img

Tùng Dương gần như không già đi sau hơn hai "thập kỷ hoan ca" (chữ anh từng dùng cho một liveshow ở cột mốc 10 năm), nếu như không muốn nói là "nhuận sắc" hơn đứt cái thời "đi lơ ngơ bắt chim sâu" như tôi vẫn thường trêu anh. Khác chăng là ánh mắt của Dương khi trò chuyện. Nếu lúc trước, đó đôi khi là ánh mắt hồ như vô định mông lung, không mấy ăn rơ với cái quyết liệt trong lời nói và thái độ làm nghề, thì càng về sau, ánh mắt đó càng trở nên mạch lạc và "đồng bộ" hơn với nói và làm. Cảm giác như đây là lúc Dương nhìn thấy rõ hơn bao giờ con đường đi của mình - "độc đạo", độc đáo, nhưng không hề cô độc, trong cách anh nhạy bén cập nhật và khéo léo kết hợp, khi tìm kiếm những cuộc song hành để nuôi dưỡng sự thăng hoa. Lần này, là với những người trẻ, tuyệt nhiên không có… bóng diva, trong live concert Người đàn ông hát, dự kiến diễn ra vào ngày 23.11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 1.


Vì sao sau hàng loạt cái tên có tính "vĩ mô" và "tỏ ra nguy hiểm" như: Trời và Đất, Độc đạo, Human, Bộ tứ sông Hồng…, thì giờ bỗng là một cái tên lành hiền và giản dị đến vậy: Người đàn ông hát?

Có lẽ là do độ đằm của tuổi chăng? Bước qua tuổi 40, càng lúc tôi càng cảm thấy lắng nghe mình rõ hơn mà không cần vặn to âm lượng trong mình. Đã là lúc nhận thấy những gì càng giản dị càng ở lại được lâu hơn trong lòng công chúng, càng chạm được đến những thứ ở gần mình nhất thì lại chính là cách để đi được xa nhất. Vi mô như Li ti hay vĩ mô như Trời và Đất thật ra cũng chỉ là một tên gọi mà thôi, nhưng xét cho cùng, đi đến tận cùng của vĩ mô thì cũng chính là vi mô và ngược lại

Người đàn bà hát từng là "mã định danh" của giọng ca Nga huyền thoại Alla Pugacheva và sau này được dùng cho "phiên bản Việt" Thanh Lam. Giản dị mà đầy kiêu hãnh. Nó có giống với định nghĩa Người đàn ông hát?

Người đàn ông hát thật ra là một cái nick mà nhạc sĩ lão thành Doãn Nho từng ngẫu hứng tặng cho tôi khi ông hài lòng với phần thể hiện của tôi trong việc làm mới ca khúc Chiếc khăn piêu. Với tôi thì đó chỉ là một danh từ hơn là một tính từ, để chỉ một người đàn ông không biết làm nghề gì khác ngoài… hát (cười). Nhưng cũng chính bởi không biết làm gì ngoài hát nên đó chắc chắn phải là công việc mà tôi có thể làm tốt nhất bằng tất cả mọi năng lượng tích cực nhất ở mình.

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 2.

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 3.


Nhưng một trong 3 phần thuộc live concert vẫn là một cái tên rất Tùng Dương: Đa vũ trụ (album mới nhất của Tùng Dương được phát hành cùng thời điểm - P.V). Cảm thức về vũ trụ vẫn luôn đeo bám anh, vì sao?

Phần nào đó, tôi vẫn luôn thích triết lý giản dị và vĩ đại của nhà bác học Albert Einstein về đạo vũ trụ, cái mà ông gọi là "tôn giáo của tương lai", vì nó bao trùm lên tất thảy, tự nhiên lẫn tâm linh, linh hồn và thể xác... Tôi luôn thích được xác lập chỗ đứng của mình trong không gian đa chiều đó của vũ trụ, như là một tiểu vũ trụ. Biết mình mãi chỉ là một sinh linh nhỏ bé giữa vũ trụ rộng lớn mênh mang cũng là một cách tự nhắc mình: dù chỉ là một hạt cát thôi, cũng hãy nên là một "khối lập phương" đa diện và ẩn chứa trong mình phẩm chất của pha lê: luôn có khả năng bắt sáng và phát sáng dưới ánh nắng mặt trời. Đặt mình vào đó không phải để sự cô đơn nuốt chửng mình mà để giúp tâm hồn mình trở nên khoáng đạt và bớt thần thánh hóa cái tôi quá lớn ở mình.

