Khởi nghiệp, lập nghiệp:

Từ ý tưởng trên giảng đường đến công ty sản xuất chuyên nghiệp

16/07/2023 07:00 GMT+7

Sản phẩm mới có doanh thu 150 triệu đồng trong 8 tháng đầu tiên, thành lập công ty… là kết quả mà một nam sinh đạt được từ ý tưởng khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Cơ duyên khởi nghiệp với món thức uống lên men Kombucha từ năm 2020, Phạm Lê Văn, sinh viên chuyên ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã thành lập công ty và cơ sở sản xuất với máy móc, vật tư chuyên nghiệp.

Khởi nghiệp, lập nghiệp: Từ ý tưởng trên giảng đường đến công ty sản xuất chuyên nghiệp  - Ảnh 1.

Lê Văn cùng các cộng sự trong dự án khởi nghiệp

NVCC

Cơ duyên khởi nghiệp món trà Kombucha

Năm 2020, Lê Văn gặp khá nhiều vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, béo phì… nên đã đến một ngôi làng tại Đà Lạt để tập yoga và thiền. Tại đây, ý tưởng khởi nghiệp nhen nhóm khi Văn được thử món trà Kombucha.

"Tại Đà Lạt, mình được cho con giấm Scoby để nghiên cứu cách làm trà. Sau khi tìm hiểu, mình nhận ra món đồ uống này rất tiềm năng và đang bùng nổ ở nhiều nước châu Âu. Dựa vào thị trường hiện tại, mình dự kiến đến năm 2025, Kombucha sẽ du nhập vào VN mạnh mẽ", Lê Văn chia sẻ.

Trong quá trình khởi nghiệp Văn gặp khá nhiều khó khăn về vấn đề nhân sự, bên cạnh đó việc thử nghiệm sản phẩm liên tục để đạt chất lượng tốt nhất cũng nằm trong mối lo của Văn. "Nhiều lần lên men, sản phẩm liên tục bị xâm nhiễm nên hương vị và độ an toàn không đảm bảo. Mỗi mẻ dù tốn chi phí không nhiều nhưng công sức phải bỏ ra mất 7 - 10 ngày và nếu một mẻ hư là phải hủy bỏ toàn bộ lô hàng", Văn cho hay.

Chỉ trong 8 tháng (11.2021 - 8.2022) ra mắt, Văn có doanh thu 150 triệu đồng đầu tiên với Kombucha và dự án khởi nghiệp liên tục gặt hái được nhiều thành tích trong các cuộc thi, như: giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (2021), giải ba cuộc thi chuyển đổi số trong nông nghiệp TP.HCM (2022)… Sản phẩm cũng đã được kiểm định chất lượng bởi Công ty TNHH EUROFINS Sắc Ký Hải Đăng vào tháng 3.2022, từ đây, Văn quyết định áp dụng dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp với hệ thống máy móc hiện đại.

"Vì quy mô làm theo kiểu thuần thủ công gặp nhiều vấn đề nên mình muốn triển khai mô hình này cùng hệ thống máy móc với quy trình hoàn chỉnh, chuyên nghiệp để tăng năng suất và giúp chất lượng sản phẩm ổn định hơn. Qua đó, hướng đến nhiều tệp khách hàng, đặc biệt là ở các nhà hàng, quán cà phê cao cấp", nam sinh này cho hay.

Tháng 10.2022, Văn thành lập công ty và bắt đầu lên ý tưởng xây dựng dây chuyền sản xuất trà lên men với quy mô 1.500 lít/tháng.

Khởi nghiệp, lập nghiệp: Từ ý tưởng trên giảng đường đến công ty sản xuất chuyên nghiệp  - Ảnh 2.

Dây chuyền nhà máy sản xuất được Văn cải tiến từ dây chuyền làm bia thủ công

Mô hình khởi nghiệp rất tiềm năng

Để tìm ra dây chuyền sản xuất, Văn nghiên cứu cách xây dựng trong 1 năm với mức kinh phí bỏ ra hơn 100 triệu đồng. Cuối cùng đã ký được hợp đồng gia công nấu trà Kombucha với nhà máy chế biến bia thủ công với diện tích hơn 1.000 m2 ở H.Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

"Mình áp dụng mô hình sản xuất bia thủ công để tạo ra dây chuyền sản xuất riêng cho trà Kombucha. Sau đó, chuyển nguyên vật liệu từ TP.HCM xuống Tiền Giang để xây dựng theo bản thảo đã vẽ và hướng dẫn cho nhân công thực hiện", Văn kể.

Tuy nhiên, dù đã thử nghiệm thành công nhưng vì chi phí gia công và vận chuyển khá đắt đỏ nên sau một thời gian Văn chuyển dây chuyền lên TP.HCM và hiện đang thương lượng với các nhà đầu tư để chạy thi công xưởng sản xuất trà với quy mô 4.000 lít/tháng.

Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình, nam sinh này cho biết quan trọng nhất là cách thuyết phục các nhà đầu tư hỗ trợ cho dự án của mình: "Khởi nghiệp dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng phù hợp, đặc biệt tuổi trẻ còn nóng vội. Mình đã từng muốn làm dây chuyền sản xuất với quy mô 5.000 lít/tháng nhưng không gọi vốn được, và mình đúc kết được rằng hãy nâng dần trình độ, có bằng chứng làm được những gì và hướng đi rõ ràng sẽ thuyết phục được nhà đầu tư".

Văn cũng chia sẻ thêm: "Nhờ vào lợi thế khởi nghiệp đúng chuyên ngành học nên mình có nền tảng tốt để tìm các nhà đầu tư, đặc biệt số vốn 50 triệu đồng đầu tiên mình có được đến từ một giảng viên tại trường. Ngoài ra, thời đại này thông tin nhanh chóng và dễ kết nối, vì thế mình có cơ hội tiếp cận các công nghệ, phần mềm quản lý nên tìm thông tin đối tác rất nhanh".

Là người đã đầu tư cho mô hình khởi nghiệp của Văn, chuyên gia nấu ủ bia thủ công Nguyễn Văn Cường, người sáng lập thương hiệu C-Brewmaster, cho biết: "Món trà của Văn có vị ngon phù hợp với nhiều lứa tuổi, màu sắc đẹp và có tính bản địa cao khi dùng nhiều loại trái cây và dược liệu VN như: tía tô, dưa hấu, sơ ri, quả điều, gừng... nên rất khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường. Mô hình khởi nghiệp của Văn rất tiềm năng, sản phẩm có lượng khách nhất định và hướng đi thị trường rõ ràng nên tôi đã quyết định đầu tư".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.