặt chẽ và lựa chọn kỹ đối tác liên kết.

Hiện nay, nguyên nhân dừng học là do sinh viên nợ quá nhiều môn không thể theo học kịp. Ngoài ra một rào cản nữa là khả năng tiếng Anh để các em trong quá trình theo học. Cho nên các em cần trang bị chương trình tiếng Anh thật tốt trong suốt chương trình học.

Việc không theo đuổi hết chương trình là điều không ai mong muốn và rất thiệt thòi cho các em. Tuy nhiên, nếu không theo hết chương trình, sinh viên theo học chương trình này sau khi hoàn tất chương 2 năm rưỡi ở Việt Nam vẫn có thể được cấp chứng do Hiệp hội kế toán tài chính của Anh công nhận và có thể làm việc ở một số doanh nghiệp. Nhưng tôi xin nhấn mạnh, chứng chỉ này chỉ là giải pháp tạm thời và không thể thay thế được văn bằng đại học.

* Ngoài văn bằng mang tính chất quốc tế thì không rõ văn bằng của trường là các văn bằng gì, đại học hay cao đẳng? Văn bằng của Trường ĐH Ngân hàng là bằng gì? Về Trường ĐH GTVT, văn bằng ngành kế toán là chuyên ngành về giao thông vận tải hay là văn bằng kế toán chung? (một phụ huynh tại hội trường đặt câu hỏi)

* Trong thông báo tuyển sinh  kiên kết quốc tế của Trường ĐH GTVT TP.HCM, tôi thấy ghi rằng SV tốt nghiệp được cấp bằng của ĐH Surrey (Anh quốc) hoặc bằng ĐH do các trường ĐH mà sinh viên đăng ký tại Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, Singapore, VN… Tôi không hiểu rõ thông tin này, nhờ cô Hồng Vân giải thích thêm (Minh Tuệ - TP.HCM)/ Bằng CĐ cử nhân Quốc gia Vương quốc Anh là bằng gì, như thế nào, có giá trị tương đương bằng ĐH không? (Ngọc Hoa - Lâm Đồng)

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Chương trình của Trường ĐH GTVT là 3+1, sau ba năm sinh viên được cấp bằng cao đẳng. Bằng này là bằng uy tín, được công nhận ở 130 quốc gia trên thế giới. Sau đó, sinh viên sẽ học một năm nữa để lấy bằng đại học.

Chương trình ở trường đào tạo kế toán và quản trị tài chính nói chung, chứ không chỉ riêng ở ngành giao thông vận tải. Các em tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các ngân hàng. Thực tế các sinh viên ở trường cũng đang thực tập ở các ngân hàng.

Về bằng Cao đẳng Quốc gia Anh, như đã nói trên bằng này có tính liên thông cao ở 130 quốc gia trên thế giới. Đây là bằng cơ sở để học sâu hơn ở đại học.

* Có thể tư vấn ngành học về quản lý xây dựng. Em có thể học ngành này và ra trường có thể làm gì? (Thanh Nghĩa, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên, TP.HCM).

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Chúng tôi đang triển khai ngành quản lý xây dựng 3 năm ở Việt Nam và 1 năm ở Anh. Cụ thể là Trường ĐH West of England. Khi ra trường đi làm, em sẽ kết hợp mặt kỹ thuật và quản lý nên hợp với em khi làm ở các dự án, công ty xây dựng, quản lý dự án. Bằng này cũng được các ủy ban, các tổ chức ở Anh công nhận.

Chỉ cần tốt nghiệp THPT và sẽ tham gia kỳ thi tiếng Anh đầu vào. Nếu tiếng Anh IELTS 6.0 thì được miễn năm 1 nhưng sẽ học một số môn bổ trợ; sau đó vào học thẳng chuyên ngành 2 năm tại Việt Nam và 1 năm tại Anh.

