|
Năm 1957, nhà tù Phú Lợi được chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ dựng lên để giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ. Dù chỉ tồn tại 8 năm (1957-1964) với những cái tên mỹ miều là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, “An Trí viện”, nhưng thực chất là “địa ngục trần gian” của người dân yêu nước và chiến sĩ cách mạng bị giam cầm. Đến cuối năm 1958, ở đây có khoảng 6.000 tù nhân, trong đó có 1.000 tù nhân nữ. Ngày 30.11.1958, chế độ Mỹ - Diệm đã gây ra vụ đầu độc tù nhân chính trị bằng cách tẩm thuốc độc vào bánh mì (bánh cũ và bánh mới rồi trộn lẫn lại) cùng với thịt bò cấp phát cho tù nhân. Ngày 1.12.1958, có hàng trăm tù nhân bị ngộ độc, nhiều người chết, nhiều người hôn mê bất tỉnh. Đến ngày 2 và 3.12, số bệnh nhân nặng và chết càng đông. Một số người bị vùi tại chỗ, số nặng chuyển đi nhưng không bao giờ thấy trở lại Phú Lợi nữa.
Bà Nguyễn Thị Mai (73 tuổi, ngụ Phước Vĩnh, Phú Giáo, Bình Dương) cho biết, bà có tổng cộng hơn 4 năm bị xiềng xích tại nhà tù Phú Lợi và thuộc nhóm nữ cựu tù nổi tiếng nhất miền khu vực phía Nam những năm 1958. “Tôi bị giam cùng 40 đồng đội khác tại khắp các miền Nam Bắc ở nhà tù này. Ám ảnh nhất với mỗi chúng tôi là phòng kỷ luật của nhà giam này. Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại lúc ở xà lim, chân bị cùm, lưng không ngồi thẳng vì trên đầu có kẽm gai, ăn uống kham khổ mà tôi vẫn thấy ớn lạnh. Bọn chúng tàn ác lắm nhưng vẫn không thắng được ý chí của bộ đội ta”.
Nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Ông Lê Phan Thuần – PGĐ Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm khu di tích nhà tù Phú Lợi đón trên 50 ngàn lượt khách tham quan, thường xuyên tổ chức hội trại truyền thống cho học sinh trong và ngoài tỉnh về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Tham gia dự lễ tưởng niệm 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù”, em Hải Yến (học sinh trường tiểu học Phú Hòa – Bình Dương) tâm sự: “Mỗi khi được thầy cô cho đi tham quan tại nhà tù này, được nghe các cô hướng dẫn kể lại những đau đớn mà các cựu tù đã trải qua khi bị giam tại đây chúng em rất xúc động và các bạn đều cố gắng ghi nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Cố gắng học tập và làm những việc tốt để không phụ công và không phụ lòng các cựu tù.”
Bạn Thúy Anh ( SV năm 2, ĐH Mở Bình Dương) chia sẻ: “Nhìn vào mỗi bức tranh tái hiện lại những đau thương mà cựu tù phải chịu đựng khi bị giam cầm, chúng tôi không kìm được nước mắt. Cha ông ta đã trải qua quá nhiều gian khổ hi sinh để có được độc lập, tự do cho con cháu. Chúng tôi tư hào vì được sinh ra tại một dân tộc có bề dày lịch sử về lòng yêu nước và hứa sẽ cố gắng học tập để sau này là những công dân có ích cho xã hội”.
Ông Đào Văn Tiên - Đại diện Ban liên lạc chiến sỹ bị địch bắt và tù đày nói: “Không có nỗi nhục nào bằng nhục mất nước, không có đau khổ nào bằng đất nước bị xâm lược. Chúng tôi mong, thế hệ trẻ sau này ghi nhớ những gian khổ, đau thương mà cha ông ta đã trải qua để xây dưng và bảo vệ đất nước”.
Huy Anh
Bình luận (0)