Tướng Noriega bị dẫn độ sang Pháp

27/04/2010 23:37 GMT+7

Sau chừng 20 năm ngồi tù ở Mỹ, “hùm xám” Manuel Noriega đã bị trục xuất sang Pháp, đối mặt với những tháng ngày lao tù mới.

Là một quân nhân chuyên nghiệp, Manuel Noriega có tất cả những phẩm chất để trở thành lãnh tụ quân sự ở Panama, mảnh đất luôn chìm sâu vào tao loạn thời thập niên 1970 - 1980. Trên thực tế, Noriega đã trở thành một vị thủ lĩnh đầy quyền lực, nhờ sự chống lưng của Mỹ, và rồi ông ta bị biến thành một tù nhân, cũng dưới bàn tay của Mỹ.

Con cưng của Mỹ

Manuel Noriega sinh năm 1934. Đến thập niên 1950, có nhiều nguồn tin khẳng định nhân vật này đã là người của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), sau các khóa học do Mỹ đào tạo tại Panama và chính tại nước Mỹ. Trong suốt giai đoạn từ thập niên 1950 tới cuối 1970, Noriega là một nhân vật quan trọng trong các hoạt động chính trị ở Panama, là đầu mối của CIA trong nhiều chiến dịch chống Cộng. Tuy nhiên, là điệp viên, Noriega cũng bị nghi ngờ là một nhân vật “sọc dưa”, tức cùng lúc hợp tác với nhiều cơ quan tình báo đối nghịch. Theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng, Noriega vừa làm cho CIA, vừa cung cấp tin tức tình báo cho Đài Loan, đồng thời vẫn hợp tác với chính quyền Cuba. Đó chính là tiền đề dẫn tới việc CIA hạ bệ Noriega cách đây 20 năm.

Câu chuyện là như thế này: sau một thời gian vẫy vùng ở chính trường cấp thấp, Noriega - với sự hỗ trợ của CIA - đã trở thành một ngôi sao trong nền chính trị của Panama. Đến đầu thập niên 1980, nhân vật này trở thành một trong những chính trị gia đáng chú ý nhất của dải đất Trung Mỹ. Và điều gì đến đã đến. Khi con hùm xám đủ lông đủ vuốt, nó phải trở thành vị chúa tể của một vùng đất. Năm 1983, Manuel Noriega tự phong cho mình cấp bậc đại tướng và trên thực tế đã trở thành lãnh đạo của Panama, một vị vua thực thụ của mảnh đất này.

Khi lên nắm quyền, Noriega càng thắt chặt quan hệ với Mỹ, theo các sử liệu đã được công bố rộng rãi. CIA được quyền thiết lập các cơ sở do thám tại Panama cũng như mở chi nhánh để điều hành hoạt động trong khu vực. Noriega đóng vai trò là đầu mối của CIA trong các chiến dịch chống lực lượng cánh tả tại Trung Mỹ, đặc biệt là tại Nicaragua. Với vai trò này, Noriega trở thành con cưng của Mỹ, được Washington cung cấp vũ khí và sự đảm bảo quyền lực chắc chắn.

Khi quyền lực được Mỹ đảm bảo, Noriega bắt đầu “phát bệnh”, lạm dụng quyền lực và dần dần sử dụng địa vị của mình để phục vụ cho những hoạt động đen tối, theo tố cáo của Mỹ. Vào cuối thập niên 1980, Noriega bị cáo buộc rửa tiền, buôn lậu ma túy và nhiều hoạt động tội phạm khác. Và những điều này đã dẫn tới một kết cục: Noriega từ vị trí con cưng của Mỹ đã bị chính người Mỹ “thanh toán”, như Osama bin Laden.

Thất sủng

Vào năm 1983, Noriega lên nắm quân đội, và trên thực tế đã trở thành vị lãnh đạo toàn quyền của quốc gia vùng eo đất Trung Mỹ. Với quyền lực trong tay và với những hoạt động thao túng, Noriega lập tức trở thành cái gai trong mắt chính quyền Mỹ. Sớm hay muộn, Washington phải nhổ cái gai này nếu không muốn nó phát triển thành một chế độ độc tài bất trị. Và rồi, thời điểm “bứng rễ” cũng đã đến. Đó là những tháng ngày cuối thập niên 1980.

