Tùng và câu chuyện âm nhạc vẽ bằng cảm xúc

Nguyên Vân
Nguyên Vân
09/10/2021 06:45 GMT+7

Chuyện vào rừng hát hay lên Đà Lạt làm MV không mới, nhưng chuỗi Tree talks của nghệ sĩ độc lập 9X Tùng (Nguyễn Bảo Tùng) đang mang đến cho người thưởng thức những xúc cảm mới mẻ, thi vị…

Bởi ở Tree talks, cùng với âm nhạc của Tùng - tất cả ca khúc do chính anh sáng tác, sản xuất, thể hiện, là những câu chuyện mang màu sắc cổ tích được anh tự biên tự kể với giọng đọc truyền cảm, là hình ảnh thiên nhiên thanh mát, trong lành… Và, có thể nhiều hơn thế nữa khi mỗi tập của Tree talks gợi cho người nghe những rung cảm của hiện tại xen lẫn hoài niệm quá khứ, hay đôi khi “nghe xong em thấy can đảm thêm để bước qua cái bóng của mình ngày hôm qua” - như một khán giả để lại bình luận dưới tập 6 (phát hôm 2.10) với câu chuyện Trái táo và bài hát Tháng 8 ở kênh YouTube của Tùng.

Nếu ban đầu, Tree talks giới thiệu 2 tuần/tập gồm truyện kể và bài hát thì từ ngày TP.HCM dần mở cửa, khi mọi thứ bắt đầu rộn ràng trở lại, “mình cùng vào rừng thường xuyên hơn nữa nhé, từ tập 6 đến tập 10 - kết thúc của Tree talks mình sẽ vào rừng 1 tuần/lần” như Tùng chia sẻ. Anh cũng tiết lộ tập cuối sẽ là Gam màu tím ở rìa thế giới, bài hát mà Tùng cảm nhận được nhiều hơn về sự kết nối - cũng là điều mà anh nhận lại được trong dự án này.

Tùng trong tập 5 - Này em ơi...

Vào rừng hát, kể chuyện…

Khi Tree talks (đồng sản xuất bởi Yam) đến với công chúng tập đầu tiên, Tùng giới thiệu đó là “những câu chuyện thiếu-nhi-(tuyệt-đối)-không-dành-cho-trẻ-em được Tùng viết trong những lúc thèm rừng khi xã hội giãn cách hồi đầu năm, và chỉ được kể ở trong rừng, mong mọi người luôn khỏe mạnh và hãy cùng Tùng vào rừng để được nghe hát và kể chuyện nhé”.

Ê kíp của Tùng đều là những bạn trẻ sáng tạo chung chí hướng, khi bắt tay thực hiện Tree talks, mọi người cứ thế vào rừng, tùy vào bối cảnh, phụ thuộc thiên nhiên và địa hình, thời tiết, sau đó mới lên kế hoạch cho từng câu chuyện/chọn bài hát phù hợp. Vì sao chỉ được kể ở trong rừng? Theo Tùng thì “các câu chuyện trong Tree talks vốn dĩ là những câu chuyện buồn cười. Nếu bạn thấy buồn, đó mới chỉ là nửa chặng đường thôi, nghĩa là vẫn còn lưỡng lự... Còn nếu bạn cười sau đó, thì nghĩa là bạn đã thấy OK. Và chỉ kể ở trong rừng bởi trong rừng thì làm gì có quan điểm, mà không có quan điểm thì mới vui”.

Sách Tree talks hợp tác cùng họa sĩ Tina Pham sẽ được phát hành khi dự án kết thúc

Vì sao lại không dành cho trẻ em? Tùng bảo, tuy đó là chuyện buồn cười, nhân vật không phải con người, mà là cây cỏ, chim muông…, nội dung mang hơi hướm cổ tích những tưởng cho thiếu nhi (do mở đầu thường là “ngày xửa ngày xưa”) nhưng nếu trẻ em nghe lại có cảm giác không thoải mái từ những cái kết bất ngờ lẫn gây ấn tượng hơi mạnh… Và bởi vì đó là những câu chuyện âm nhạc mà nếu người nghe là trẻ em thì không thể có những sự đồng cảm thế này: “Này em ơi, bài hát lần đầu tiên mà mình nghe của Tùng, nó giúp mình đi qua những áp lực trong cuộc sống, cũng là bài hát mình hay hát cho em - chàng hoàng tử không còn bên mình…”; hay “Nghe nhạc của Tùng mới cảm thấy mọi thứ xung quanh dường như chậm lại, cảm ơn Tùng đã mang đến giây phút yên bình như thế này” (những bình luận dưới Tree talks)…

... và tập 6 - Tháng 8

The Tripod Guy

Cứ làm cho mình vui trước

Cách trò chuyện và chia sẻ âm nhạc của Tùng trong Tree talks còn thú vị và mang tính tương tác cao khi tác giả mời mọi người cùng kể chuyện, dựa trên các nhân vật Tùng đã kể, theo mỗi chủ đề của từng tập. Sau đó Tùng chọn, công bố một câu chuyện/tác phẩm hay nhất để tặng album 26: individualism phiên bản cassette của anh (do Universal Vietnam phát hành) cùng một postcard của Tree talks. Không ngờ, anh nhận nhiều phản hồi tích cực - có người vẽ tranh, làm nhạc, người sáng tác thơ, kể chuyện, làm cả hoạt hình… mà Tùng cảm nhận họ đã bỏ nhiều công sức cho phiên bản của mình.

Vốn là dân kiến trúc (Tùng tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Deakin University - Úc năm 2016 và về nước cuối năm 2019, làm việc tại TP.HCM), lại tự học nhạc, nên Tùng cho biết anh thường bắt đầu bài hát bằng hình ảnh, không phải giai điệu hay ngôn ngữ. “Tùng viết nhạc giống như vẽ tranh, mình không cố viết một câu chuyện, mà mình vẽ một bức tranh, người xem muốn hiểu sao thì tùy cảm nhận/cảm xúc của họ với tác phẩm của mình. Có thể tác phẩm không rõ ràng mình đang nói gì, nhưng khán giả hình dung, cảm nhận được - đó là màu âm nhạc của Tùng”.

Nhiều người nghe nhạc và câu chuyện của Tùng đã bày tỏ đó là thứ âm nhạc của xoa dịu, an ủi, vỗ về, thư giãn. Song với Tùng, “thời gian dịch bệnh vừa rồi khiến mọi thứ căng thẳng, thông tin trên mạng xã hội khá nhiễu loạn, vì vậy Tùng muốn làm gì đó tích cực, trước hết cho mình vui. Và nếu niềm vui đó được lan tỏa, được chia sẻ thì mình sẽ vui hơn, khi người xung quanh ít nhiều cũng có khoảnh khắc tạm nghỉ ngơi, thư giãn cùng mình”.

Tùng chia sẻ thêm, dù không chọn nhưng âm nhạc đã đến với Tùng thật duyên, và hiện mọi thứ cứ tiếp nối ngẫu nhiên như thế, nên anh vẫn sẽ tập trung cho công việc “vẽ” cảm xúc của mình bằng âm nhạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.