Từ việc hàng loạt ông chủ “mất tích”: “Núp bóng” đầu tư

04/02/2010 23:16 GMT+7

Sau khi hàng loạt ông chủ “mất tích” khiến người lao động khốn đốn, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện ra thêm việc nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài thuê người Việt Nam làm giám đốc, “núp bóng” đầu tư.

Giám đốc đi bỏ hàng...

Vào ngày 18.1, anh Nguyễn Tuấn Thanh (SN 1983), Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đông Thăng (số 64/8 đường Trần Hưng Đạo, xã Đông Hòa, Dĩ An) làm đơn trình báo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương về việc “mất tích” của bà Wu Shin Yuling (SN 1954) cùng với 5 người Đài Loan khác tạm trú tại địa chỉ trên.

Theo lời anh Thanh: “Vào tháng 9.2004, tôi làm nhân viên giao nhận hàng của Công ty Tân Doanh Ý (cũng của bà Wu đầu tư “núp bóng” dưới tên một giám đốc người Việt Nam - PV) với mức lương 800.000 đồng/tháng. Làm được 3 tháng, bà Wu và chồng là ông Wu Kuo Chen (SN 1950) nhờ tôi đứng tên mở thêm một công ty, với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Trình độ văn hóa thấp (lớp 6) cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi nhận lời và đưa CMND cho “cò” đi làm thủ tục đăng ký với chức danh Giám đốc Công ty Đông Thăng, ngành nghề kinh doanh ngành gỗ, bao bì..., vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng”.

Khả năng 669 công nhân Hason qua Tết mới được trả lương

Liên quan đến vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty TNHH Hason "mất tích" (Báo Thanh Niên ngày 20.1 đã thông tin), UBND tỉnh Bình Dương đồng ý ứng ngân sách để giải quyết lương cho 669 công nhân trước 23 tháng chạp. Thế nhưng, ngày 31.1 ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho biết: hiện hồ sơ đã hoàn tất để trả tiền cho người lao động, nhưng phải chờ Sở KH-ĐT làm thủ tục xác định "Doanh nghiệp bỏ trốn". Nếu thủ tục này kéo dài, thì khả năng phải qua Tết Nguyên đán mới chi trả được tiền cho người lao động.

Dù mang “mác” giám đốc, nhưng anh Thanh hằng ngày vẫn nhận nhiệm vụ đi giao hàng cho chính... Công ty Đông Thăng nơi anh làm giám đốc. “Lâu lâu, bà Wu kêu tôi đến ký báo cáo thuế và hóa đơn GTGT. Làm đến năm 2008, có một cán bộ bên Chi cục Thuế H.Dĩ An đến kiểm tra và phát hiện tôi làm giám đốc “thuê” nên lên tiếng cảnh báo. Khi tôi trình bày nguyện vọng nghỉ việc, bà Wu năn nỉ làm thêm một thời gian để tìm người khác thay, đồng thời tăng lương cho tôi lên 1,5 triệu đồng/tháng (chưa kể lương 800.000 đồng đi giao hàng). Gần đây nhất là vào ngày 13.1, bà Wu gọi điện cho tôi đến đề nghị ký khống 112 tờ hóa đơn GTGT để giải quyết công nợ. Cứ nghĩ ký xong là được nghỉ việc, chứ nào biết bà Wu sử dụng vào mục đích gì?”, anh Thanh trình bày.

Sáng 18.1, khi gần 10 công nhân đến làm việc thì phát hiện thiết bị văn phòng, máy móc sản xuất... được dọn đi từ trước, chỉ còn trơ lại vài bộ bàn ghế cũ kỹ trước hiên nhà nên gọi điện cho giám đốc hỏi thăm: “Mày dời công ty đi đâu mà không báo cho tụi tao biết?". “Tá hỏa, tôi gọi điện cho bố tôi chạy qua xem thử, thì mới biết 6 người Đài Loan đang làm việc tại Công ty Đông Thăng ôm hết giấy tờ, sổ sách, con dấu... biến mất. Điện thoại thì họ tắt máy. Giờ nợ nần đổ hết lên đầu tôi...”, anh Thanh rơm rớm nước mắt.

