Sáng 28.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến thảo luận dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi (Dự án luật).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh |
gia hân |
Báo cáo một số vấn đề tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của nhà nước, và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.
Theo bà Thúy Anh, tiếp thu ý kiến này, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chỉnh lý điều 91 Dự thảo luật (về xử lý vi phạm trong thi đua khen thưởng - phóng viên).
Theo đó, bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; đồng thời, quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Cụ thể, ngoài trường hợp có hành vi gian dối trong kê khai thành tích hoặc thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định, Dự thảo luật bổ sung thêm trường hợp có kết luận, quyết định, bản án về việc có khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong thời gian tính thành tích hoặc liên quan tới công trình được trao giải thưởng cũng sẽ bị hủy bỏ, thu hồi các danh hiệu khen thưởng.
Dự thảo luật cũng quy định, các cá nhân được tặng thưởng danh hiệu mà phạm tội do lỗi cố ý, bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước trừ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
Đối với danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động sẽ bị tước danh hiệu khi phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình.
Dự thảo luật cũng quy định rõ, trong trường hợp được tòa án xét xử lại và không thuộc các trường hợp bị tước danh hiệu thì sẽ được phục hồi và trao lại danh hiệu.
Ngoài ra, Dự thảo luật cũng quy định pháp nhân thương mại được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà phạm tội bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về vấn đề này cùng thủ tục huy bỏ danh hiệu, thu hồi hiện vật, tiền thưởng; tước và phục hồi, trao lại danh hiệu.
Dự thảo luật Thi đua khen thưởng sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Bình luận (0)