Tùy tiện ‘xài’ tiền trái phiếu chính phủ

28/05/2016 07:06 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt vấn đề đáng lo ngại sau khi hoàn tất kết luận đợt kiểm toán chuyên đề về phát hành, quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014, báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước tiên là tình trạng phân bổ vốn chưa sát, chưa đúng với nhu cầu xảy ra từ T.Ư tới các bộ, ngành, địa phương. Nhiều bộ, tỉnh cần vốn lớn thì số được phân bổ lại thấp, trong khi có dự án địa phương không đăng ký cũng được T.Ư “ấn” về như trường hợp công trình QL279 - Nặm Lịch ở Điện Biên.
Vốn 1.000, làm... 1.400
Theo báo cáo, không ít tỉnh đăng ký vốn vượt kế hoạch. Điển hình là Vĩnh Long, chỉ riêng dự án kè sông Cổ Chiên mức vốn trái phiếu chính phủ được 1.000 tỉ đồng nhưng địa phương lại xây dựng kế hoạch lên đến hơn 1.400 tỉ đồng. Nhiều công trình chủ đầu tư không đăng ký vốn hoặc đăng ký thấp nhưng tỉnh lại muốn xin cao hơn như hàng loạt dự án bệnh viện huyện của tỉnh Vĩnh Long hay một số dự án của tỉnh Thái Nguyên, Cà Mau.


Áp lực trả nợ vì kỳ hạn ngắn
Cơ quan kiểm toán cho rằng việc còn một tỷ lệ lớn trái phiếu có kỳ hạn ngắn cũng là vấn đề hạn chế trong công tác phát hành vì điều này gây áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Cụ thể, trong năm 2014 có tới gần 134.000 tỉ đồng trong tổng số 248.000 tỉ đồng được phát hành là có thời hạn từ 3 năm trở xuống, chiếm gần 54%. Tỷ lệ này dù đã giảm đáng kể so với mức hơn 80% của năm trước đó song vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong số này, trái phiếu kỳ hạn 364 ngày chiếm hơn 10%, tương đương trên 26.000 tỉ đồng; kỳ hạn 2 năm là trên 34.000 tỉ đồng và kỳ hạn 3 năm khoảng 73.000 tỉ đồng, chiếm 29,52%.


Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng nhu cầu vốn của nhiều bộ ngành, địa phương chưa phù hợp (như thứ tự ưu tiên không hợp lý) dẫn đến không tiêu được tiền, giải ngân với tỷ lệ thấp. Đơn cử như một loạt tỉnh có số giải ngân đạt dưới 70% là Hòa Bình, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ. Đặc biệt, trường hợp của Tây Ninh, giải ngân chưa đạt 4% của kế hoạch vốn.
Đến thời kỳ thanh quyết toán, giải ngân, việc quản lý ở nhiều nơi được kiểm toán xác định là thiếu chặt chẽ, nhất là trong khâu cấp và thu hồi tiền tạm ứng, dẫn đến tình trạng công trình đã hoàn thành nhiều năm hoặc hết thời hạn thực hiện song vẫn chưa thu hồi được tiền. Tiêu biểu cho tình trạng này là dự án đường Nậm Khao Tà Tỏng ở Lai Châu. Đây là dự án đã hoàn thành gần 4 năm trước song đến nay vẫn còn hơn 146 tỉ đồng tiền tạm ứng chưa thu hồi được. Hay câu chuyện công trình đường Tam Đường - Bản Hon - Bình Lư của tỉnh Phú Thọ được tạm ứng từ tháng 4.2014 vậy mà tới hơn một năm sau vẫn chưa có hồ sơ tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước.
Hơn 800 tỉ đồng “có vấn đề”
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, nhiều địa phương thanh toán cho những nội dung không thuộc phạm vi sử dụng vốn trái phiếu hoặc cho những khối lượng vượt quy mô. Nhiều nhất là Cần Thơ hơn 30 tỉ đồng, Gia Lai với 8,6 tỉ đồng hay Lạng Sơn gần 5 tỉ đồng...
Đặc biệt, trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, tình trạng địa phương thanh toán cho những công việc mà quyết định đầu tư xác định sử dụng nguồn khác chứ không phải là trái phiếu hoặc được dùng nguồn này nhưng các thiết bị mua sắm không nằm trong danh mục được phép diễn ra khá phổ biến với số tiền từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Câu chuyện nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, đơn giá cũng diễn ra tại hầu hết dự án với tổng số tiền lên tới trên 500 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán xử lý tài chính trên 807 tỉ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách hơn 39 tỉ đồng, giảm thanh toán 176 tỉ, bố trí nguồn hoàn trả vốn trái phiếu chính phủ 248 tỉ đồng...
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ đích danh các bộ, địa phương cần làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định. Cụ thể, với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ này nâng cao trách nhiệm thẩm định trong công tác phân bổ vốn hằng năm, ứng trước kế hoạch vốn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Tương tự là Bộ NN-PTNT, trong công tác ban hành văn bản về hướng dẫn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã quy định cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối tượng xã không phù hợp với quyết định của Thủ tướng, dẫn đến phân tán, thiếu tập trung nguồn lực, chậm hoàn thành chương trình mục tiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.