Không là một cảm thức thường trực, nhưng trước những tàn phá vừa qua của thiên tai, bão lũ lên mảnh đất địa đầu phía bắc của đất nước, nhiều người trong chúng ta lại thêm lần nữa cảm thấy sinh mệnh con người đôi khi thật quá bé nhỏ trước sức mạnh của thiên nhiên. Có những người đàn ông thậm chí không còn nước mắt để khóc khi bỗng chốc mất đi cả gia đình của mình… Đã bao giờ trước thực tế phũ phàng của đời sống mà anh cảm thấy những triết lý nghệ thuật của mình bỗng trở nên phù phiếm và xa xỉ?

Sẽ chỉ là xa xỉ và phù phiếm khi người nghệ sĩ dửng dưng đứng ngoài cuộc trước số phận của nhân dân mình, đất nước mình. Khi tôi quyết định là một trong những nghệ sĩ đầu tiên cùng những người bạn của mình nhanh chóng chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở Thái Nguyên, Yên Bái…, chính là lúc tôi ý thức hơn bao giờ trách nhiệm của một người nghệ sĩ trước cộng đồng; rằng nghệ thuật chỉ đẹp khi thoát thai từ đời sống và phụng sự chính đời sống đó. Khi tôi hát "đàn ông không cần khóc" chính là bởi tôi thấu cảm tới tận cùng về nỗi khổ tâm của những người luôn phải gánh trên vai "lòng kiêu hãnh, tôn nghiêm, trách nhiệm" và nước mắt đã phải "ngược vào trái tim đã quá đau thương" khi "bão giông cuồng điên cày xéo trong đêm" và phá nát cả cuộc đời họ…

Sau tiếng khóc sẽ là tiếng hát, để giúp xoa dịu phần nào những nỗi đau chưa kịp khép miệng…

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 4.

Nhạc Việt từng trải qua giai đoạn bội thực các ca khúc não tình cùng thể trạng "âm thịnh dương suy" với sự thiếu vắng các giọng ca nam tính; nhưng vài năm trở lại đây, cán cân vẻ như đã được xác lập trở lại với sự xuất hiện của nhiều "người đàn ông hát" giàu nam tính hơn. Là một người rất chăm quan sát thị trường, anh có thấy thế?

Quả là có một dạo tôi cảm thấy rất lo lắng cho nhạc Việt vì sự một màu đó, và sau đó, lại là sự tràn vào của "văn nói", của văn hóa fast food, TikTok… Ở thời điểm đó, có nhắm mắt lại chắc tôi cũng không thể hình dung mình lại có thể có lúc cover được những ca khúc như Ai chung tình được mãi với những ca từ vẻ như "tối nghĩa" gian gian díu díu mập mờ; hay cũng chính Đông Thiên Đức, tác giả của những ca từ đó, lại cũng chính là người đã viết nên Một vòng Việt Nam, một ca khúc tuyệt hay về đất nước. Càng đến gần và quan sát kỹ hơn, tôi càng nhận thấy không nên giữ cái nhìn bảo thủ khi suy xét mọi việc, đặc biệt là trong nghệ thuật.

Trước, tôi làm gì cũng để chứng tỏ: Có khó thì mới cần tới Tùng Dương, đã Tùng Dương là phải "ca khó"; nhưng giờ thì tôi thấy, tôi "lồng lộn" thế đủ rồi. Vẫn mãi là một Tùng Dương máu lửa trên sân khấu nhưng không còn là một Tùng Dương lúc nào trong lòng cũng như lửa đốt. Giờ tôi làm nghề an nhiên thả lỏng hơn, không gồng lên như trước nữa. Vì đã là lúc ngộ ra: ngang tàng trong nghệ thuật không có nghĩa là ngang ngạnh bảo thủ. Cần thiết phải kiên định với những lựa chọn riêng có của mình nhưng cũng cần mở lòng hơn trước những thứ khác mình. Đấy theo tôi cũng là một cái nhìn nam tính.

