Trên mặt bằng chung của Giai điệu tự hào tối 25.9, Tùng Dương là ca sĩ được kỳ vọng nhất trong chương trình Bám biển quê hương. Mang trong mình nội lực lớn, Tùng Dương như một quả nổ, chưa kể đây cũng là ca sĩ chịu thay đổi. Điểm yếu nhất của Tùng Dương nằm ở chỗ anh có chọn được màu sắc cho đúng với chương trình mình xuất hiện hay không.
Vì thế, ở Giai điệu tự hào Chiều biên giới hồi tháng 7 vừa rồi, Tùng Dương như một mảng rời khỏi chương trình. Nếu như các bài hát trong chương trình được biểu diễn rất dung dị và tràn đầy chất linh thì anh lại hát Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara quá cầu kỳ và ma mị. Không phải Dương hát không hay, nhưng sự “lạc lối” khiến anh không hòa được vào tổng thể đó.
Có lẽ vì vậy, trong chương trình Bám biển quê hương, Tùng Dương đã rất biết “nương” vào sự hồn hậu, vào câu chuyện cảm động của những người lính bám biển, những người lính trên đoàn tàu không số. Anh hát Nơi đảo xa bản phối đầu tiên cùng với họ và cả những thế hệ người vợ người mẹ khác trong trường quay. Giọng Dương tình cảm và mượt mà. Ở bản phối thứ hai, Dương “bung ra” theo cách anh thấy thoải mái và tự giải phóng cá tính âm nhạc nhất. Tất nhiên, không thể không nói đến đoạn solo piano và phần phối khí của Hữu Vượng. Chính nhạc sĩ Giáng Son cũng phải hồi hộp chờ bản blues jazz này.
Khán giả cũng chia lòng yêu thích cho cả hai bản phối Nơi đảo xa của Dương. Tùng Dương, tất nhiên, rất khôn ngoan đã chia sẻ mình thích bản phối đầu tiên hơn. Tuy nhiên, sự say mê của anh khi hát jazz hoàn toàn không thể che giấu. Tùng Dương, trong chương trình này, ngoài việc hát hết mình cho những phong cách khác nhau, còn là một “hoa hậu thân thiện” rất nhún nhường nữa.
tin liên quan
Thu Phương hủy show ở Mỹ để hát cho Giai điệu tự hàoCa sĩ Thu Phương cho biết đã hủy một số show ở Mỹ để hát cho Giai điệu tự hào chủ đề "Đi qua vùng cỏ non".
Chương trình còn có những lời hát day dứt của Phương Anh với Biển sáng, có sự trong sáng ngọt ngào của Đông Hùng trong Tâm tình người thủy thủ, sự đằm thắm của Ngọc Anh trong Nha Trang mùa thu lại về. Nhóm Belcanto là một thú vị với những giọng ca rắn rỏi và phong cách khá chững chạc, nam tính. Họ hát Bám biển quê hương với sự chắc chắn của kỹ thuật, và có chút hoài cổ khi lẩy được ra chất dân ca. Nhưng chính sự thử nghiệm 2 bản phối của Tùng Dương là thể hiện rõ nhất của tinh thần làm mới những tác phẩm đã đi vào lịch sử của Giai điệu tự hào.
|
Nhiều kỷ niệm cũng góp phần mở ra không gian hát bằng tâm hồn, tự hào từ sâu thẳm trái tim của chương trình. Những câu chuyện về đoàn tàu không số được chính người lái tàu kể lại. Họ đã đi những hải trình dài không giống nhau để đến tận cùng đất nước. Có những chuyến đi tưởng tới nơi rồi mà giặc phát hiện, quây cùng lúc 8 con tàu, và người thuyền trưởng quyết định ấn nút cho tàu nổ. Như thế, vũ khí mới không rơi vào tay địch. Cũng có câu chuyện về những người lính bảo vệ Trường Sa. Nếu có khuôn hình nào đáng nhớ nhất thì đó chính là những hình ảnh tái hiện lại việc cắm cờ trên hòn đảo đó. Hình đen trắng nhưng gợi mãi về những trái tim son của bao người lính trẻ. Những câu chuyện như thế, đáng để nói lắm chứ trong một chương trình truyền hình vào khung giờ đẹp.
Giai điệu tự hào tháng 9 này có sự tiến bộ của biên tập viên Anh Tuấn. Anh nói nhiều hơn, những câu chuyện cũng rưng rưng hơn. Đây là điều nhà sản xuất nên chú ý để phát huy trong những chương trình sau này.
|
Bình luận (0)