Từ vụ án Nguyễn Đức Chi: Lời cảnh báo từ miền đất "vàng"

07/07/2005 22:35 GMT+7

Những năm gần đây, thành phố du lịch Nha Trang phát triển mạnh. Một loạt công trình giao thông, văn hóa, du lịch... được xây dựng ven biển Nha Trang đã làm cho mỗi tấc đất ở đây gia tăng giá trị. Người ta bảo Nha Trang là vùng đất "vàng" thứ nhất của tỉnh Khánh Hòa. Việc khánh thành tuyến đường ven biển nối Nha Trang và sân bay Cam Ranh đã làm cho bắc bán đảo Cam Ranh trở thành vùng đất "vàng" thứ hai của tỉnh...

Nhiều dự án đầu tư đã được chính quyền địa phương cho phép triển khai vào hai vùng đất này: Quần thể khách sạn năm sao trên đảo Hòn Tre, Nha Trang đã đi vào hoạt động. Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư dự án quốc tế ICC đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao quyền sử dụng 28,3 ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hòn Rớ II, Nha Trang. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại du lịch và đầu tư phát triển làm chủ đầu tư xây dựng khách sạn Sao Hôm trên diện tích hơn 2.500m2 tại 72-74 Trần Phú, Nha Trang... Đến nay, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh đã có 3 dự án đầu tư được phê duyệt, 13 dự án khác đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa xem xét. Bên cạnh những dự án có nhiều triển vọng, đã có dự án đổ bể và gây ra nhiều hoài nghi, nhất là sau khi Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) - chủ dự án khu du lịch Rusalka, Nha Trang - bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dự án Rusalka có nhiều điều bất thường. Thứ nhất, đây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đến nay tiền đầu tư xây dựng do nhiều đơn vị trong nước bỏ ra, chưa có đồng nào từ nước ngoài rót về. Thứ hai, để nhận đoạn đường chạy qua khu đất của dự án, RIT phải trả cho tỉnh Khánh Hòa 11,5 tỉ đồng; trong đó 4 tỉ đồng phải trả vào tháng 3/2003, nhưng đến nay chưa trả đồng nào. Thứ ba, việc triển khai dự án diễn ra chậm chạp; trong khi Nguyễn Đức Chi chưa trả hàng triệu USD tiền mua gạo của Công ty Lương thực Trà Vinh.

Mặc dù đang nợ ngập đầu, nhưng tháng 2/2004 Nguyễn Đức Chi lại tham gia thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoa Hồng, với vai trò cổ đông sáng lập, có 210.000 cổ phần, trị giá 21 tỉ đồng; đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Vạn Xuân Nha Trang. Ngày 25/2/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra hai thông báo cho phép hai công ty này lập dự án đầu tư tại khu du lịch Cam Ranh, trên diện tích 15 ha và 12 ha. Cần nhắc lại rằng, bắc bán đảo Cam Ranh là vùng đất "vàng" mà không phải nhà đầu tư nào cũng vào được; hơn nữa, chủ trương của tỉnh Khánh Hòa là các dự án ở đây phải có vốn đầu tư tối thiểu 10 triệu USD. Không rõ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có biết những dấu hiệu bất thường về tài chính của RIT và Nguyễn Đức Chi hay không mà lại ra hai thông báo nêu trên? Và một lần nữa "tỉ phú không tiền" Nguyễn Đức Chi lại qua mặt nhà chức trách.

Theo điều 7 của Giấy phép đầu tư xây dựng khu nghỉ mát Rusalka, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư không được chuyển nhượng vốn pháp định cho đối tác khác. Nhưng trước tình thế bị chủ nợ thưa với cơ quan công an, Nguyễn Đức Chi đã nghĩ kế chuyển nhượng vốn góp để trả nợ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ cho phép RIT được chuyển nhượng 60% vốn pháp định, kiến nghị này trái với điều 7 của giấy phép đầu tư do chính bộ này cấp. Nhưng cơ quan công an đã kịp thời ngăn chặn đề nghị chuyển nhượng này. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: "Ngày 28/9/2004, chính Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng có công văn số 1215/C16 (P1) C3, do Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, đại tá Nguyễn Thế Bình ký gửi cho tôi, đề nghị cho Nguyễn Đức Chi được chuyển nhượng vốn góp trong dự án Rusalka để liên doanh với Công ty Lương thực Trà Vinh hoặc pháp nhân khác...".

