Suốt một thế kỷ qua, các nước vẫn chạy đua phát triển xe tăng, khí tài đóng vai trò then chốt đối với lực lượng bộ binh.
|
Đến nay, lịch sử vẫn ghi nhận trận đánh ở vùng Amiens, miền bắc nước Pháp, diễn ra từ ngày 8 -12.8.1918 là một trong những trận đối đầu khốc liệt nhất. Gần 50.000 binh sĩ đã thương vong. Trận đánh không chỉ là một trong những bước ngoặt quan trọng để đi đến kết thúc Thế chiến 1, mà còn là minh chứng cho vai trò quan trọng của xe tăng trên chiến trường khi loại khí tài này tạo ra ưu thế lớn cho phe Anh - Pháp - Mỹ.
Pháo hạm mặt đất
Suốt thời gian xảy ra Thế chiến 1, chiến trường trên bộ vẫn đóng vai trò sống còn. Chính vì thế, cả hai phe đều ra sức chạy đua tăng cường lực lượng xe tăng, phát triển dưới đủ loại thiết kế khác nhau. Giống như máy bay, xe tăng trong giai đoạn này vẫn còn khá thô sơ, tốc độ rất hạn chế thường dưới 10 km/giờ. Tuy nhiên, thiết kế của xe tăng trong giai đoạn này lại phát triển rất rầm rộ với nhiều kiểu dáng độc đáo.
Anh được đánh giá là nước tiên phong khi đẩy mạnh triển khai xe tăng tham chiến hồi năm 1916. Độc đáo hơn, nhiều dòng xe tăng của xứ sở sương mù khi đó còn chia ra hai loại: xe tăng đực và xe tăng cái. Theo BBC, xe tăng đực là loại xe tăng có nòng súng thò ra ngoài, còn xe tăng cái thì nòng súng ẩn bên trong và bắn đạn thông qua lỗ châu mai. Cả hai loại đều có hỏa lực rất yếu nếu so với xe tăng ngày nay, thậm chí cũng chưa thể so với các loại xe chiến đấu bộ binh hiện đại. Điển hình như loại xe tăng đực Mark I nặng trang bị 2 pháo 57 mm và 3 súng máy cỡ nòng 8 mm. Những mẫu xe tăng Anh lúc bấy giờ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi thiết kế của tàu chiến, khi bố trí pháo nằm hai bên xe chứ không phải ụ pháo bên trên như hiện nay. Trong khi đó, dù chậm hơn Anh, nhưng lại tung ra mẫu xe tăng Renault FT được đánh giá như một thiết kế cơ bản cho xe tăng hiện đại, với ụ pháo bên trên, dù nặng chưa đến 10 tấn và trang bị pháo chỉ 37 mm. Về phía Đức, nước này khá chậm chân hơn Anh khi phải đến 1918 mới triển khai xe tăng ra chiến trường. Không những thế, trong suốt cuộc chiến, quân đội Đức chỉ có khoảng 20 xe tăng. Thực ra, không riêng gì Đức mà cả Mỹ cũng rất yếu thế về chế tạo xe tăng thời Thế chiến 1. Suốt cuộc chiến, quân đội Mỹ phải sử dụng xe tăng do Anh và Pháp cung cấp.
|
Sự trỗi dậy của người Đức
Sự thua thiệt về lực lượng xe tăng trong Thế chiến 1 trở thành vũng lầy mà nước Đức không muốn giẫm vào thêm lần nữa. Chính vì thế, vào cuối thập niên 1930, khi Thế chiến 2 bùng nổ, Đức đã sẵn sàng với một lực lượng xe tăng hùng hậu, hỏa lực cực mạnh cùng những kỹ thuật tối tân của thời bấy giờ. Phát triển xe tăng trở thành một trong các ưu tiên của nhà độc tài Adolf Hitler. Kết quả, xe tăng Đức trở thành nỗi khiếp đảm của đối phương trên khắp các chiến trường. Bởi thế, đến ngày nay, người ta vẫn dùng xe tăng làm hình ảnh đại diện cho sức mạnh Đức.
Theo tài liệu của tổ chức nghiên cứu Jane’s, dòng xe tăng Tiger của Đức trong Thế chiến 2 được trang bị pháo 88 mm cùng một số kiểu súng máy. Một ưu điểm khác của xe tăng Đức lúc bấy giờ là lớp giáp cực dày, có phiên bản lên đến 12 cm. Quá ấn tượng với xe tăng, Hitler từng chuẩn thuận dự án Landkreuzer P.1000 Ratte phát triển mẫu xe tăng dài khoảng 30 m, nặng 1.000 tấn, trang bị 2 nòng pháo 280 mm có tầm bắn lên đến 30 km. Tuy nhiên, dự án sau đó bị đình chỉ do không khả thi.