Vậy nam tính rõ nhất ở Tùng Dương là gì?

Là sự quyết liệt trong nghệ thuật, là làm gì cũng phải làm đến cùng, nói được làm được, không bao giờ nói xong rồi để đấy!

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 5.


Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 6.

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 7.


Tôi nói với Tùng Dương rằng, tựa đề MV Đàn ông không cần khóc và live concert Người đàn ông hát của anh khiến tôi bất giác nhớ tới một tập truyện từng được tặng thưởng của Hội Nhà văn VN tròn 30 năm trước: Tiếng khóc và tiếng hát của nhà văn Trang Thế Hy. Tôi biết Tùng Dương thuộc số ít ca sĩ chịu khó đọc (anh thích thơ Lưu Quang Vũ và Vi Thùy Linh), nhưng tôi đoán thế hệ 8X của anh có khi bỏ sót tác phẩm quan trọng đó của cây bút Nam bộ nổi tiếng?

Nhầm nhé! Ngay khi tình cờ nhìn thấy mấy chữ đó trên mạng, tôi đã tìm đọc bằng được tác phẩm ấy vì rất thích cái tứ đó. Với tôi và nhất là một người hát như tôi, mà cũng không cứ phải là một người hát, thì đó là hai thanh âm quan trọng nhất trong một đời người. Tiếng khóc là âm thanh đầu tiên khi con người ta dợm bước vào đời, còn tiếng hát là âm sắc riêng ở mỗi người trong bản giao hưởng cuộc đời cho tới khi tắt tiếng. Tiếng khóc thì có thể giống nhau, vì nó vang lên từ vô thức, nhưng tiếng hát thì khác đấy, nó là ý thức của mỗi chúng ta trước cuộc đời này, về việc chúng ta sẽ góp vào bản giao hưởng chung kia một thanh âm đẹp, hay là không đẹp…

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 8.

Còn tiếng cười? Thấy rõ anh là một người hay cười đấy chứ?

Cười lớn là khác! Cười là để vui, nhưng đôi khi cười cũng còn để giải tỏa và che lấp nỗi buồn, hay một khối bồn chồn ẩn khuất sau đó. "Khóc cười chỉ đâu đó thôi/Chỉ là ai cũng một thời/Hết buồn rồi ta cứ vui/Khóc cười vẫn phải làm người…" như tôi từng hát trong album Human

Gần đây tôi cũng có duyên với những ca khúc hay về đất nước như Một vòng Việt Nam, hay mới đây nhất là bản Quốc ca Tiến quân ca lần đầu tiên tôi có cơ hội được hát trọn vẹn lời 1 và lời 2 trên sóng truyền hình trực tiếp từ sân khấu Hoàng thành Thăng Long vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô 10.10. Đó là một cảm xúc thật đặc biệt! Gần 3 tháng trước, khi được chiêm ngưỡng hình ảnh nữ danh ca Celine Dion trình diễn tuyệt phẩm Thánh ca tình yêu từ đỉnh tháp Eiffel tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tôi đã xúc động đến trào nước mắt trước khoảnh khắc đẹp đến thế của một người hát trên đỉnh cao của họ về mọi mặt: tài năng, nghị lực sống, bức thông điệp mà cô ấy truyền tải… Đó quả là một biểu tượng đẹp của một người nghệ sĩ khi chạm được vào đỉnh cao đẹp nhất trên con đường tận hiến của họ. Một vẻ đẹp quá ư thuần khiết!

Khi được đứng trên sân khấu Hoàng thành Thăng Long, tại một điểm cao nhất để lần đầu tiên hát trọn vẹn hai lời của bài Quốc ca Tiến quân ca, vào một thời khắc đặc biệt của cột mốc 70 năm, tôi cũng cảm thấy rưng rưng trong mình một xúc cảm đẹp và thiêng liêng không dễ gì có được…

Độ cao mà lúc này tôi mong được chạm tới nhất, là những xúc cảm thiêng liêng đó.

Tùng Dương: Người đàn ông hát- Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.