Những sự việc trên khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao "nhà đầu tư" Nguyễn Đức Chi được ưu ái đến thế? Phải chăng vì Nguyễn Đức Chi quan hệ với nhiều nhân vật "nặng ký", hay vì có chuyện "700.000 USD bôi trơn" mà dư luận đang râm ran?

Cơ quan điều tra nói về vụ Nguyễn Đức Chi


Trước thông tin cho rằng, cả UBND tỉnh Trà Vinh và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) khi đề xuất phương án "nhượng vốn" của Nguyễn Đức Chi đều dẫn văn bản số 1215/C16(P1)C3 ngày 28/9/2004 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (cụm 3) và đặt vấn đề liệu cơ quan điều tra làm như vậy có đúng nguyên tắc và có được phép hay không, chiều 6/7, đại tá Nguyễn Thế Bình, Phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, người trực tiếp ký văn bản trên đã dành cho phóng viên Thanh Niên cuộc trao đổi chung quanh vấn đề này. Ông Bình nói:

"Với các vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, án kinh tế... kinh nghiệm từ trước đến nay cũng như chỉ đạo của lãnh đạo, của Chính phủ là đều tập trung thu hồi tài sản thất thoát. Mọi việc xử lý mà chưa thu hồi được tài sản thiệt hại thì coi như không đạt yêu cầu. Đi vào cụ thể vụ Nguyễn Đức Chi, lúc đó Công ty Lương thực Trà Vinh (LTTV) đã bị chiếm dụng vốn và có đơn tố cáo Chi lừa đảo trong việc mua bán gạo, cơ quan điều tra đang xác minh thì Chi từ Nga về Việt Nam để thỏa thuận phương án trả nợ cho Công ty LTTV. Chi cam kết nhận nợ và xây dựng phương án trả nợ như sau: gán 1 biệt thự và 1 ngôi nhà ở Q.2, TP.HCM, trị giá hơn 10 tỉ đồng cho Công ty LTTV; sẽ xin phép Bộ KH&ĐT để nhượng vốn Chi đầu tư ở dự án Rusalka Nha Trang cho Công ty LTTV. Sau đó, trong phương án du lịch này có thêm Công ty Lâm Viên (LV) của Bộ Quốc phòng và cùng với việc góp vốn, Công ty LV cũng gửi cơ quan điều tra một văn bản ngày 14/11/2003 khẳng định Công ty LV có chức năng kinh doanh du lịch; sau khi khảo sát thực tế nhận thấy dự án là khả thi, Công ty LV đã lập dự án góp vốn 5,5 triệu USD và đã được cấp trên phê duyệt. Công ty LV cũng khẳng định đầu tư vào đây cũng là nhằm giúp cho Nguyễn Đức Chi khắc phục hậu quả trong quan hệ với Công ty LTTV. Bộ KH&ĐT sau đó đã chấp thuận bằng văn bản ngày 5/3/2004. Công ty LTTV cũng có thông báo gửi cơ quan điều tra cho biết là thu hồi được nợ. Nhưng sau đó thì phát sinh trục trặc, Công ty LV đòi lại tiền vốn đầu tư vì thấy Bộ KH&ĐT vẫn chưa cấp phép, rồi lại thay đổi, thỏa thuận tiếp tục duy trì việc đầu tư... Trên những cơ sở như vậy thì người ta mới hỏi ý kiến cơ quan điều tra. Và văn bản ngày 28/9/2004 của C16 là xuất phát từ sau tất cả những sự kiện đó, mục đích là để thu hồi tài sản của Nguyễn Đức Chi. Đây không phải là văn bản giải tội cho Chi mà cái chính là phải lo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước và để cho dự án tiếp tục hoạt động để tránh thiệt hại thêm. Còn quá trình điều tra xác định đúng sai như thế nào sẽ xử lý sau.

Theo tôi, dù trước hay sau gì thì nhất thiết dự án này cũng phải được thu hồi để trả cho Công ty LV hoặc Công ty LTTV. Làm trước thì hoạt động không bị ngừng trệ. Còn chờ để điều tra, xét xử xong rồi mới quyết định thì sẽ mất thêm thời gian rất dài".

Võ Khối
(ghi)

Hải Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.