Ngoài hơn 450 triệu đồng đang nợ một số đối tác theo thống kê ban đầu, anh Thanh còn lo lắng khi Công ty Đông Thăng đứng tên thuê bao 5 số di động cho gia đình “bà chủ” sử dụng, có cả dịch vụ gọi quốc tế; tiền điện tháng 1.2010 (3 triệu đồng), tiền thuê nhà hơn 10 triệu đồng, lương của 10 công nhân (gần 20 triệu đồng), cùng với hàng chục triệu đồng tiền nợ thuế... Hiện vụ "mất tích" của nhóm chủ Công ty Đông Thăng đang được Công an H.Dĩ An thụ lý điều tra.

Đáng lưu ý, ngoài anh Thanh, vào năm 2008 bà Wu còn nhờ chị Nguyễn Thị Khanh (SN 1980, quê Hà Tĩnh), công nhân Công ty Đông Thăng thành lập thêm cơ sở Đông Hà, đóng tại ấp 1, xã Bình Khánh, H.Tân Uyên (Bình Dương) với ngành nghề kinh doanh thu mua nhựa các loại và sản xuất các sản phẩm bao bì bằng nhựa. Mỗi tháng ngoài tiền lương công nhân chị Khanh cũng nhận thêm 1,5 triệu đồng tiền làm “chủ” cơ sở.

“Mất tích” mới lòi ra đầu tư “chui”

Trước đó, vào ngày 15.12.2009, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên hệ Công an Long An và TP.HCM xác minh ông Nguyễn Thanh Phương và bà Đỗ Tiểu Thảo để giải quyết việc “mất tích” của Công ty TNHH một thành viên Hoằng Nhất. Theo xác minh của Phòng LĐ-TB-XH huyện Thuận An, Công ty Hoằng Nhất được Sở KH-ĐT Bình Dương cấp phép kinh doanh ngày 27.8.2008 với ngành nghề gia công dao khuôn, khuôn đồng, khung in lụa dùng trong ngành giày và mua bán nguyên liệu ngành giấy. Công ty do ông Nguyễn Thanh Phương (Long An) đại diện theo pháp luật và bà Đỗ Tiểu Thảo (TP.HCM) làm giám đốc, nhưng thực chất do người nước ngoài núp bóng đầu tư. Đến đầu tháng 12.2009, “bộ sậu” của Công ty Hoằng Nhất “biến mất” khi đang nợ 32,1 triệu đồng tiền lương của 15 lao động, nợ tiền thuê mặt bằng 1.000 USD và nợ của cơ sở bao bì Tân Thành Phát 810 triệu đồng...

Còn theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, vào tháng 2.2009 một người Trung Quốc tên L. cũng đã bỏ trốn về nước, “xù” lương của 63 công nhân với số tiền 90 triệu đồng. Ông L. đến thuê lại giấy phép và nhà xưởng của ông Nguyễn Hoài Sơn, chủ DNTN Sơn Thành, để kinh doanh ngành nghề may mặc. Sau khi ông L. “mất tích”, ông Sơn phải bỏ tiền ra trả lương cho người lao động; riêng BHXH, trợ cấp thôi việc, nợ suất ăn công nghiệp, nợ tiền thuê mặt bằng (ông Sơn thuê của người khác rồi cho ông L. thuê lại)... vẫn chưa thanh toán.  

Ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương, nói: “Luật Đầu tư năm 2005 ra đời là một “sân chơi” bình đẳng của DN trong và ngoài nước. Theo quy định, khi cấp phép thành lập chỉ xác minh năng lực tài chính hay trình độ chuyên môn của người đại diện ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Với những điều kiện thuận lợi như vậy mà DN vẫn đầu tư núp bóng thì rõ ràng họ đã có “âm mưu” từ trước, để khi xảy ra sự cố hay vi phạm pháp luật thì né tránh, “đẩy” hết cho những giám đốc “hờ” chịu trách nhiệm”.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.