>> Khác lạ trống đồng Cảnh Thịnh
Tượng thú có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm, được phát hiện tại di tích khảo cổ Dốc Chùa (Bình Dương) cho tới nay vẫn là độc bản. Độc đáo hơn, chưa ai có thể khẳng định đó là con thú gì.
Trong bản kê danh mục các bảo vật quốc gia thì tượng thú này được đánh số 43 với tên gọi “tượng thú 2 đầu” dạng cổ vật thuộc Bảo tàng Bình Dương. Đó là một tượng nhỏ (dài 6,4 cm; cao 5,4 cm) của con vật có bốn chân, đứng trên bệ hình chữ nhật có 4 mấu uốn cong vào phía chân. Đầu dài (gần như đầu chó), mồm doãng ra hai bên. Sống mũi cong, hốc mắt sâu. Trên đỉnh đầu, có tai và 2 gờ nhọn có vết gãy (có thể là gốc của 2 sừng). Cổ cao và to không cân xứng với thân, ngực thon nhỏ. Trên lưng có quai nhỏ, giữa quai có lỗ thủng như được dùng để buộc dây đeo. Hai bên hông thú trang trí những đường nối gấp khúc dạng hình thang. Chính giữa có dấu lõm gần tròn xung quanh có nhiều rãnh ngắn như hình mặt trời tỏa tia sáng. Con vật thuộc giống đực, có bộ phận sinh dục lớn (không cân xứng với thân tượng). Bốn chân được bấu với đế hình chữ nhật, giữa đế (dưới bốn chân) có hình một con vật khác thuộc loài bò sát có thân dài gần tròn, nằm uốn lượn, đuôi nhỏ và cong lệch hẳn sang một bên. Con vật này cũng đã bị gãy mất đầu…
Tượng được phát hiện vào năm 1997 tại Dốc Chùa (xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đây là một địa điểm khảo cổ học nằm trên sườn thấp của một ngọn đồi mà đỉnh đồi nằm ở phía bắc, phía nam là sông Đồng Nai, hai mạn đông và tây đều có hai con suối đổ ra sông - một địa điểm rất lý tưởng để cư dân cổ xưa cư trú. Từ năm 1976, người ta đã phát hiện ở đây có những di tích mộ táng thuộc thời đại đồng thau và đã tiến hành khai quật vào các năm 1976, 1977, 1979 và 2009 với tổng diện tích là 550,60m2. Qua đó, Ban Khảo cổ của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) đã phát hiện được khoảng 40 ngôi mộ nằm ở tầng văn hóa sâu khoảng 2 - 2,5m, chia làm 3 nhóm mộ: mộ rải đá và gốm (đã đập vỡ), mộ rải gốm và mộ đất. Nhóm khảo cổ cũng đã tìm thấy những vật tùy táng bằng đá, gốm, đồng… và tượng thú nói trên là hiện vật đặc biệt.
Đáng chú ý là phát hiện được 73 khuôn đúc đồng bằng đá, cho thấy ở đây từng có một “xưởng” đúc đồng thủ công có tầm cỡ của vùng Đông Nam bộ và cư dân Dốc Chùa đã có sự giao tiếp thường xuyên với “đối tác” cung cấp quặng đồng… Cũng từ những hiện vật rải trên mộ và tùy táng, các chuyên gia đã nhận định 3.000 năm trước cư dân cổ ở lưu vực sông Đồng Nai đã có sự phân biệt giàu nghèo hoặc vị trí cao thấp trong xã hội. Riêng tượng thú nói trên có thể là vật đeo (trang sức) hoặc là một thứ bùa của tầng lớp quý tộc (tù trưởng hoặc lãnh tụ tôn giáo), cũng có thể là một vật mang tính linh thiêng dùng trong một nghi lễ nào đó…
|
Những nhận định chung quanh tượng thú
Nhiều ý kiến cho đây là tượng con hươu bởi đầu có sừng, bụng to, trên thân có hoa văn chấm tròn (phổ biến trên các trống đồng hoặc đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn). Có người lại cho là tượng ngựa vì trên lưng có hình chiếc yên ngựa, dưới cổ có trang trí giống hình chiếc lục lạc và có bộ phận sinh dục lớn (như ngựa). Và đây là những phản biện: Không phải tượng hươu: tượng không có sừng, ở loài hươu không có hiện tượng chấm lõm trên thân và cả ở chân. Các con vật thuộc họ hươu (Cervidae) có đuôi nhỏ, ngắn không giống với con vật trên tượng: đuôi dài, cong, uốn ngược lên. Không phải tượng ngựa: đầu không giống đầu ngựa, tai không nhọn vểnh lên như tai ngựa, hàm không bạnh như hàm ngựa, gáy cũng không có bờm như loài ngựa, đuôi xoắn và cong lên chứ không dài, rủ xuống như đuôi ngựa (chỉ trừ khi phi nhanh đuôi ngựa mới tung lên), chân cũng rất khác với chân ngựa…
Thế thì… “nó” là con gì? Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về nhận định đây là tượng chó. TS Vũ Thế Long trong tạp chí Khảo cổ học số 4/1977 và PGS-TS Phạm Đức Mạnh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), cùng với PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Viện phó Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) đưa ra những cơ sở cho kết luận này: đầu với mõm nhọn giống với đầu chó, khối mặt hơi thấp xuống, vùng tương ứng với ổ mắt có hai chấm lõm giống với mắt chó, đặc biệt giữa sống mũi có một vạch lõm chạy dọc từ trán đến chót mũi như ta vẫn thấy ở giống chó nhà hiện nay. Đuôi uốn cong cũng là một đặc điểm của loài chó. Riêng PTS-GS Bùi Chí Hoàng còn củng cố thêm là ở di tích khảo cổ học An Sơn (Long An), người ta đã phát hiện được xương cốt của loài chó nhà có niên đại rất sớm (cách đây 4.500 năm). Cũng có ý kiến cho rằng đây là tượng chó săn vì dưới chân còn có một con vật khác, có thể là con mồi.
Về con vật nằm ở dưới (đã bị gãy mất đầu) có nhiều ý kiến đây là loài bò sát (rắn hoặc trăn). Còn TS Vũ Thế Long lại cho đó là con chồn dơi (Cynopithecus) chứ không phải rắn. Loài chồn dơi thường bay nhảy trên cây, ăn thực vật và chỉ sống ở vùng rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Ở nước ta, chồn dơi có mặt từ rừng Nghệ An trở vào phía nam. Và ông Vũ Thế Long gọi đây là “Tượng chó săn mồi”.
Tuy nhiên, cho dù chưa thể xác định đây là tượng thú gì thì “việc phát hiện một tượng đồng có hình dáng một con vật đứng trên một con vật khác đã là một hiện vật hết sức độc đáo, chưa từng thấy ở bất cứ di tích nào khác trong vùng Đông Nam bộ, đồng thời tượng thú cũng có một giá trị nghiên cứu văn hóa nhất định về đặc trưng văn hóa mộ táng trong thời kỳ tiền sử ở lưu vực sông Đồng Nai”, Nguyễn Thị Hiền - cán bộ Bảo tàng Bình Dương cho biết.
“Để chế tác một hiện vật có độ phức tạp như vậy đòi hỏi chủ nhân của nó phải là một cộng đồng cư dân có trình độ luyện kim đúc đồng phát triển cao. Phải xác định đây là hiện vật thuộc dạng quý hiếm. Nó không chỉ là một hiện vật bình thường mà có lẽ là một trong những sản phẩm có ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân Nam bộ trong quá trình chinh phục vùng đất này”. (PGS-TS Bùi Chí Hoàng) |
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)