Chưa được rót kinh phí tổ chức
Sau 18 năm lần đầu tiên được Hội đồng thể thao Đông Nam Á giao quyền tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam tiếp tục được chọn làm nước chủ nhà SEA Games 31 dự kiến từ 21.11 - 5.12 với Hà Nội là địa điểm đăng cai chính, cùng 10 tỉnh thành vệ tinh. Đề án đăng cai SEA Games 31 đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phê duyệt và Ban tổ chức (BTC) đại hội hai lần tiến hành hội nghị trực tuyến với sự tham dự của trưởng đoàn thể thao các nước trong khu vực. Sở dĩ Việt Nam không thể mời đại diện lãnh đạo các đoàn đến Hà Nội bởi điều kiện khách quan không cho phép - đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Cũng sau hội nghị này, BTC SEA Games 31 cho biết dự kiến thu từ hoạt động tổ chức SEA Games 31 vào khoảng gần 285 tỉ đồng, trong đó thu khai thác bản quyền (trong nước và quốc tế) 20 tỉ đồng; thu ăn, ở của các đoàn (theo thông lệ): hơn 135 tỉ; thu bán vé: 60 tỉ; thu tài trợ: 70 tỉ. Dự kiến thu từ hoạt động tổ chức Para Games 11 khoảng hơn 39 tỉ đồng, trong đó thu ăn, ở của các đoàn (theo thông lệ) khoảng hơn 29 tỉ đồng và thu tài trợ là 10 tỉ. Còn khoản chi cho công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 khoảng hơn 1.600 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư. Khoản chi cho Para Games 11 dự kiến hơn 286 tỉ đồng. Ngoài ngân sách T.Ư, căn cứ vào yêu cầu thực tế, TP.Hà Nội và các vệ tinh chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác (nếu có) để phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức đại hội.
Về khoản chi đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình thể thao, BTC nêu rõ: “Ngân sách T.Ư chi cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình do Bộ VH-TT-DL quản lý, dự kiến hơn 591 tỉ đồng, gồm các dự án: Cung thể thao dưới nước và sân Mỹ Đình thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia, Trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhà thi đấu Trường ĐH TDTT Bắc Ninh; chi hỗ trợ tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đường đua môn xe đạp địa hình, dự kiến 11 tỉ đồng. Ngoài ra, Hà Nội và các địa phương liên quan chi nâng cấp, cải tạo các công trình thể thao thuộc quản lý của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư từ nguồn ngân sách địa phương”.
Tại hội nghị trực tuyến lần thứ 2 vào tháng 9 năm ngoái, BTC đã chia sẻ âu lo: “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số công việc chuẩn bị ban đầu cho SEA Games 31 và Para Games 11 bị chậm so với tiến độ đề ra. Kinh phí chuẩn bị và tổ chức hai đại hội chưa được phân bổ, dẫn tới chưa thể triển khai những công việc có liên quan đến sử dụng ngân sách. Một số dự án cải tạo, nâng cấp công trình thể thao do ngân sách T.Ư đầu tư chậm phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn tới quỹ thời gian còn lại để triển khai là rất ngắn, gây khó khăn trong quá trình triển khai”.
Những khó khăn về mặt khách quan chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến quá trình chuẩn bị trong thời gian tới của BTC. Ngoài ra, ngành thể thao cũng đang gặp một trở ngại khác là hết tháng đầu tiên của quý 1/2021, vẫn chưa được phê duyệt kinh phí tổ chức lẫn kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất như vừa đề cập ở trên. Tiền chưa được rót, khối lượng công việc lại khổng lồ, BTC suốt thời gian qua vẫn phải “tay trắng” chuẩn bị.
Tính toán lại chiến lược trước khi quá muộn
Tuy nhiên, nỗi bất an lớn khác nữa là trong trường hợp xấu nhất xảy ra, Covid-19 chậm được khống chế và kéo dài trên diện rộng (ở Đông Nam Á), liệu SEA Games 31 có thể diễn ra theo đúng kế hoạch, liệu các khoản chi phí cho công tác chuẩn bị có bị biến thành mây khói nếu như đại hội không thể diễn ra như dự kiến.
Xin được nói rõ hơn, cách đây ít tháng, khi Việt Nam vẫn đang được coi là vùng an toàn vì Covid-19 tạm được kiểm soát, chính BTC SEA Games 31 cũng đã thiết lập 3 kịch bản khác nhau. Kịch bản thứ nhất, vắc xin phòng Covid-19 được sản xuất hàng loạt, thế giới nhìn chung có thể kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh; kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục. Việc tổ chức đại hội có thể diễn ra thuận lợi, chủ yếu bị tác động do suy thoái kinh tế, khó khăn trong việc vận động tài trợ.
Kịch bản 2, vắc xin phòng chống Covid-19 chậm được sản xuất hàng loạt hoặc chưa thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh; khu vực Đông Nam Á có thể vẫn tồn tại những "ổ dịch" nhưng ở phạm vi nhỏ. Việc tổ chức đại hội có thể phải áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế, thậm chí biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia còn có dịch. Công tác tổ chức đứng trước một số khó khăn, thách thức do phải thực hiện các biện pháp vừa phòng dịch, vừa tổ chức thi đấu. Kịch bản thứ 3, dịch Covid-19 chậm được kiểm soát; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số quốc gia Đông Nam Á, dẫn tới khả năng một số đoàn thể thao các nước không thể tham dự đại hội. Năm 2021 dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tới năm 2022. Dịch Covid-19 ở Việt Nam bùng phát trở lại tại thời điểm trước khi diễn ra SEA Games 31, dẫn tới nguy cơ hoãn hoặc thậm chí hủy tổ chức SEA Games 31”.
Là quốc gia đi đầu thế giới về công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2020 nhưng thật không may đến thời điểm này, ngay tại Việt Nam, Covid-19 đã bùng phát trở lại và đang diễn tiến xấu. Được biết Ban Chỉ đạo quốc gia về đăng cai SEA Games 31, Para Games 11 và BTC đại hội đang thận trọng tính toán lại chiến lược của mình. Cách đây chưa lâu, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cũng đã đề nghị BTC cần đưa thêm vào đề án đăng cai kịch bản xấu nhất là không thể tiến hành đại hội vì Covid-19. Xin được nhắc lại rằng, hàng loạt hoạt động liên quan đến hai đại hội đều cần đến khoản kinh phí trong quá trình chuẩn bị. Vậy nếu không tính sớm mà không may đại hội không thể tổ chức, những khoản chi nói trên sẽ cực kỳ lãng phí.
Bình luận (0)