Trong trường hợp học sinh có thể gặp bất trắc phải dừng giữa chừng, thầy Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Quốc tế Kent, cho biết một đặc điểm hay trong chương trình đào tạo của Úc là cấp bảng điểm cho từng môn học. Vì vậy, khi sinh viên dừng giữa chừng, sau một thời gian có điều kiện quay lại học thì trường sẽ miễn giảm những môn học mà sinh viên đã học trước đó.

Trong điều kiện gia đình gặp khó khăn về tài chính thì từ chương trình CĐ sinh viên có thể chuyển sang khóa học ngắn hạn để được cấp chứng chỉ nghề đi làm. Sau đó, khi quay lại học chương trình CĐ, sinh viên cũng sẽ được miễn giảm những môn đã học.

* Em đang học tiếng Pháp ở Đồng Nai. Em xin hỏi trường có chương trình liên kết học ngành công nghệ thông tin bằng tiếng Pháp hay không?

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Hiện trường có chương trình liên kết ngành công nghệ thông tin liên kết với ĐH Lion (Pháp). Đầu vào của chương trình này là sinh viên phải thi đậu vào ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được hai văn bằng. Đó là bằng do Bộ GD - ĐT cấp và do ĐH Lion cấp.

* Em rất sợ bị thất nghiệp. Khi em ra trường thì trường có giúp em tìm việc làm hay không? Em có cơ hội làm việc ở nước ngoài hay không? (học sinh tại hội trường)

* Tôi nghe nói nhiều về chuyện đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Cụ thể chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường  có sự đặt hàng hay tham gia của doanh nghiệp nào đó chưa? Điều này nếu có sẽ giúp chúng tôi yên tâm ở khoản "đầu ra" khi hoàn tất chương trình (Hồng Duyên - Đà Lạt)

* Nếu em chọn học chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH KHTN ngành khoa học môi trường thì sau khi ra trường có dễ xin việc hay không? Nếu SV không xin được việc thì trường có giới thiệu việc làm cho SV tốt nghiệp không? (Kim Oanh - Đà Lạt)

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Như đã nói, điều quan trọng để xin việc với các em là việc định hướng nghề nghiệp. Trường có các hội thảo định hướng nghề nghiệp cho các em.

Trường có các mối quan hệ với các doanh nghiệp. Điều này giúp các em có cơ hội thực tập ở các doanh nghiệp. Từ đó các em sẽ thấy mình phù hợp với công việc nào. Chúng tôi cũng liên tục giới thiệu việc làm cho các em. Trường có các thông tin dành cho các em tốt nghiệp cao đẳng và đại học năm cuối ở Anh. Các em có thể được giới thiệu đến các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu tuyển dụng. Trường sẽ tư vấn, hướng dẫn các em làm hồ sơ xin việc, phỏng vấn để đạt kết quả tốt.

Với các sinh viên học năm cuối tại Anh, trường có các đường link có thể giới thiệu các em làm việc tại các quốc gia Đông Nam Á.

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Chương trình tại trường có hỗ trợ sinh viên bắt đầu năm thứ 3. Ở trường khóa thứ nhất ra trường thì 75% sinh viên có việc làm; khóa thứ 2 là 100% các em có việc làm. Các em có thể lên website của trường để tìm hiểu thông tin chi tiết và trao đổi chia sẻ với các cựu sinh viên tại đây.

Về xin việc làm ở nước ngoài thì sinh viên thầy chưa có ai đi làm ở nước ngoài. Vì muốn làm việc ở nước ngoài thì liên quan đến vấn đề visa làm việc ở nước ngoài.

* Một học sinh tại hội trường thắc mắc là có đọc thấy thông tin (trên một website) về chương trình liên kết đào tạo về y dược giữa Trường ĐH KHTN và Trường ĐH Monash ở Úc. Vậy chương trình này như thế nào?

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khẳng định trường chưa có chương trình liên kết đào tạo này với Trường ĐH Monash ở Úc.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ Quốc tế Kent, trước khi đặt câu hỏi ra trường mình có dễ kiếm được việc làm lương cao không thì các bạn phải tự đặt câu hỏi và chứng tỏ mình đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, kinh nghiệm làm việc, năng lực, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm tốt thì sẽ dễ có việc làm.

- Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế: Tôi không dám hứa sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết của trường đều xin được việc ở công ty đa quốc gia. Bởi đạt được điều này còn phụ thuộc vào khả năng của các em.

Hiện nay, qua 6 khóa học liên kết đã có nhiều em làm đúng ngành nghề ở các công ty, ngần hàng lớn đa quốc gia. Chúng tôi tự tin vào khả năng của sinh viên theo học ở trường mình.

Trường cũng liên tục tổ chức giao lưu với các ngân hàng, sử dụng mối quan hệ với các ngân hàng lớn để hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Tôi ủng hộ các em sau khi tốt nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm các nước trong khu vực. Các chương trình quốc tế là sự chuẩn bị tốt để các em tìm những công việc tốt, phù hợp.

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Như đã nói, điều quan trọng để xin việc với các em là việc định hướng nghề nghiệp. Trường có các hội thảo định hướng nghề nghiệp cho các em.

Trường có các mối quan hệ với các doanh nghiệp. Điều này giúp các em có cơ hội thực tập ở các doanh nghiệp. Từ đó các em sẽ thấy mình phù hợp với công việc nào. Chúng tôi cũng liên tục giới thiệu việc làm cho các em. Trường có các thông tin dành cho các em tốt nghiệp cao đẳng và đại học năm cuối ở Anh. Các em có thể được giới thiệu đến các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu tuyển dụng. Trường sẽ tư vấn, hướng dẫn các em làm hồ sơ xin việc, phỏng vấn để đạt kết quả tốt.

Với các sinh viên học năm cuối tại Anh, trường có các đường link có thể giới thiệu các em làm việc tại các quốc gia Đông Nam Á.

* Khi tham gia chương trình liên kết quốc tế, nhiều sinh viên cũng mong muốn sẽ dễ dàng được chấp nhận visa khi chuyển sang nước ngoài học tập. Theo các thầy cô, có nhiều trường hợp sinh viên bị từ chối visa khi tham gia chương trình này không? Và với kinh nghiệm của mình, các thầy cô có thể chia sẻ với học sinh và phụ huynh những yếu tố nào để dễ thành công khi xin visa?

- Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Ở trường chúng tôi thì các trường hợp xin visa trước nay đều thành công. Để được cấp visa các em phải có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên. Thứ hai là về tài chính, các em phải có minh chứng về tài chính, tức là đủ số tiền, gồm học phí và chi phí ăn ở tối thiểu trong 1 năm tại Anh.

Ngoài ra, cần có thư xác nhận chấp nhận sinh viên từ trường đại học tại Anh. Chúng tôi cũng gửi kèm theo thư giới thiệu để hồ sơ nặng ký hơn. Chúng tôi có liên hệ trực tiếp với lãnh sự quán Anh tại TP.HCM và trường bên Anh cũng có các nhân viên để lo việc này. Việc hỗ trợ xin visa của trường là hoàn toàn miễn phí.

- Thạc sĩ Trần Công Danh, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM): Với chương trình học liên kết ở Mỹ: Khi xin visa Mỹ các em cần chú ý hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn phỏng vấn.

Giai đoạn chuẩn bị là sự chuẩn bị của mình từ khi bước vào học. Phải chứng minh cho lãnh sự quán thấy về việc học của mình.

Giai đoạn phỏng vấn thì sinh viên Việt Nam thường trả lời chung chung. Các em khi trả lời phải xác định rõ ràng, có minh chứng cụ thể từng vấn đề khi được hỏi đến.

Sau buổi tư vấn hôm nay, chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình online với chủ đề Chọn học chương trình liên kết quốc tế sẽ có buổi tư vấn thứ 3, diễn ra vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 16.8. Mời bạn đọc theo dõi.

Xem clip buổi trực tuyến:


Phần 1


Phần 2


Phần 3


Phần 4


Phần 5


Phần 6


Phần 7


Phần 8

THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.