Tất nhiên, các nước Anh, Mỹ, Pháp hay Liên Xô cũng không chịu lép vế nên ra sức phát triển nhiều mẫu xe tăng mạnh mẽ để đấu với Đức. Những loại xe tăng như: M4 Sherman (Mỹ), T-34 (Liên Xô)… đạt không ít chiến tích lẫy lừng.
Thế chiến 2 kết thúc, nhưng cuộc chạy đua phát triển xe tăng giữa các nước gần như không có dấu hiệu hạ nhiệt cho đến ngày nay. Cuộc đua xe tăng ngày nay không chỉ giới hạn về tốc độ, hỏa lực, lớp giáp mà còn là những công nghệ tối tân. Điển hình như dòng xe tăng M1 Abrams của Mỹ được tích hợp hệ thống kính ngắm hồng ngoại để tác chiến ban đêm, tính năng điều khiển khai hỏa điện tử được hỗ trợ bởi hệ thống tính toán đường, dò tìm đối tượng… Thậm chí, mẫu xe tăng Merkava của Israel sở hữu hệ thống bảo vệ Trophy có thể phát hiện nguy cơ khi nhận biết các đầu đạn, hỏa tiễn từ đối phương đang bay về phía xe tăng. Ngay khi đó, hệ thống Trophy sẽ bắn chặn để phá hủy đầu đạn, hỏa tiễn. Dòng xe tăng T-90 của Nga cũng được xếp vào nhóm tối tân hiện nay, được trang bị hệ thống cảnh báo tiên tiến.
Bên cạnh Mỹ, Nga, Đức hay Israel, Nhật Bản giờ đây cũng thể hiện là một “thế lực” về xe tăng với mẫu Type-10. Theo trang mạng của Bộ Quốc phòng Nhật, đây là loại xe tăng hạng nặng, trọng lượng khoảng 44 tấn và đạt tốc độ tối đa 70 km/giờ cùng nòng pháo 120 mm. Nó được giới chuyên gia đánh giá hiện đại và mạnh mẽ không thua kém dòng M1 Abrams của Mỹ.
Các loại khí tài quan trọng của bộ binh Xe chiến đấu bộ binh: Đây là loại xe bọc thép được vũ trang hạng nhẹ với pháo cỡ nhỏ và súng máy. Không ít mẫu xe này có chung đặc điểm với xe tăng, bởi có cùng nền tảng chế tạo, nên dễ gây nhầm lẫn. Điển hình như dòng xe chiến đấu bộ binh CV90 và loại xe tăng Challenger 2, đều do Tập đoàn BAE chế tạo, có kiểu dáng rất giống nhau. Tuy nhiên, được trang bị hỏa lực mạnh hơn với pháo 120 mm, lớp giáp dày hơn và nặng gần 90 tấn, trong khi CV90 chỉ dùng pháo 40 mm và nặng khoảng 25 tấn. Xe bọc thép chở quân: Đây là phương tiện chuyên dụng để chuyển quân, thường được bọc thép để có thể bảo vệ binh sĩ bên trong khi tiến vào trận địa. Loại xe này cũng thường được vũ trang hạng nhẹ như súng máy, thậm chí có khi là pháo cỡ nhỏ 30 mm. Đến nay, nhiều quốc gia đã làm chủ công nghệ chế tạo xe bọc thép chở quân, điển hình như Singapore cung cấp mẫu xe Bronco cho quân đội Anh. Xe tác chiến đa dụng: Là các loại xe địa hình có thể được bọc thép, sở hữu vũ khí hạng nhẹ, phù hợp chạy trên các địa hình gập ghềnh, có tính linh hoạt cao, tốc độ nhanh. Thậm chí, một số dòng xe thuộc nhóm này sở hữu cả tên lửa chống tăng. Humvee của quân đội Mỹ đang được xem là dòng xe tác chiến đa dụng nổi bật nhất hiện nay. Pháo tự hành: Là các loại xe tích hợp các hệ thống pháo cỡ lớn thường từ 150 mm trở lên, với tầm bắn xa, có thể hơn 30 km. Nhiều mẫu pháo tự hành cũng sử dụng kết cấu bánh xích, kiểu dáng khá giống xe tăng nhưng nòng pháo dài hơn rất nhiều. |
Hoàng Đình
>> Trăm năm cách mạng vũ khí: Vị thế mới trên biển
>> Năm thế hệ chiến đấu cơ
>> Xe tăng trong tương lai của Mỹ sẽ như thế nào?
>> Xe tang kiểu mới
>> Xe tăng biển
>> Xe tăng bay
>> Đua xe tăng bắn súng
Bình luận (0)