Ngày 20.12.1989, Tổng thống George H.W.Bush lệnh cho tướng lục quân Maxwell R.Thurman mở chiến dịch Sự nghiệp Công lý (Operation Just Cause). Mỹ đem gần 30 ngàn quân tấn công Panama, với lý do chủ yếu là bảo vệ an nguy cho công dân Mỹ tại đây cũng như bảo đảm nền dân chủ ở nơi này không bị đe dọa. Những lý do kèm theo là nhằm tiệt trừ các băng nhóm ma túy và bảo vệ các hiệp ước mà Mỹ đã ký với Panama. Động cơ thực thụ cho chiến dịch này phức tạp hơn rất nhiều những gì Mỹ công bố.

Lực lượng thủy quân lục chiến và đặc nhiệm hải quân Mỹ ngay từ đầu đã chiếm thế thượng phong trước một đội binh không mấy thiện chiến của tướng Noriega. Tuy nhiên, việc bắt giữ “hùm xám” kênh đào Panama hoàn toàn khác với việc thò tay vào túi áo. Mở chiến dịch từ tháng 12.1989, mãi tới tháng 1.1990 thì Mỹ mới buộc Noriega quy hàng, sau một chiến dịch khiến Mỹ tổn thất khoảng 30 nhân mạng trong khi tổn thất của phía Panama cao hơn khoảng 10 lần. Nói gì thì nói, rốt cuộc Mỹ cũng đã giành thắng lợi, đội quân của tướng Noriega đã quy hàng.

Và nếu như khi còn hợp tác với CIA, Noriega được đánh giá là một đối tác tích cực, thì khi bị chính người Mỹ hạ bệ, vị tướng độc tài này lại trở thành một trùm tội phạm không hơn không kém. Năm 1992, tại một phiên tòa ở Florida (Mỹ), Noriega bị kết tội buôn lậu ma túy, gian lận và rửa tiền, theo hãng tin BBC. Một bản án 40 năm tù đã được giáng xuống đầu vị tướng khét tiếng của dải đất Trung Mỹ. Bản án này sau đó được giảm xuống còn 30 năm.

Trục xuất sang Pháp

Sau bản án vào năm 1992, Noriega bị giam giữ tại Miami, tiểu bang Florida. Quá trình thụ án tốt đã khiến nhà chức trách giảm án cho vị tướng khét tiếng thuở xưa xuống còn 17 năm tù, mãn hạn vào năm 2007. Tuy nhiên, bản án ở Mỹ kết thúc, nhưng Noriega vẫn chưa thể thoát khỏi vòng lao lý khi tòa án tại Pháp muốn xét xử nhân vật này về tội rửa tiền. Khi người ta ở vị trí đỉnh cao thì chẳng có gì cả, nhưng lúc đã sụp đổ thì tội lỗi đầy mình. Đó cũng là lẽ thường.

Sau thời gian thụ án tại Mỹ, Noriega đã trở thành đối tượng của một cuộc tranh cãi mang tầm quốc tế, trong đó Pháp muốn xét xử nhân vật này trong khi Panama thì không, còn Mỹ vẫn lưỡng lự.

Sự việc chỉ được hóa giải vào tháng 3 vừa qua, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phê chuẩn lệnh dẫn độ Noriega sang Pháp. Đến ngày 26.4, một chuyến bay của hãng Air France đã chở Noriega từ bên kia Đại Tây Dương tới nước Pháp, nơi một bản án nặng nề đang chờ đợi. Thế là thêm một hành trình lao lý nữa cho vị tướng 76 tuổi khét tiếng thuở nào.

Sinh năm 1934, Noriega được đào tạo quân sự ở Panama, Chile và Mỹ. Từng hợp tác với CIA, nhân vật này lên lãnh đạo Panama từ năm 1983. Đến năm 1990, Noriega bị Mỹ bắt trong chiến dịch Sự nghiệp Công lý. Sau khoảng 20 năm thụ án tại nhà tù Mỹ, giờ đây, Noriega bị trục xuất sang Pháp để đối mặt với một phiên tòa xét xử tội rửa tiền.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.