Tôi không nói tất cả các em tuổi 13 đến 19, thậm chí ngoài 20 đều như thế. Nhưng thời gian gần đây tôi thấy quá nhiều trường hợp các em cư xử rất kém, đến mức lo lắng.
1. Một nữ sinh gọi đến Văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore lúc 12 giờ rưỡi đêm nhờ giúp đỡ. Em cho biết rằng em và 5 nữ sinh Việt Nam khác thuê nhà ở trọ và nhờ người môi giới cầm tiền trả cho chủ nhà hằng tháng. Mấy tháng liền, người môi giới “ôm” tiền và “chạy” mất. Chủ nhà buộc các em phải dọn đi. Tôi lắng nghe, rồi hỏi sao em gọi vào lúc nửa đêm như vậy. Em trả lời: “Tại bên VN mới cho số máy này nên gọi thôi”. Rồi em cúp máy. Tôi được biết em gần 20 tuổi, du học tự túc tại một trường khá có tiếng của Singapore.
Mấy phút sau thì mẹ em gọi từ VN sang, khóc lóc và van nài: “Tôi xin lỗi vì gọi cho cô vào giờ này, nhưng nửa tiếng nữa là người ta sẽ đuổi con tôi ra khỏi nhà. Tôi là người mẹ, cô thông cảm. Tôi đọc báo thấy cô từng giúp nhiều người. Cô giúp con tôi nghe cô”. Tôi rất xúc động, bảo bà yên tâm, tôi sẽ gọi lại ngay cho con bà.
Tôi gọi lại cho em và hỏi kỹ lưỡng. Em bảo đến trưa mai người ta mới lấy lại nhà. Vì thế, tôi hứa với em sáng ra tôi sẽ đến để cùng các em thu xếp mọi việc. Tôi cũng nhắc em rằng lúc nãy em nói những lời rất khó nghe. Lập tức em “đốp” lại: “Nếu chị ở trong trường hợp em thì chị sẽ nói thế nào?...”.
2. Tôi thường xuyên nhắc đứa cháu gái tuổi teen phải cao giọng hơn một chút khi nhấc máy điện thoại. Nghe cháu “Alô” tôi có cảm tưởng như cháu đang gằn giọng: “Ai đó? Anh đang làm phiền tôi đấy!”. Có thể cháu không tự “nghe” được âm điệu của mình, nhưng nếu để ý một chút, cháu có thể học được từ người khác cách “Alô” làm cho người ở đâu dây bên kia có cảm giác được chào đón.
3. Một em trai cũng đã qua tuổi 18 đến nhà tôi ở nhờ mấy hôm. Vừa vào nhà, em bốc ngay một trái táo trên bàn ăn ngon lành. Tôi thích người đến chơi hay ở trọ nhà tôi luôn tự nhiên và thoải mái. Nhưng tự nhiên kiểu như cậu thanh niên này thì tôi thấy hơi quá. Chỉ cần cậu ta nói được một câu: “Cô cho con xin một trái táo nhé!” thì tôi vui sướng và yêu quý cậu ta nhiều lắm.
Và còn nhiều chuyện khác. Không kể hết…
Tôi nhớ thời tôi và các bạn tôi vào tuổi teen, dù ở nông thôn nhà nào cũng đông con, cha mẹ làm lụng vất vả đâu còn hơi sức mà chỉ bảo con cái, xung quanh thì nhiều người thất học, nhưng chúng tôi không cư xử như các em bây giờ. Chúng tôi “lớn” được chủ yếu nhờ sự tự ý thức.
Thục Minh
Bình luận (0)